Bạo lực gia đình ngày càng nghiêm trọng
48% phụ nữ nông thôn và 38% phụ nữ sống tại các đô thị cho biết từng phải trải qua bạo hành thể chất trong đời; hơn 20% ở nông thôn và 14% ở thành thị phải hứng chịu bạo hành. Có thể nói, bạo lực gia đình đã và đang trở thành một vấn đề xã hội nhức nhối.
Ảnh: T.L.
Không dễ để thống kê về bạo lực gia đình
Từ năm 2008, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định về Kế hoạch hành động phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) giai đoạn 2008 - 2015 với mục tiêu thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về BLGĐ, triển khai có hiệu quả Luật phòng chống BLGĐ, giảm BLGĐ trên toàn quốc.
Tuy nhiên qua các báo cáo, cũng như nhiều ý kiến cho rằng khi triển khai Luật BLGĐ, thực hiện phòng chống BLGĐ thì số lượng vụ BLGĐ theo phản ánh ngày càng gia tăng. Điều đáng nói, số vụ BLGĐ ngày càng có biểu hiện tiêu cực hơn, có tính chất nghiêm trọng hơn.
Về vấn đề này, ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) cho rằng: Chúng ta cần phải hiểu rõ, không phải từ khi có luật mới có BLGĐ, mà BLGĐ đã tồn tại từ trước. Khi có Luật BLGĐ, ban hành luật cũng như triển khai các biện pháp phòng chống BLGĐ thì người dân cũng như cán bộ, những người tham gia công tác gia đình, phòng chống BLGĐ ở mỗi cấp được cung cấp kiến thức, được cung cấp hiểu biết về BLGĐ thì có sự nhận diện thế nào là BLGĐ.
Từ đó một mặt, nạn nhân - những người trong các vụ BLGĐ họ lên tiếng, mặt khác những người trong các cơ quan có trách nhiệm nhận diện được và xác định đây là BLGĐ nên thống kê. Vì thế chúng ta thấy số lượng BLGĐ dường như là nhiều hơn, nhưng nếu gọi là sự gia tăng lại là vấn đề khác. Chẳng hạn trước đây họ coi chuyện vợ chồng xích mích, yên lặng với nhau hàng mấy tháng trời là chuyện của mỗi cá nhân nhưng mà rõ ràng khi họ biết hành vi đó là hành vi sao nhãng, bỏ rơi, là hành vi bạo lực tinh thần họ sẽ ghi vào...
Cho rằng tình hình BLGĐ đang ngày càng phức tạp, đại diện cán bộ làm Công tác gia đình (Sở VHTTDL Hải Dương) chia sẻ: “Ai làm công tác gia đình thì mới biết rằng, số vụ BLGĐ ẩn hiện sau cánh cửa mới là số lớn. Còn báo tin, được trợ giúp là số nhỏ. Và thường là những vụ BLGĐ tương đối lớn xảy ra và ồn ào thì mới được phát hiện. Còn các vụ BLGĐ về tinh thần, về tình dục… càng khó để phát hiện. Thế cho nên khi tập huấn cho cán bộ, chúng tôi tập huấn kỹ năng nhận diện cho họ, cũng như chú trọng cho cán bộ cấp thôn để nhận diện điều này. Số ca không tăng nhưng có vẻ như ngày càng diễn biến theo chiều hướng phức tạp, về thể chất có thể giảm đi nhưng các ca bạo lực về tinh thần, về tình dục thì tăng lên”.
Cùng quan điểm, ông Hoa Hữu Vân nhấn mạnh: Thời gian gần đây có nhiều vụ BLGĐ có tính chất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, ví dụ như gần đây nhất là vụ việc vì làm ăn thua lỗ, đã kéo theo các thành viên gia đình mình tự tử… Đó là việc mà các cơ quan quản lý Nhà nước cần phối hợp với ban ngành đoàn thể các cấp có trách nhiệm đưa ra thêm giải pháp để ngăn chặn.
Quan trọng là phòng
Tiếp tục chia sẻ ý kiến, ông Hoa Hữu Vân cho hay: Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng chống BLGĐ theo quy định của Luật phòng chống BLGĐ thì trong suốt thời gian từ 2008 đến nay, nhiệm vụ phòng chống BLGĐ đã được triển khai khá đồng bộ từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là cấp xã.
Một trong những điểm thành công nhất ở cấp cơ sở đó là việc xây dựng, duy trì hoạt động phòng chống BLGĐ. Mô hình này là sự kết hợp các hoạt động của CLB Công tác gia đình, nơi thu hút các gia đình gần nhau để giao lưu chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, cung cấp kiến thức kỹ năng về nhận diện thế nào là BLGĐ và ngăn ngừa, ứng xử, giải quyết mâu thuẫn đến phát huy giá trị tốt đẹp trong gia đình Việt Nam… Đến nay thì cả nước đã hình thành hơn 18 nghìn CLB với hơn 31 nghìn địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, hơn 20 nghìn nhóm hoạt động phòng chống BLGĐ. Có thể nói hoạt động phòng chống BLGĐ, nhiệm vụ phòng chống BLGĐ được thực hiện bắt đầu từ cơ sở.
Về phương hướng thực hiện trong thời gian tới, theo đại diện Bộ VHTTDL: Một trong những giải pháp có sự nhận thức rất rõ về trách nhiệm, đó là đưa phòng chống BLGĐ trở thành nội dung trong việc phát triển KTXH của mỗi địa phương.
Trong bối cảnh hiện nay, chủ trương của Chính phủ sẽ không tăng biên chế không phình bộ máy, thì việc sử dụng cán bộ hiện có và nâng cao năng lực cho họ là một trong những giải pháp để chúng ta khắc phục hạn chế trong công tác phòng chống BLGĐ. Bộ VHTTDL và Bộ Tài chính cũng đang gấp rút ban hành Thông tư hướng dẫn về thực hiện công tác phí, cũng như mục chi cho công tác gia đình nói chung và công tác phòng chống BLGĐ.
Trong 2 ngày 11 và 12/11, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị - Hội thảo Sơ kết chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, các văn bản, đề án về công tác gia đình giai đoạn 2011-2015, và tổng kết kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2008-2015. |