Bà Aung San Suu Kyi sẽ chia sẻ quyền lực với quân đội

Khánh Duy 12/11/2015 01:10

Việc bà Aung San Suu Kyi sẽ đối thoại với quân đội để chia sẻ quyền lực và thành lập chính phủ mới đã được xác nhận bởi Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) và cả Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) cầm quyền xác nhận.

Bà Aung San Suu Kyi sẽ chia sẻ quyền lực với quân đội

Những người ủng hộ bà Suu Kyi tổ chức ăn mừng
chiến thắng của đảng đối lập ở Yangon (Nguồn: AP).

“Thực hiện ước muốn của nhân dân sau ngày bầu cử là điều rất quan trọng đối với phẩm giá của quốc gia và khát vọng hòa bình của nhân dân” - bà Suu Kyi nói hôm 11/11 trong một bức thư gửi tới cho Chỉ huy lực lượng quân đội Myanmar Ming Aung Hlaing, Tổng thống Myanmar Thein Sein và Chủ tịch Quốc hội Myanmar Shwe Mann.

Phát ngôn viên của Tổng thống Thein Sein, ông Ye Htut đã viết trên trang cá nhân Facebook của ông rằng, cuộc họp giữa quân đội với bà Suu Kyi sẽ diễn ra ngay sau khi kết quả chính thức của cuộc bầu cử được công bố. Ông cho biết thêm rằng, Chính phủ Myanmar và quân đội sẽ tôn trọng kết quả của cuộc “bầu cử tự do và công bằng”.

Quân đội Myanmar đã nắm quyền kể từ cuộc đảo chính năm 1962 và đàn áp dã man nhiều cuộc nổi dậy đòi dân chủ trong suốt quá trình cai trị của mình. Tuy đã tự giảm bớt quyền lực của mình, nhưng quân đội Myanmar vẫn sẽ là một phe lớn quyết định chính sách của Myanmar trong tương lai khi họ mặc nhiên được 1/4 số ghế trong Quốc hội.

Theo Hiến pháp Myanmar, bà Aung San Suu Kyi sẽ không thể trở thành Tổng thống, vì bà có hai người con mang quốc tịch nước ngoài. Đồng sáng lập NLD ông Tin Oo nói với AP rằng, Đảng của ông hy vọng sẽ chiến thắng với số phiếu cao hơn 80%, một chiến thắng “long trời lở đất” tương tự chiến thắng năm 1990 đã bị quân đội Myanmar hủy bỏ.

Việc đối thoại với quân đội sẽ mang lại nhiều vấn đề đối với Đảng của bà Suu Kyi theo các nhà phân tích quốc tế cho biết.

“Vì vậy, dù có lực lượng ủng hộ lớn sau lưng bà, nhưng bà Aung San Suu Kyi sẽ phải đối mặt với vấn đề nan giải này - bởi nếu bà cố gắng kết thân với quân đội, hành động đó giống như đâm đầu vào tường tự sát”- Tờ Guardian dẫn lời ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á thuộc Tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc tế.

Ông Toe Kyaw Hlaing, một nhà phân tích chính trị độc lập tại Myanmar cho rằng, quân đội vẫn có sức mạnh chính trị rất lớn tại Myanmar nên tốt nhất là NLD và các đảng chính trị khác cần hợp tác với họ.

Luật bầu cử của Myanmar khá rắc rối. Theo luật thì quân đội, đảng lớn nhất tại Hạ viện và đảng lớn nhất tại Thượng viện sẽ đề cử 1 ứng viên cho chức vụ Tổng thống – tổng cộng 3 người. Ngày 31/1/2016, 664 nhà lập pháp của Myanmar, trong đó có 166 người của quân đội sẽ bầu ra Tổng thống từ 3 ứng viên kể trên, hai người còn lại sẽ là Phó Tổng thống.

Bà Aung San Suu Kyi giành ghế dân biểu tại đơn vị bầu cử của mình, và sẽ quay trở lại làm nghị sỹ đại diện cho khu vực Kawhmu ở Yangon. Tuy nhiên theo Hiến pháp Myanmar bà không thể trở thành Tổng thống. Mới đây bà tuyên bố điều này “không thể cản trở tôi quyết định toàn bộ”.

Trong phỏng vấn với BBC hôm thứ Ba, 10/11, cuộc phỏng vấn đầu tiên hậu bầu cử, bà Suu Kyi nói tiến trình bầu cử diễn ra “nói chung là tự do” tuy chưa hoàn toàn công bằng và có một số vi phạm.

USDP, cầm quyền từ 2011 tới nay, cho tới giờ phút này mới giành được 10 trong số 491 ghế được đem ra tranh cử tại lưỡng viện, so với 163 ghế của NLD. Một phần tư trong số 664 ghế tại Quốc hội đã được dành cho quân đội mà không cần qua bỏ phiếu.

Nếu NLD muốn chiếm đa số và lựa chọn Tổng thống, Đảng này phải đạt ít nhất hai phần ba số ghế. Khoảng 30 triệu cử tri đủ tư cách tham gia bầu cử hôm Chủ nhật tại Myanmar. Khoảng 80% cử tri đi bầu. Tuy vậy hàng trăm nghìn người, trong đó có người thiểu số Rohingya theo Hồi giáo, vốn không có quyền công dân, không được tham gia bầu cử.

Khánh Duy