Agribank “tạo đà” phát triển các mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp
Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp cũng như những tồn tại, khó khăn của mô hình này khi triển khai trên thực tế, mới đây, thực hiện Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 về phiên họp thường kỳ tháng 2/2014 của Chính phủ, trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát thực tế một số mô hình tại một số địa phương trên cả nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1050/QĐ-NHNN quy định về việc cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và
Đối tượng được vay vốn gồm: Doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết trong sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hộ nông dân, hợp tác xã ký kết hợp đồng liên kết theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các doanh nghiệp. Lãi suất cho vay tối đa đối với các dự án vay thuộc chương trình thí điểm là 7%/năm với khoản vay ngắn hạn, 10%/năm cho khoản vay trung hạn và 10,5%/năm cho khoản vay dài hạn. Ngân hàng thương mại cho vay ngắn hạn nhằm đáp ứng vốn cho các chi phí về giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, cho vay trung và dài hạn để đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị phục vụ cho các mô hình sản xuất…
Với bề dày hơn 26 năm gắn bó, đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn, Agribank hiểu rõ vấn đề này, mà theo như Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh đã khẳng định: “Triển khai tốt các chương trình thí điểm theo các phương thức cho vay mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là lối thoát tốt nhất cho tín dụng tam nông hiện nay và tương lai”.
Trên thực tế, Agribank đang triển khai thí điểm mô hình cho vay theo chuỗi liên kết khép kín từ khâu sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm, như: Mô hình chăn nuôi lợn (Hà Nam), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), cá tra (An Giang), trồng hoa (Lâm Đồng), mía (Khánh Hoà), ngô (Sơn La)...
Cũng theo đánh giá của Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh, bước đầu các mô hình này đã tạo sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân. Mô hình cho vay liên kết theo chuỗi sản xuất là mô hình mới, được Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần tham gia nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, cung ứng cho thị trường sản phẩm sạch, chất lượng cao, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới…
Trong khuôn khổ Chương trình Lễ ký kết Hợp đồng tín dụng của Chương trình Cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh An Giang tổ chức mới đây vào ngày 29/5/2014, Agribank (Chi nhánh An Giang và Chi nhánh Nhà Bè) đã ký kết hợp đồng nguyên tắc cấp tín dụng trị giá hơn 331 tỷ đồng cho 3 doanh nghiệp gồm Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An (Tafishco) (thực hiện Dự án Chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco sản xuất - chế biến - xuất khẩu có 8 hộ nông dân tham gia được vay 234 tỷ đồng), Công ty TNHH Thương mại đầu tư Tín Thương (thực hiện Dự án Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa nếp đặc sản ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, có hơn 300 hộ nông dân tham gia, được vay 25 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) (thực hiện Dự án Đầu tư chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu Antesco tại huyện Châu Phú và Châu Thành, tỉnh An Giang, với sự tham gia của gần 10.000 hộ dân, được vay 72 tỷ đồng). Đây là 3 trong 4 doanh nghiệp được UBND tỉnh An Giang lựa chọn tham gia dự án thí điểm chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ trên địa bàn tỉnh An Giang, theo Chương trình Cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ, với sự tham gia của gần 11.000 hộ nông dân.
Thông qua ký kết các hợp đồng tín dụng với các doanh nghiệp có mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, Agribank thể hiện quyết tâm trong việc “tạo đà” góp phần xây dựng thành công mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta, tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai nhằm đem đến lợi ích lâu dài cho tất cả các bên tham gia, đồng thời làm gia tăng giá trị hàng hóa, xây dựng được thương hiệu cho hàng nông sản của Việt Nam trên toàn cầu.