Triển khai Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Coi trọng việc đánh giá tác động chính sách

Lê Bảo 12/11/2015 23:40

Chính thức có hiệu lực từ 1/7/2016, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật năm 2015) được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các mục tiêu cải cách pháp luật theo hướng đổi mới quy trình lập pháp nhằm nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn bảo đảm thi hành luật, nhất là quy trình chính sách không hề đơn giản.

Triển khai Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Coi trọng việc đánh giá tác động chính sách

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Trên đây là những vấn đề được các đại biểu đặt ra tại hội thảo: Hoạt động xây dựng và phân tích chính sách trong quy trình xây dựng pháp luật thực tiễn tại Việt Nam và kinh nghiệm của Cannada do Bộ Tư pháp tổ chức sáng ngày 12/11.

Phải đưa cuộc sống vào văn bản pháp luật

Theo Bộ Tư pháp, để triển khai thi hành hiệu quả Luật năm 2015 ngay sau khi có hiệu lực, nhiệm vụ đặt ra cho Chính phủ, các Bộ có liên quan là phải xây dựng và ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành, bảo đảm chất lượng và có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của Luật. Trong đó có việc quy định chi tiết các nội dung và biện pháp thi hành các quy định có liên quan đến quy trình chính sách. Đáp ứng yêu cầu trên, ngày 11/9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật năm 2015.

Một trong những điểm mới căn bản trong quy định của Luật năm 2015 là sự xuất hiện của quy trình xây dựng chính sách gắn với việc lập đề nghị xây dựng một số loại văn bản quy phạm pháp luật. Từ thực tiễn xây dựng chính sách của các nước, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực chính sách công đã cho rằng, mỗi chính sách đều có vòng đời của mình.

Vòng đời đó gồm những công đoạn cơ bản như: Xây dựng chính sách, tổ chức thực thi chính sách và đánh giá chính sách. Trong đó mỗi công đoạn lại có những bước đi cụ thể. Chẳng hạn, riêng việc xây dựng một chính sách, bao giờ cũng gồm những bước như nhận diện vấn đề chính sách; xác định nguyên nhân vấn đề chính sách và xây dựng phương án giải quyết vấn đề.

Theo TS Nguyễn Văn Cương, Phó viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý ( Bộ Tư pháp), một trong những điểm mới của Luật năm 2015 là khắc phục thực trạng luật vênh với cuộc sống. Nếu như trước đây chúng ta quen với cách xây dựng pháp luật theo kiểu vừa thiết kế, vừa thi công, trong đó Ban soạn thảo, Tổ biên tập thực hiện cả công việc tham mưu, hình thành nên chính sách cụ thể trong dự án văn bản đồng thời kiêm luôn cả hoạt động quy phạm hóa thì theo quy định của Luật năm 2015 cơ quan lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải đặc biệt quan tâm đầu tư cho công tác xây dựng chính sách, làm rõ nội dung của các chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

Cần phải coi trọng đánh giá tác động

Đồng quan điểm, TS Dương Thanh Mai cũng cho rằng, nếu còn tồn tại thực trạng vừa thiết kế vừa thi công rất khó đưa Luật vào đời sống. Cuộc sống chính là hiện thân của các văn bản pháp luật, do đó cần phải đưa cuộc sống vào các văn bản pháp luật. Để làm được điều này thì cần phải coi trọng việc đánh giá tác động chính sách trong quá trình xây dựng Luật, pháp lệnh.

"Đánh giá tác động đã được quy định từ năm 2008, đây được xem là điểm khá tiến bộ, song thực tế chúng ta đã thực hiện không thành công. Đánh giá tác động thực chất chỉ là công cụ để hình thành chính sách tốt, tuy nhiên trong quá trình xây dựng pháp luật dường như các nhà soạn thảo thường đặt câu hỏi chính sách có trước, hay đánh giá tác động có trước. Đây cũng chính là một phần nguyên nhân vì sao nhiều văn bản pháp luật chưa sát với đời sống” – TS Dương Thanh Mai nói.

Liên quan tới vấn đề này, nhiều đại biểu cũng cho rằng, vấn đề bức xúc nhất hiện nay là có luật nhưng không thể triển khai vì luật không phù hợp, xa rời với cuộc sống. Nguyên nhân do tính ổn định trong luật, pháp lệnh chưa cao. Đây là hệ quả của việc xây dựng pháp luật không chú trọng đến đánh giá tác động chính sách.

Quá trình rà soát toàn bộ nội dung của Luật năm 2015 do Bộ Tư pháp thực hiện cũng cho thấy, ngoài những vấn đề liên quan đến quy trình chính sách đã được quy định cụ thể trong Luật năm 2015, bảo đảm thực hiện được ngay, thì còn nhiều vấn đề, nội dung cần được quy định chi tiết hoặc quy định các biện pháp để thực hiện quy trình chính sách. Trong đó phải làm rõ khái niệm về chính sách và đánh giá tác động của chính sách.

Lê Bảo