Dân chủ trong tiếp cận thông tin
Công bằng mà nói, pháp luật hiện hành của chúng ta đã ghi nhận và tạo sự tương thích của quyền tiếp cận thông tin với quan niệm về quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận của các công ước, điều ước quốc tế và luật về tiếp cận thông tin của các nước trên thế giới. Song trên thực tế, việc tiếp cận thông tin của tổ chức, cá nhân vẫn khó khăn, thậm chí không thể tiếp cận được.
Sáng mai 14/11 Luật Tiếp cận thông tin sẽ được các ĐBQH thảo luận tại tổ. Dự luật được xây dựng với kỳ vọng sẽ tạo ra sự bình đẳng, công bằng trong tiếp cận thông tin.
Nâng cao tính minh bạch, giám sát hoạt động cơ quan nhà nước
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Dự án Luật Tiếp cận thông tin được xây dựng dựa trên cơ sở thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về “mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người,” “tạo cơ chế nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp,” “bảo đảm quyền được thông tin” của công dân.
Để Luật Tiếp cận thông tin có tính khả thi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị cần phải làm rõ, giải quyết một cách thỏa đáng các vấn đề về tiếp cận thông tin và thông tin được tiếp cận; người được quyền tiếp cận thông tin; người có trách nhiệm cung cấp thông tin; điều kiện, phương thức, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin...
Bên cạnh đó, quy định của Dự thảo Luật cũng phải được đặt trong điều kiện thực tế của nước ta hiện nay, nhất là những vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất, về nguồn nhân lực khi triển khai thực hiện Luật, cũng như yêu cầu về hội nhập quốc tế đồng thời, cần nghiên cứu, rà soát để luật hóa một số quy định về tiếp cận thông tin hiện đang được quy định trong các văn bản dưới luật.
Quy rõ trách nhiệm đưa thông tin không chính xác
Về trách nhiệm xử lý thông tin không chính xác (Điều 7), Ủy ban Pháp luật nhất trí với quy định của Dự thảo Luật về trách nhiệm xử lý thông tin không chính xác. Trong điều kiện khoa học-công nghệ phát triển hiện nay, xã hội ngày càng dân chủ dẫn đến nguồn, hình thức, nội dung thông tin đa chiều, đa dạng, có những thông tin không chính xác được nêu qua truyền thông (truyền hình, truyền thanh...) cũng có thể gây thiệt hại lớn về lợi ích cho nhân dân.
Do đó, cần xác định rõ trách nhiệm, việc xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đưa tin không chính xác và việc khắc phục hậu quả đã xảy ra đối với người bị thiệt hại do thông tin không chính xác gây ra (Khoản 1); đồng thời đề nghị cần quy định cụ thể hơn về “Trường hợp phát hiện ra những thông tin không chính xác, không đầy đủ, gây ảnh hưởng đến đến trật tự, an toàn xã hội” (Khoản 2) để làm cơ sở cho cơ quan nhà nước có trách nhiệm chủ động cung cấp thông tin chính thức và bảo đảm tính khả thi.
Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, Luật phải quy định cung cấp thông tin ngay cho công dân, không nên kéo dài đến 5 ngày như trong Dự thảo, trừ trường hợp thông tin quan trọng, phức tạp cần kéo dài nhưng phải có thời gian cụ thể. Đặc biệt, tránh gây phiền hà, tốn kém chi phí đi lại cho người dân.
Dân có được tiếp cận thông tin kinh doanh độc quyền?
Trước đó, thảo luận góp ý kiến cho Dự luật này, câu hỏi công dân sẽ được tiếp cận những thông tin nào đã được nhiều thành viên của Ủy ban Thường vụ QH đặt ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi đề nghị “nên quy định loại thông tin gì liên quan đến lợi ích của dân, của cộng đồng thì phải cung cấp chứ không phải là do ai tạo ra”.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, nếu dân muốn hỏi về quy hoạch hay cụ thể về một dịch bệnh nào đó thì đó là nhu cầu có thật và luật này phải tạo cơ chế thuận lợi mang tính phục vụ thực sự để dân có quyền tiếp cận thông tin. Còn nếu đặt nặng vấn đề phải trả đủ phí mới cung cấp thì tính phục vụ rất yếu”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển hỏi: “Có những thông tin công dân rất cần, ví dụ liên quan đến kinh doanh độc quyền nhà nước như xăng, dầu , điện thì dân có được tiếp cận hay không, cơ quan nhà nước có phải cung cấp cho công dân không?”
Công bằng mà nói, pháp luật hiện hành của chúng ta đã ghi nhận và tạo sự tương thích của quyền tiếp cận thông tin với quan niệm về quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận của các công ước, điều ước quốc tế và luật về tiếp cận thông tin của các nước trên thế giới. Song trên thực tế, việc tiếp cận thông tin của tổ chức, cá nhân vẫn khó khăn, thậm chí không thể tiếp cận được.
Thế nên, điều dư luận quan tâm ở Dự luật này không phải ở các loại thông tin phải được công khai mà chính là tính hiệu lực của các quy định.