Tạo cơ chế để lắng nghe
Thực ra không chỉ có việc bổ sung chủ thể trưng cầu ý dân mà vấn đề Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đứng ra giám sát việc trưng cầu ý dân cũng được Dự thảo Luật quy định. Điều này cũng cho thấy vai trò và vị trí của Mặt trận trong trưng cầu ý dân.
Hôm qua (12/11), Quốc hội bàn về Luật Trưng cầu ý dân- một dự án luật được xem là quan trọng trong việc nâng cao dân chủ trong điều kiện của một Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Rõ ràng, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân sẽ làm cơ sở pháp lý cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện trưng cầu ý dân.
Đối với một số nước phát triển, người ta vẫn thường tổ chức trưng cầu ý dân trong trường hợp vấn đề được đưa ra xin ý kiến có thể hoặc có tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Ở Việt Nam trưng cầu ý dân là việc làm hoàn toàn mới; cũng vì thế mà giờ chúng ta mới xây dựng Luật Trưng cầu ý dân.
Đương nhiên, sẽ khó và không thể tổ chức trưng cầu ý dân về bất cứ một quyết định, chủ trương nào; mà chỉ nên trưng cầu ý dân về những quyết sách lớn, có tác động đến đa số đông đảo người dân.
Cũng hôm qua, nhiều ĐBQH khi phát biểu tại hội trường đã đặc biệt nhấn mạnh đến những chủ thể được đứng ra đề nghị trưng cầu ý dân. Với ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thì, Khoản 1, Điều 14 cần được sửa lại như sau: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân”.
Còn, ĐB Ya Duck (Lâm Đồng) thì đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào Luật Trưng cầu ý dân việc, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được đề xuất, kiến nghị trưng cầu ý dân thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội và do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Đề nghị của hai đại biểu này cũng nhận được sự tán đồng của ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam).
Nói như ông Trần Ngọc Vinh và ông Ya Duck chính là bởi, họ- những ĐB của dân, đứng trên lập trường của người dân và tuân theo quan điểm, trưng cầu ý dân là một trong những phương thức thực hiện quyền dân chủ trực tiếp cao nhất của người dân liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền dân chủ của người dân. Các thành viên của Mặt trận có vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân theo Điều 9 của Hiến pháp.
Mặt khác, việc quy định Mặt trận Tổ quốc là một chủ thể đề nghị trưng cầu ý dân hoàn toàn không trái và cũng không xung đột, không phủ định Điều 19 của Luật Tổ chức Quốc hội, ngược lại làm cho Điều 19 của Luật Tổ chức Quốc hội rộng rãi hơn. Nếu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đứng ra trưng cầu ý dân thì sẽ thêm một kênh thông tin đáng tin cậy, góp phần “giúp cho Quốc hội, làm cho Nhà nước ta tăng năng lực lắng nghe” - nói như ĐB Lê Văn Lai.
Đây là điều mà một số ĐBQH lâu nay vẫn có đánh giá cho rằng, năng lực lắng nghe của chúng ta còn rất nhiều hạn chế. Và, vì thế, liệu có nên vì đảm bảo tính thống nhất của pháp luật mà chúng ta không bổ sung thêm một kênh lắng nghe ý kiến của nhân dân- kênh tập hợp ý kiến của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lâu nay vẫn được đánh giá cao. Và, xét cho cùng, việc bổ sung thêm một chủ thể có quyền trưng cầu ý dân cũng không thể làm yếu đi tính thống nhất của pháp luật.
Ở một góc độ khác, Hiến pháp 2013 quy định Mặt trận Tổ quốc có chức năng phản biện, chức năng giám sát, chức năng đại diện, chức năng tập hợp đại đoàn kết toàn dân. Vậy thì, một cơ hội để chúng ta có cơ chế lắng nghe, có kênh tập hợp ý kiến rộng rãi của nhân dân cũng có thể coi là điều rất tốt mà như ví von của ĐB Lê Văn Lai là “nói theo kiểu các nhà kinh tế là giải quyết đầu ra của công tác giám sát, của vấn đề đại diện, của phản biện”- ở đây là phản biện xã hội, phản biện từ nhân dân- đương nhiên là những phản biện mang tính xây dựng, đóng góp cho sự phát triển chung.
Thực ra không chỉ có việc bổ sung chủ thể trưng cầu ý dân mà vấn đề Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đứng ra giám sát việc trưng cầu ý dân cũng được Dự thảo Luật quy định. Điều này cũng cho thấy vai trò và vị trí của Mặt trận trong trưng cầu ý dân. Điều này là phù hợp với Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 vừa được QH thông qua tại kỳ họp trước.
Trưng cầu ý dân, với nhiều nước phát triển không phải việc gì mới mẻ nhưng với Việt Nam chúng ta, trên con đường xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thì rõ ràng đây là một dự án luật mới. Mà cái mới áp dụng trong điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam đương nhiên cần có những nghiên cứu kỹ, học tập kinh nghiệm nước ngoài và có những sáng tạo cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.
Sáng tạo ấy chính là chúng ta có nhiều các tổ chức chính trị-xã hội với rất nhiều đoàn viên, hội viên. Nếu biết phát huy khả năng tập hợp của những hội đoàn ấy chắc chắn sẽ lắng nghe tập hợp được nhiều ý kiến nhân dân ở các lứa tuổi, tầng lớp như vậy từ việc đề nghị trưng cầu ý dân đến việc lấy ý kiến nhân dân sẽ càng tăng cường thêm tính đồng thuận.
Với các tổ chức chính trị-xã hội đây cũng là dịp để thực hiện tốt hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và nâng cao vai trò phản biện xã hội của các tổ chức chính trị- xã hội theo Hiến pháp và pháp luật quy định.