Phơi nhiễm hóa chất độc hại từ thực phẩm

Cẩm Anh 13/11/2015 12:20

Kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học thuộc Tổng cục Môi trường về liều lượng hấp thu hàng ngày vào cơ thể con người một số hóa chất độc hại cho thấy mức độ rủi ro về sức khỏe của người Việt Nam đang vượt ngưỡng báo động.

Phơi nhiễm hóa chất độc hại từ thực phẩm

Mức độ phơi nhiễm ndl-PCB được sắp xếp theo thứ tự giảm dần:
trứng - thịt lợn - thịt bò - thịt gà/vịt - sữa - cá. (Ảnh: T.L).

Môi trường vẫn đang gia tăng nồng độ các chất hóa học có độc tính cao

Các nhà khoa học gồm TS Nguyễn Anh Tuấn (Cục Kiểm soát ô nhiễm - Tổng cục Môi trường), TS Trần Thị Tuyết Hạnh (Trường ĐH Y tế công cộng), TS Nguyễn Thị Minh Huệ, TS Nguyễn Hùng Minh (Trung tâm quan trắc môi trường - Tổng cục Môi trường) nghiên cứu chủ yếu trên nhóm ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP), dioxin và polyclobiphenyl (PCB) – những thách thức về sức khỏe môi trường tại Việt Nam hiện nay.

Trong đó ngoài dioxin, người dân còn phải đối mặt với PCB thải ra trong quá trình phát triển công nghiệp. PCB là tên của một nhóm các chất hóa học thuộc danh sách các chất POP nhưng có độc tính cao, đã được Công ước Stockholm yêu cầu cấm sản xuất và ngừng việc sử dụng hoàn toàn vào năm 2025, tiến tới tiêu hủy hoàn toàn vào 2028.

Tuy nhiên theo các nhà khoa học, PCB ở Việt Nam ngày càng gia tăng nồng độ trong môi trường và hiện vẫn có một lượng lớn chất thải công nghiệp có chưa PCB chưa được sử lý đang được lưu trữ trong kho chứa. Cho đến đầu năm 2015, vẫn chưa có nghiên cứu nào đánh giá thực trạng ô nhiễm PCB trong thực phẩm và ước tính mức phơi nhiễm của người dân đối với PCB.

Mức độ phơi nhiễm ndl-PCB vượt quá tiêu chuẩn của châu Âu

Công trình nghiên cứu của nhóm tác giả được thực hiện từ tháng 3 đến tháng 6/2015. Hai nhóm chất PCB gồm 6 chất PCB chỉ thị (ndl-PCB) và 12 chất PCB tương tự dioxin (dl PCB) là những chất phổ biến và có độc tính cao đã được lựa chọn nghiên cứu. Với đối tượng nghiên cứu là các mẫu thực phẩm thuộc các nhóm thịt lợn, thịt bò, thịt gà, trứng, cá, sữa và dầu ăn.

Đây là nhóm thực phẩm giàu chất béo có nguy cơ nhiễm bẩn PCB cao tới trên 90%. Tổng cộng có 101 mẫu thực phẩm gộp (từ khoảng 700 mẫu thực phẩm đơn lẻ) đã thu thập tại các vùng sinh thái trên toàn quốc được phân tích.

Do hiện nay Việt Nam chưa ban hành các tiêu chuẩn, qui chuẩn qui định mức PCB trong thực phẩm nên các nhà nghiên cứu đã đối chiếu kết quả thu được với qui định của EU. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ phơi nhiễm ndl-PCB trong 2 mẫu trứng gộp thu thập được ở Hòa Bình vượt quá mức cho phép theo qui định của EU. Mức độ phơi nhiễm ndl-PCB được sắp xếp theo thứ tự giảm dần, như sau: trứng - thịt lợn - thịt bò - thịt gà/vịt - sữa - cá.

Tuy nhiên, mặc dù hàm lượng PCB trong mẫu trứng là cao nhất trong các nhóm thực phẩm nhưng thịt lợn lại là nhóm đóng góp nhiều nhất vào tổng lượng hấp thu PCB hàng ngày. Điều đáng nói là thịt lợn và trứng là hai nhóm thực phẩm được tiêu thụ phổ biến nhất trong khẩu phần ăn hàng ngày của người dân Việt Nam.

Nghiên cứu cũng chỉ ra hàm lượng dioxin trong các mẫu thịt gà, vịt, trứng chăn thả tự do quanh khu vực điểm nóng ô nhiễm dioxin như Biên Hòa, Đà Nẵng cao hơn nhiều lần so với loại nuôi nhốt công nghiệp. Kết quả của mẫu trứng ở Hòa Bình cũng có nguồn gốc từ loại hình chăn nuôi gia cầm thả tự do.

Mức độ phơi nhiễm PCB từ thực phẩm ở miền Bắc cao hơn

Trong kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đưa ra kết luận phơi nhiễm PCB từ thực phẩm tại các thành phố thuộc miền Bắc (Hòa Bình, Thái Nguyên, Hà Nội) cao hơn tại miền Trung và miền Nam. Nguy cơ phơi nhiễm PCB từ thực phẩm cho người dân tại các vùng đồng bằng Sông Hồng, Đông Bắc Bộ, Tây Bắc Bộ cao hơn tại các vùng khác. Thậm chí có sự chênh lệch rất lớn, hàm lượng phơi nhiễm PCB ở địa phương cao nhất cao gấp 7 lần ở nơi thấp nhất (là thành phố Buôn Mê Thuột – Đăk Lăk).

Kết quả cũng cho thấy lượng PCB hấp thu hàng ngày trong số thực phẩm được khảo sát ở Việt Nam cao hơn vài lần so với kết quả nghiên cứu tại một số nước châu Âu. Ví dụ kết quả ndl-PCB trong thịt lợn cao gấp khoảng 3 lần, mẫu trứng gấp khoảng 10 lần so với kết quả nghiên cứu ở Áo. Một số loại thực phẩm như trứng gà/trứng vịt, thịt lợn, thịt bò có “đóng góp” chính vào tổng lượng hấp thu PCB hàng ngày từ thực phẩm.

Cũng theo nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Anh Tuấn và cộng sự, mặc dù số lượng mẫu trong nghiên cứu này chưa thật sự đủ lớn để có thể có kết luận chính xác về mức độ phơi nhiễm PCB trong thực phẩm cho người dân trên toàn quốc, nhưng kết quả nghiên cứu bước đầu đã cho thấy nguy cơ phơi nhiễm PCB rất cao từ thực phẩm sử dụng hàng ngày.

Các nhà khoa học đề xuất cần có những nghiên cứu với quy mô chi tiết hơn trong thời gian tới để có thể có được kết quả đầy đủ về mức độ phơi nhiễm PCB tại từng khu vực trên toàn quốc. Cũng như cần phải đưa ra các giá trị giới hạn, ngưỡng cho phép của PCB trong khi ban hành các tiêu chuẩn về chất lượng thực phẩm.

Dioxin vẫn đang tác động nghiêm trọng đến sức khỏe

Cũng theo nhóm các nhà nghiên cứu, Việt Nam đã, đang và sẽ phải chịu tác động nghiêm trọng từ dioxin. Đó là tạp chất tồn tại trong khoảng 76,9 triệu lít các chất diệt cỏ do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh, đồng thời hiện nay, còn là sản phẩm phụ của các quy trình công nghiệp có sử dụng clo, các hoạt động đốt rác ở nhiệt độ thấp và không được kiểm soát. Dioxin là tên gọi chung của nhóm các chất dioxin/furan gồm 75 chất dioxin và 135 chất furan khác nhau chủ yếu do con người tạo ra và tồn tại bền vững trong môi trường trong thời gian dài. Trong tổng số 210 chất dioxin/furan đó có 17 chất rất độc hại, các chất mang số 2,3,7,8 TCDD là chất độc nhất từ trước tới nay do con người từng tạo ra và là chất ung thư Nhóm 1 – chất gây ung thư ở người. Đã có đầy đủ bằng chứng khoa học để kết luận “có mối liên quan” giữa phơi nhiễm dioxin và ung thư máu (ung thư bạch cầu dòng lympho dạng mãn tính), ung thư mô mềm (bao gồm tim), ung thư dạng không – Hodgkin, ung thư dạng Hodgkin…

Cẩm Anh