Phát biểu của Chủ tich HĐQT BIDV Trần Bắc Hà tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Nga thúc đẩy thương mại và thanh toán song phương
Ngày 12/11/2015 tại Moscow, Liên bang NgaKính thưa ngài Alexey Likhachev – Thứ trưởng thường trực Bộ Phát triển kinh tế Liên bang Nga, ngài Nguyễn Thanh Sơn – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Liên bang Nga, ngài Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam
Chủ tich HĐQT BIDV Trần Bắc Hà phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Nga.
Thay mặt Ban tổ chức, chúng tôi xin được cảm ơn sự hiện diện của đại diện NHTW hai nước, Phòng thương mại và công nghiệp Liên bang Nga và Moscow, Cục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa – Bộ công thương LB Nga đã tham dự Diễn đàn hôm nay.Và đặc biệt, xin được nồng nhiệt chào đón gần 500 doanh nghiệp Việt Nam và Liên bang Nga đến từ rất nhiều lĩnh vực ngành nghề có mặt tại Trung tâm thương mại Hà Nội – Moscow để tham dự Diễn đàn. Tôi cũng xin nhiệt liệt chào mừng sự quan tâm, tham dự của các Ngân hàng Nga.
Hôm nay, BIDV và VTB đồng tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nga: Đẩy mạnh hợp tác thương mại và thanh toán song phương với sự bảo trợ của Bộ Công thương Việt Nam, Bộ Phát triển kinh tế LB Nga và Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, với mục tiêu:
- Đẩy mạnh hợp tác thương mại, đón đầu lợi thế sau khi FTA giữa Việt Nam và Nga với Liên minh kinh tế Á Âu (EEU) được ký kết. Tạo kênh thông tin đến doanh nghiệp và công dân 2 nước về những thuận lợi, cơ hội và thách thức mà FTA mang lại.
- Khai thông, thúc đẩy hoạt động thanh tóan, thương mại thông qua sử dụng Kênh thanh toán song phương và kết nối hệ thống thanh toán thẻ hai nước; giới thiệu đến các doanh nghiệp Việt Nam và Nga về các sản phẩm, dịch vụ liên quan thanh toán mà Ngân hàng hai bên có thể cung cấp cho doanh nghiệp; triển khai hiệu quả Kênh thanh toán song phương, phấn đấu 70% doanh số thanh toán xuất nhập khẩu Nga – Việt Nam thực hiện qua Kênh thanh toán bằng VND và RUB.
- Quy tụ và tạo môi trường cho các doanh nghiệp XNK hai nước gặp gỡ, kết nối, tìm kiếm cơ hội và thiết lập những mối quan hệ hợp tác kinh doanh hai bên.
- Thể hiện vai trò cầu nối của ngân hàng góp phần cộng hưởng hiệu quả giữa thương mại và đầu tư, đó là vai trò cầu nối cho các dự án đầu tư trực tiếp vào khu công nghiệp nhẹ của Việt Nam tại tỉnh Matxcơva giúp cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu, thâm nhập trực tiếp tại thị trường Nga.
Kính thưa quý vị,
Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện tin cậy Việt Nam – Liên bang Nga là quá trình lịch sử và luôn được lãnh đạo Chính phủ hai nước coi trọng và bồi đắp phát triển. 65 năm trước, Liên Xô là một trong những nước đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, đặt nền móng cho tình hữu nghị bền chặt sau này. Quan hệ tốt đẹp đó giữa Chính phủ, nhân dân hai nước đã vượt qua mọi thử thách thời gian và biến động lịch sử, trở thành quan hệ mẫu mực của tình đoàn kết, thủy chung, trước sau như một.
Tôi xin phép được nói sâu thêm về quan hệ thương mại Việt Nga – chủ đề chính của Diễn đàn hôm nay, để thấy nỗ lực của hai phía trong phát triển thương mại hai chiều trong chiều dài 65 năm:
1. Trong giai đoạn Việt Nam – Liên Xô (từ năm 1955 – 1990):
- Có thể nói Hiệp định hợp tác kinh tế thương mại Việt Xô ngày 18/06/1955 đã đặt nền móng cho sự phát triển quan hệ này với kim ngạch buôn bán hai chiều tăng lên gấp 13 lần sau 5 năm sau đó (năm 1960 đạt 65 tỷ RUB, bao gồm cả hàng hóa an ninh quốc phòng Nga xuất khẩu sang Việt Nam). Vào thời kỳ 1976-1980, khối lượng trao đổi hàng hóa giữa hai nước bằng 20 năm trước cộng lại; những năm cuối thập kỷ 80, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Liên Xô thì Việt Nam nhập khẩu tới 60%. Trong gần nửa thế kỷ quan hệ thương mại to lớn mà chủ yếu là Liên Xô giúp Việt Nam trong cuộc chiến tranh bảo vệ nền độc lập thống nhất đất nước, ở giai đoạn này phương thức thanh toán tập trung vào dùng RUB chuyển nhượng và thanh toán theo phương thức hàng đổi hàng.
2. Giai đoạn từ năm 1991 đến nay:
- Quan hệ thương mại Việt - Nga có rất nhiều tiềm năng để phát triển cùng với quá trình đổi mới của Việt Nam và cải cách kinh tế của Nga. Trong 15 năm trở lại đây, kim ngạch thương mại hai chiều luôn có sự tăng trưởng cao, cụ thể năm 2000, kim ngạch thương mại 2 nước mới đạt hơn 400 triệu USD thì đến năm 2007 đã đạt mức 1 tỷ USD, năm 2010 đạt 1,83 tỷ USD và năm 2013 đạt gần 4 tỷ USD, tăng gấp 10 lần so với năm 2000.
- Bước vào năm 2014 - 2015, kinh tế nước Nga trải qua nhiều biến động. Lạm phát trong 9 tháng đầu năm 2015 ở mức gần 16%, cao hơn nhiều so với mức dự báo 10%, giá dầu giảm sâu, đồng RUB mất giá, tỷ giá biến động cộng thêm việc cấm vận của Mỹ và EU là áp lực và khó khăn lớn đối với kinh tế Nga hiện nay. Dự báo nếu giá dầu tiếp tục diễn biến không thuận lợi và lệnh cấm vận tiếp tục được gia hạn và không nới lỏng, kinh tế Nga sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong năm 2016 và 2017.Tuy nhiên, dù trong khó khăn, tình cảm bền chặt giữa Nga và Việt Nam vẫn luôn được duy trì và phát triển, thương mại giữa Nga và Việt Nam vẫn đạt 2,6 tỷ USD năm 2014 và 1,6 tỷ USD 9 tháng đầu năm 2015, Việt Nam vẫn là nước xuất siêu trong quan hệ thương mại song phương giữa hai nước.
- Với diễn biến quan hệ thương mại hai nước như vậy, có thể nói quan hệ thương mại hai nước mặc dù đã đạt được tốc độ phát triển tốt trong những năm gần đây nhưng nhìn chung vẫn chưa bền vững và còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam và Nga (kim ngạch thương mại hai chiều năm 2014 Việt Nam – Nga chỉ chiếm gần 1% trong tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam và 0,3% tổng kim ngạch thương mại của Nga) và việc phấn đấu lên mức 10 tỷ USD năm 2020 (theo Tuyên bố chung của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga Putin vào tháng 11/2014) là một mục tiêu có mức quyết tâm cao nhưng cũng đầy thách thức.
Một số khó khăn vướng mắc còn tồn tại trong quan hệ thương mại hai nước trong nhiều năm qua là: (i) cơ chế, chính sách về hải quan, thuế suất chưa thông thoáng, còn nhiều thủ tục phức tạp, (ii) trong giai đoạn từ năm 1991 – 1995 (đây là giai đoạn Việt Nam gia nhập vào WTO) và đặc biệt là năm 2000 sau khi Hiệp định thương mại Việt Mỹ được ký kết, xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu hướng đến các nước phát triển cao mà chưa quan tâm đến các thị trường truyền thống lớn, đặc biệt là Nga, lòng tin ở một số doanh nghiệp Việt Nam và Nga chưa được tạo lập bền vững, lâu dài, (iii) hàng hóa của cả Việt Nam và Nga chưa xây dựng được thương hiệu của riêng mình tại mỗi thị trường, thêm vào đó do hạn chế thông tin giữa hai thị trường trong khi các đối tác Việt Nam và Nga thường thiếu vốn trong khi giá cả và điều kiện thị trường tín dụng thương mại ở Nga còn khá đắt đỏ và phức tạp đã ảnh hưởng đáng kể tới tăng trưởng kim ngạch mậu dịch hai nước, (iv) rào cản trong việc thanh toán vẫn là nút thắt tồn tại trong hàng chục năm qua...
Riêng với khó khăn về thanh toán xuất nhập khẩu, là ngân hàng lớn hàng đầu Việt Nam có truyền thống hợp tác chặt chẽ và am hiểu thị trường Nga và Việt Nam, BIDV, VRB và VTB đã nghiên cứu toàn diện và chi tiết, nhận thức đây là một trong những vướng mắc lớn nhất cản trở sự phát triển của thương mại hàng hóa hai nước.
- Khó khăn thứ nhất là: Hiện nay thanh toán xuất nhập khẩu của hai nước đang sử dụng trên 90% là phương thức TT. Điều này gây tâm lý e ngại cho người xuất khẩu, vì không chắc chắn được khả năng nhận được tiền thanh toán. Chúng tôi biết có nhiều trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu nhận được hàng, kiểm tra hàng rồi mới quyết định thanh toán, và thanh toán có thể không theo đúng kỳ hạn trong hợp đồng thỏa thuận.
- Khó khăn thứ hai là: doanh nghiệp hai bên chưa có nhiều thông tin về thị trường và đối tác, đồng thời các thủ tục hải quan, kiểm định chất lượng hàng hóa còn khá phức tạp, chi phí vận tải cao... Có khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Nga đã thông qua các công ty trung gian, môi giới mà không ký kết hợp đồng trực tiếp được với các đối tác Nga. Điều này làm tăng chi phí doanh nghiệp, và cũng tăng rủi ro cho doanh nghiệp khi không kiểm soát được nhà nhập khẩu thực tế và dẫn đến rủi ro không được thanh toán.
- Khó khăn thứ ba là: Tỷ giá RUB và VNĐ khá biến động (trong 1 năm qua RUB mất giá gần 90%), do đó rủi ro về đồng nội tệ còn cao trong hoàn cảnh Nga là nước đang bị cấm vận, kinh tế khó khăn khiến các doanh nghiệp có tâm lý e ngại, đồng thời các ngân hàng thương mại cũng chưa sẵn sàng trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ phù hợp và có những tư vấn kịp thời cho giao dịch.
Tuy nhiên, cần khách quan đánh giá là cơ hội về thương mại đang rất rộng mở với cả hai bên, là động lực và cũng là áp lực cho cả hai bên cùng tìm ra những biện pháp, lộ trình khắc phục khó khăn nêu trên, cụ thể:
- Ngày 29/5 vừa qua, Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất ở châu Á ký kết FTA với EEU trong đó Nga đóng vai trò nòng cốt, FTA này dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2016. Hiệp định có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội lớn đối với cả Việt Nam và Nga trong thương mại hàng hóa. FTA sẽ góp phần thúc đẩy thương mại hai chiều vốn còn khiêm tốn lên mức phát triển cao hơn, tương xứng hơn với tiềm năng của cả Nga và Việt Nam.
- Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và Nga có tính chất không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau nên rất có lợi cho nền sản xuất và tiêu dùng của cả hai nước.
- Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với 15 FTA mà Việt Nam đang tham gia, Việt Nam đang sẵn sàng chờ đón dòng vốn FDI từ Nga để đầu tư vào những ngành nghề có lợi từ các FTA này như công nghiệp chế biến chế tạo, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và phụ tùng, phân bón.... Mặt khác, Việt Nam cũng sẽ tận dụng cơ hội từ FTA với EEU để đầu tư vào Nga để hàng hóa Việt Nam sẽ thâm nhập trực tiếp vào thị trường Nga như thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, sản phẩm từ nhựa PE...
Để tận dụng những cơ hội lớn này và khắc phục những khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục hải quan, thuế suất, xây dựng thương hiệu và tạo lòng tin của doanh nghiệp tại thị trường của nhau... đòi hỏi nỗ lực phối hợp ở cấp Chính phủ và bộ ngành hai nước.
Kính thưa quý vị,
Trước những khó khăn tồn tại, xuất phát từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp đón đầu những lợi ích từ FTA, từ Tuyên bố chung Việt Nam-LB Nga giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga Putin vào tháng 11/2014, cũng như kết quả hội đàm và giao nhiệm vụ của Thủ tướng hai nước vào tháng 04/2015,. Theo chỉ đạo trực tiếp của Ngài Medvedev, Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tháng 04/2015, BIDV đã phối hợp với VTB, VRB nghiên cứu xây dựng kênh thanh toán song phương bằng đồng nội tệ nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thanh toán xuất nhập khẩu của doanh nghiệp đã tồn tại trong suốt 1/4 thế kỷ qua, khơi thông luồng thanh toán hai chiều, góp phần thuận lợi hóa thương mại hai nước.
Hiện nay, BIDV và VRB đã được NHNN Việt Nam đã hoàn tất các thủ tục pháp lý và sẵn sàng cung cấp các dịch vụ, sản phẩm thanh toán song phương. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của công dân hai nước, Công ty chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam (Banknet) và Công ty kết nối hệ thống thanh toán thẻ Liên bang Nga (NSPK) cũng đang trong quá trình thống nhất những nguyên tắc cơ bản về kết nối, dự kiến từ quý IV/2016 sẽ chính thức chấp nhận thanh toán thẻ tại các ATM, POS, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam và Nga khi đi du lịch và làm ăn giữa hai nước, giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống thanh toán thẻ bên ngoài.
- Đặc điểm nổi trội của Kênh thanh toán là: (i) Doanh nghiệp hai nước yên tâm về những biến động rủi ro tỷ giá, có thể xác định được hiệu quả của phương án kinh doanh ngay từ khi ký kết hợp đồng với nhau thông qua sử dụng sản phẩm phòng ngừa rủi ro tỷ giá như bảo hiểm tỷ giá, hoán đổi tiền tệ, mua bán ngoại tệ kỳ hạn... và các sản phẩm ngân hàng của Kênh thanh toán song phương; (ii) Doanh nghiệp có thể thanh toán bằng các loại tiền tệ, bao gồm cả ngoại tệ mạnh như USD và đồng nội tệ của hai nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ được tư vấn lựa chọn đối tác phía Nga và Việt Nam thông qua hệ thống nền khách hàng doanh nghiệp đa dạng của BIDV, VRB và VTB.
- Để triển khai Kênh thanh toán giai đoạn đầu, nếu khách hàng giao dịch tại BIDV khi thanh toán bằng nội tệ sẽ được miễn 100% phí thanh toán. Ngoài ra BIDV đang có gói tín dụng 200 triệu USD hỗ trợ doanh nghiệp có quan hệ xuất nhập khẩu với thị trường Nga.
Kính thưa quý vị,
Thanh toán vốn là một trong bốn chức năng cốt lõi của Ngân hàng thương mại, trong đó thanh toán quốc tế là chức năng quan trọng góp phần vào quá trình hội nhập của mỗi nền kinh tế. Chúng tôi, BIDV, VRB và VTB đã thực hiện chức năng thiêng liêng đó bằng trách nhiệm đối với cộng đồng doanh nghiệp hai nước, bằng uy tín, thương hiệu và kinh nghiệm của những ĐCTC hàng đầu, và bằng tình yêu của chúng tôi dành cho nước Nga và Việt Nam. Không phải tự nhiên chúng tôi được lãnh đạo cấp cao hai nước lựa chọn để triển khai Kênh thanh toán. Hiện nay tại Việt Nam và Nga chỉ có BIDV và VTB là hai ngân hàng duy nhất có hợp tác thành lập Ngân hàng liên doanh Việt Nga. Vì vậy, chúng tôi rất có kinh nghiệm và am hiểu về thị trường của nhau, có nền khách hàng tốt và có những sản phẩm đặc thù phục vụ Kênh thanh toán.
Tại Diễn đàn này chúng tôi mong các doanh nghiệp sẽ tích cực kết nối với nhau, tìm được những đối tác bạn hàng tin cậy, ký kết hợp đồng ngoại thương, tận dụng tối đa những ưu đãi của FTA mà Chính phủ Việt Nam và EEU đã rất nỗ lực đàm phán để mang lại cho doanh nghiệp XNK chúng ta, và thực hiện thanh toán qua Kênh thanh toán song phương Việt Nga. Những cơ hội của FTA đem lại cho chúng ta là rất to lớn nhưng cơ hội không biến thành lợi ích mà chính chúng ta cần có trách nhiệm và nỗ lực thúc đẩy, tháo gỡ các khó khăn thành hành động nhanh chóng để lợi ích bền vững đến với Việt Nam và Nga. Tôi tin tưởng hi vọng ngay trong tháng 12/2015 sẽ có các giao dịch thanh toán song phương đầu tiên của các doanh nghiệp Việt Nam và Nga.
Thay mặt BIDV, tôi xin chân thành cảm ơn Bộ Công thương Việt Nam, Bộ Phát triển Kinh tế Liên bang Nga và Ngân hàng VTB đã cùng phối hợp với BIDV đồng tổ chức Diễn đàn ngày hôm nay, cảm ơn Công ty Incentra đã hỗ trợ Ban Tổ chức trong suốt quá trình chuẩn bị, cảm ơn các doanh nghiệp Việt Nam và Liên bang Nga đã tham dự Diễn đàn, trong đó các doanh nghiệp từ Việt Nam đã không ngại đường xá xa xôi quyết tâm đến đây tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh doanh và thâm nhập vào thị trường Nga. Đặc biệt, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến ngài Nguyễn Thanh Sơn, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga cùng các cộng sự tại Sứ quán đã dành trọn cả tâm huyết và công sức tập trung hỗ trợ cho các sự kiện tổ chức tại Liên bang Nga những ngày này.