Vụ phân bón giả tại Đồng Nai: Địa phương ‘xuê xoa’?
Nhiều Bộ ngành Trung ương có ý kiến khẳng định, không đồng tình với kết quả điều tra của cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai là “không đủ căn cứ ra Quyết định khởi tố vụ án tại công ty Thuận Phong”.
Cơ sở sản xuất phân bón giả của Công ty Thuận Phong
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có báo cáo kết quả xử lý vi phạm của công ty cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phong (gọi tắt là công ty Thuận Phong).
Theo đó, tổng hợp ý kiến nhiều bộ, ngành đã thống nhất 8 điểm sai phạm lớn tại công ty Thuận Phong, đồng thời khẳng định, không đồng tình với kết quả điều tra của cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai là “không đủ căn cứ ra Quyết định khởi tố vụ án”.
8 điểm sai phạm lớn của công ty Thuận Phong là sản xuất không hợp pháp (về địa điểm); giả mạo địa điểm sản xuất không có thật; sản xuất không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón; sản xuất kinh doanh hàng giả (giả nhãn, giả công dụng); sản xuất kinh doanh hàng giả chất lượng (về chất chính của một số loại phân bón trong số 19 mẫy qua thử nghiệm, nhiều loại nhỏ hơn 70%); số lượng và khối lượng hàng vi phạm lớn; vi phạm ảnh hưởng trực tiếp tới rất nhiều nông dân nghèo nông thôn và cuối cùng là hồ sơ pháp lý chưa rõ và có dấu hiệu giả mạo, hợp đồng không có giá trị pháp lý.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC46) tỉnh Đồng Nai, qua điều tra, đến thời điểm 2/11, liên ngành Đồng Nai (gồm công an tỉnh, viện kiểm sát nhân dân, tòa án, nội chính, chi cục quản lý thị trường tỉnh) thống nhất quan điểm không có cơ sở xử lý hình sự hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả với Tổng giám đốc công ty Thuận Phong.
Kết luận này cũng tương tự với kết luận trước đó (ngày 27/8/2015) là không đủ căn cứ ra quyết định khởi tố vụ án, bị can tại công ty Thuận Phong. Do vậy Công an tỉnh đề xuất, không ra quyết định khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ cho Chi Cục quản lý thị trường tỉnh để xử lý hành chính theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, kết luận trên chưa nhận được sự nhất trí của các bộ, ngành. Cụ thể:
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia khẳng định vi phạm của công ty Thuận Phong có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự, do có dấu hiệu sản xuất kinh doanh trái phép phân bón (đáng chú ý là mạo nhận tổ chức không có thật để ghi trên nhãn hàng hóa phân bón bán ra thị trường “khu kinh tế quốc phòng”).
Ngoài ra, công ty Thuận Phong còn sản xuất kinh doanh phân bón giả về công dụng (phân bón nhập khẩu). Hồ sơ hải quan nhập khẩu của công ty Thuận Phong, các loại phân bón đều ghi là phân bón rễ. Bán ra thị trường, công ty Thuận Phong không ghi trên nhãn là phân bón rễ mà ghi sử dụng để thay thế phân bón lá khác.
Như vậy căn cứ theo quy định của Chính phủ: Hành hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; Có giá trị sử dụng công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; Có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố, hoặc đăng ký, được coi là “hàng giả”.
Đó là chưa kể công ty Thuận Phong có dấu hiệu sản xuất kinh doanh phân bón giả về chất lượng (đối với phân bón sản xuất trong nước).
Cụ thể 19/29 mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu so với công bố theo kết quả giám định của công ty Thuận Phong. Ví dụ như loại phân bón vi lượng kẽm (Zn), trên bao bì ghi là 15.000ppm, kết quả giám định chỉ đạt…1.310ppm (chưa đạt tới 10%).
Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) đã chỉ ra sai phạm của công ty Thuận Phong về nhãn hàng hóa giả.
Theo đó, công ty Thuận Phong không có hồ sơ chứng nhận hợp quy cho các loại phân bón nhập khẩu. Do đó các loại chai, 0,5; 1; 5 lít là hàng giả (đã được Cục Hóa Chất, Bộ Công thương khẳng định tại văn bản số 794/CHC-QLCL ngày 17-8-2015).
Bên cạnh đó, thỏa thuận giữa công ty Thuận Phong và công ty Bio Huma Netics (hợp đồng) không có giá trị pháp lý với các cơ quan chức năng Việt Nam vì công ty Bio Huma Netics chưa đăng ký bảo hộ độc quyền tại Việt Nam, do đó không có quyền cho công ty khác tại Việt Nam sử dụng nhãn hiệu, kiểu dáng, san triết, đóng gói…
Ngoài ra, nhãn mác, bao bì, can, chai không nhập khẩu từ Mỹ, vì vậy trên hàng hóa của công ty Thuận Phong gắn nhãn gốc, nhãn phụ và ghi rõ “Made in USA” phân Mỹ nhập khẩu là giả mạo về nhãn hàng hóa.
Về việc này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có văn bản số 3645/BKHCN-TĐC ngày 30/9 khẳng định “Việc công ty Thuận Phong đóng chai, dãn nhãn chính bằng tiếng An là nhãn gốc nhập khẩu từ Hoa Kỳ, dán nhãn phụ bằng tiếng Việt là hành vi giả mạo về bao vì hàng hóa của thương nhân khác, giả mạo nơi sản xuất và đóng gói hàng hóa”, do vậy công ty Thuận Phong đủ yếu tố cấu thành tội sản xuất, kinh doanh phân bón giả theo quy định tại điều 158 Bộ Luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Liên quan đến địa điểm sản xuất, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 1389 Bộ Quốc Phòng khẳng định, công ty Thuận Phong sản xuất trái phép trong khu đất Bộ Quốc phòng (Bộ Quốc phòng đã có công văn không cho phép việc này).
Do vậy, việc công ty Thuận Phong lợi dụng danh nghĩa quốc phòng, đơn vị quốc phòng không cho phép, để nghi trên nhãn địa chỉ sản xuất khu kinh tế quốc phòng là vi phạm nghiêm trọng việc mạo nhận một tổ chức không có thật để ghi nhãn hàng hóa phân bón bán ra thị trường.
Vì lý do này, Ban Chỉ đạo 1389 Quốc phòng không nhất trí với kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC46) Công an tỉnh Đồng Nai, khẳng định công ty Thuận Phong có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự.
Ngoài các Bộ, ngành trên, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đều đã có ý kiến, chỉ ra các sai phạm tại công ty Thuận Phong.
Đến thời điểm này, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã giao Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Lê Quý Vương tổng hợp tài liệu, trực tiếp làm việc với các Bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Đồng Nai, liên quan đến sai phạm tại công ty Thuận Phong.
Sự thật cần được làm rõ, triệt để, để trả lời sòng phẳng với người nông dân, đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sai phạm nghiêm trọng, tác động lớn lên đời sống, kinh tế, xã hội.