Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh
Trong giai đoạn từ 2-4 tháng tuổi, trẻ được tiêm phòng nhiều loại vaccine khác nhau để phòng trừ bệnh tật. Đây cũng là thời kỳ cao điểm dễ xảy ra hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (Sudden infant death syndrome - SIDS).
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch Mỹ, SIDS là trường hợp trẻ nhỏ dưới 1 tuổi chết đột ngột, bất ngờ, không rõ nguyên nhân, ngay cả sau khi đã thực hiện đầy đủ các bước điều tra chuyên môn. Điều tra trên bao gồm thực hiện khám nghiệm tử thi, kiểm tra hiện trường và xem xét lại lịch sử lâm sàng của trẻ tử vong.
Do các liều vaccine phòng chống dịch bệnh được tiêm cho trẻ vào đúng thời kỳ này, vaccine dễ dàng trở thành một nghi vấn. Tuy nhiên, theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vaccine không phải là nguyên nhân liên quan đến SIDS.
Đã có nhiều nghiên cứu khác nhau tìm kiếm mối liên hệ giữa vaccine và SIDS. Kết quả đều cho thấy vaccine hoàn toàn không phải là nguyên nhân gây ra SIDS. Đối với phản ứng của cơ thể trẻ trong tiêm chủng, các bác sĩ chuyên khoa khẳng định: Chỉ có vài tác dụng phụ có thể xảy ra mà cả thế giới ghi nhận là đau, sốt phát ban, cao hơn nữa là sốc phản vệ và hiện tượng này chỉ xảy ra vài ngày rồi chấm dứt.
Trên thực tế, có những trường hợp trẻ bị SIDS trùng với thời điểm tiêm chủng. Điều này khiến dư luận băn khoăn và nghi ngờ nguyên nhân xuất phát từ quá trình tiêm chủng. Khoa học đã chứng minh những nghi ngờ trên là vô căn cứ.
Một nghiên cứu theo dõi về mối liên quan giữa độ tuổi và thay đổi mùa trong năm tới cái chết của trẻ nhỏ sau khi tiêm vaccine. Hệ thống báo cáo những sự kiện bất ổn về vaccine (VAERS) đã công bố nghiên cứu này. Theo đó, vaccine DTP và vaccine viêm gan B không liên quan đến các trường hợp SIDS.
Nghiên cứu năm 2003 của Viện Y dược của Mỹ có tên “Đánh giá an toàn tiêm chủng: Vaccine và cái chết bất ngờ ở trẻ sơ sinh” cũng báo cáo rằng: mọi bằng chứng khoa học đã bác bỏ hoàn toàn nghi ngờ vaccine liên quan đến những trường hợp tử vong ở trẻ nhỏ. Nhóm chuyên gia về An toàn vaccine quốc tế của Brighton Collaboration đã nghiên cứu sâu về SIDS và khẳng định tương tự, không hề có bất kì bằng chứng nào cho thấy SIDS liên quan đến vaccine.
Theo nghiên cứu của Học viện Bệnh nhi Mỹ vào năm 1992 khuyến nghị đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ cũng giảm thiểu nguy cơ SIDS. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ được bú mẹ trong 6 tháng đầu ít có nguy cơ bị SIDS so với trẻ không được bú mẹ. Ngoài ra, cần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bé và lưu tâm đến từng thay đổi nhỏ của trẻ để có thể phản ứng kịp thời trong các trường hợp nguy hiểm.