Gặp sư trụ trì Thích Đàm Lan sau 'sự việc đáng buồn'
Sư trụ trì chùa Bồ Đề Thích Đàm Lan cho biết, nhà chùa đã gửi đơn lên UBND quận Long Biên xin được làm thủ tục thành lập Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và người không nơi nương tựa. “Nhà chùa phải làm theo quy định, các bác à. Chứ nếu không thì tủi lắm. Tâm mình sáng, việc mình tốt nhưng danh không chính thì ngôn không thuận. Làm ơn mắc oán đã rồi…”.
Nhà sư Thích Đàm Lan và các cháu tại lớp học
tình thương ở chùa Bồ Đề. Ảnh: T.N.K..
Nắng thu hanh hao. Mưa thu sụt sùi. Và cảnh chùa cô quạnh. Tôi ngồi đợi sư trụ trì chùa Bồ Đề Thích Đàm Lan đi họp về mà cứ thắc tha thắc thỏm. Biết nói gì với nhà chùa đây, để có thể mục sở thị thực tế cảnh nuôi dưỡng trẻ em ở đây bây giờ sau bao ngày sóng gió đã qua.
Đây rồi, sư trụ trì Thích Đàm Lan bước vào vừa rót những chén chè xanh mời khách, vừa tâm sự. Nhà chùa vừa đi dự họp trên Ban Mặt trận Tổ quốc quận Long Biên (Hà Nội) trở về. Nhiều chương trình mới được triển khai lắm. Đang vui, bỗng nhiên nhà chùa chùng hẳn giọng xuống: “Mà thôi, xin phép các bác cho nhà chùa lại thăm các cháu. Đi vắng từ sáng tới giờ nhớ chúng quá!”. Nghe vậy, cánh phóng viên chúng tôi nhìn nhau mở dạ: “Dạ! Cho chúng tôi xin được nói thật với nhà chùa lý do hôm nay chúng tôi đến đây. Ngoài việc thắp hương thờ Phật, chúng tôi còn muốn hỏi chuyện nhà chùa về chuyện nuôi dưỡng số trẻ này đấy ạ…”.
Trước khi dẫn chúng tôi lên thăm các cháu, sư trụ trì Thích Đàm Lan cho hay, hiện nhà chùa vẫn nhận nuôi 35 trẻ em. “Tâm nguyện từ nhỏ của tôi là phục vụ chúng sinh. Khi mình giúp được họ thì đó là diễm phúc lắm rồi”. Nói đoạn nhà chùa kể rằng: Từ nhỏ đến nay, 26 năm chùa Bồ Đề được người người biết tiếng có tâm phúc giúp đỡ, nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Có nhiều em nay đã lập gia đình. Sau sự cố năm ngoái xảy ra vụ bị người bảo mẫu lừa bán trẻ, nay nhà chùa đã chuyển đi hơn 30 em đến các trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội của thành phố. Một số được trở về địa phương. Hiện thời còn lại là những đứa không cha không mẹ, bệnh tật, ốm yếu, từ nhỏ lớn lên không được học. Tất cả đã được UBND phường Bồ Đề đã làm giấy khai sinh, theo nhà chùa cho biết.
Được hỏi vì sao nhà chùa vẫn giữ lại số trẻ này, sư trụ trì Thích Đàm Lan trầm ngâm: “Một số em lớn quen thuộc nơi này chẳng muốn rời xa. Một số khác trông rất thương tâm tôi rất đau xót nếu để chúng đi. Chừng ấy đứa phải ra đi khỏi đây khiến mình như mất đi một cái gì đó rất hẫng hụt. Được chăm lo các em ấm êm thì cái tâm sẽ thanh thản. Buông thì dễ, chăm mới khó”. Không thể không nhắc đến chuyện buồn cũ, dù đã qua hơn năm, người ăn mày cửa phật trạc tuổi 60 này bỗng bật khóc: “Trước kia thương cái Trang cho nó vào ở, không ngờ lại có người lại dã tâm lừa gạt bán mua trẻ em như thế…”. Nước mắt người tu hành lại chảy…
Trước mặt chúng tôi là những đứa trẻ rất dễ thương, chỉ chừng từ vài tháng đến 1-2 năm tuổi, có đứa mới vài tháng tuổi. Chúng lễ phép chào hỏi khách rồi lại tập trung vào những bài học được tổ chức bởi một nhóm thanh niên tình nguyện đến từ nhiều nước. Những bài học đầu tiên có cả tiếng Anh, tiếng Việt, cả hình những con mèo, con chó cho các em tô màu xanh, đỏ. Tiếng các em bi bô, dáng các em tinh nghịch nô đùa vô tư khiến tất thảy những ai có mặt ở đây không khỏi cầm lòng. Giờ đến lượt chúng tôi lại chảy dài những hàng nước mắt. Nhà sư Thích Đàm Lan ngồi đó chuyện trò, bế ngắm chúng.
Sư Thích Đàm Lan kể: Nhiều em hiện nay đang học rất giỏi. Mai Anh được bầu làm lớp trưởng. Khi mẹ chết, bố đem em bỏ chùa khi mới được 2 tuổi. Khi được hỏi có phải là bố đẻ của em không, ông này không nhận, nhà chùa doạ đem cho, cuối cùng buộc lòng phải nhận và nhờ nhà chùa chăm nuôi. Số trẻ thất lạc vẫn không ngừng quay trở lại. Nhà chùa khẳng định lại ở đây không hề có sự mua bán trẻ em gì ở đây. Khi xảy ra chuyện buồn kia, nhà chùa không giận ai đổ oan mà chỉ thương các trẻ. Nếu được phép nhà chùa vẫn thiết tha nhận trẻ. Và ngay bây giờ khi quận, phường có yêu cầu chuyển trẻ đi nơi khác, nhà chùa cam kết sẽ vẫn chấp hành.
Cảnh tượng quen thuộc như tôi vẫn thường gặp nơi trần thế ở từng nhà, từng người mà nay vẫn ngạc nhiên nơi cửa Phật. Có gì như ở nhà sư này chưa thoát xác? Được sinh ra từ một gia dình nghèo có người bà ngoại từng bị chết đói năm 1945, người ông ngoại hay nấu cháo để bên gốc cây đa từ thiện người nghèo, nay được thân hành nơi cửa phật, sư Thích Đàm Lan vẫn ghi nhớ những hình ảnh này của các bậc tiền nhân mà hành xử cứu nhân độ thế.
“Đó cũng là tâm nguyện của nhà phật, các bác à. Nhiều người cứ nói bỏ chúng đi nhưng trong tâm tôi không đành. Chăm sóc chúng thì công việc rất bận rộn. Nếu bỏ chúng thì rảnh rỗi, nhưng tâm nào có được an. Có những đêm hôm đưa các em đi viện khỏi về, tôi vui mừng không ngủ được. Có lúc lo liệu cho các cháu đến mức không còn một xu dính túi, tôi vẫn thoả nguyện…”.
Từ nhiều năm trước khi sự việc xảy ra sự việc đáng buồn kia năm ngoái, nhà chùa đã có nhiều dự định lớn lao. Làm sao để nhà chùa có thể mở mang nhà trẻ, trường học đầy đủ, khang trang cho các em tá túc, học hành thành người có ích cho xã hội. “Bây giờ nói về những điều này chắc nhiều người khó tin tôi lắm. Nhưng tôi vẫn làm, chừng nào khi mình còn sống” - Thoáng nét buồn trên gương mặt người không còn trẻ nữa. Và thoáng một nỗi đơn côi giữa tràn ngập tiếng cười thơ trẻ…
Sư trụ trì chùa Bồ Đề Thích Đàm Lan cho biết, nhà chùa đã gửi đơn lên UBND quận Long Biên xin được làm thủ tục thành lập Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và người không nơi nương tựa. “Nhà chùa phải làm theo quy định, các bác à. Chứ nếu không thì tủi lắm. Tâm mình sáng, việc mình tốt nhưng danh không chính thì ngôn không thuận. Làm ơn mắc oán đã rồi…” - lại những lời nói thoảng chút buồn.
“Tôi ngây thơ quá nên mới nỗi này. Một số bà con trong gia đình không hiểu tại sao. Họ thương tôi quá. Khi tôi phải vào trình diện tại Trực ban Hình sự bên hồ Thiền Quang, các anh công an ấy đối xử rất tốt với tôi. Họ lo cho tôi từng miếng ăn, hớp nước. Cả quận, phường đều rất quan tâm. Trong khi đó ở ngoài mọi người rất lo lắng cho tôi. Tôi vẫn phải làm một cái gì đó, các bác à, để khỏi phụ lòng cho họ. Lộc phận, nhân quả, của người ta hết chứ mình chả có gì... Nhà chùa không dám kêu gọi gì mà chỉ tuỳ duyên. Chùa chả buôn bán gì mà chỉ chăm chỉ, chịu khó. Đi tu với nhà chùa không phải chỉ ngồi mà hưởng thụ mà phải làm một cái gì đó để trả ơn bố mẹ sinh thành, cho cha mẹ vui ở nơi chín suối chứ không có nghĩ làm gì cao sang, danh giá, các bác à…”.