Ấn tượng 'Phan Duy Nhân - Thơ và đời'
“Phan Duy Nhân - Thơ và đời” là cuốn sách vừa được NXB Đà Nẵng ra mắt bạn đọc. Đây là tập sách do bạn bè ông cùng chung tay thực hiện. Chúng tôi đã được nghe kể về câu chuyện hình thành bản thảo cho tập sách dày gần 500 trang ấy với một ân tình sâu sắc và xúc động.
Bìa cuốn sách “Phan Duy Nhân- Thơ và đời“.
Nhà báo Lê Đức Hùng, đại diện nhóm tác giả thực hiện cuốn sách này cho hay, đây là lần đầu tiên có một tuyển tập cho một người làm thơ, làm cách mạng trên địa bàn TP Đà Nẵng. Ở Huế đã có tuyển tập về Thái Ngọc San, Trương Văn Hoàng, Ngô Kha và Bửu Chỉ. “Tôi nghĩ, cuốn sách này ra đời dù có chậm nhưng vẫn còn kịp thời. Bởi nhà thơ Phan Duy Nhân đã nhìn thấy đứa con tinh thần của mình và tấm lòng của bạn bè dành cho mình”- ông Hùng chia sẻ.
Tập sách này có được, trước hết là từ ý tưởng của anh Lê Công Cơ (Lê Phương Thảo) và cũng là bạn chiến đấu cùng thời với nhà thơ Phan Duy Nhân gần 50 năm qua. Một cặp “bạn chiến đấu” mà nói như nguyên Trưởng ban đấu tranh chính trị Khu ủy 5 trong chiến tranh – Võ Văn Đặng, thì đây là một cặp “rồng bay phượng múa” trên chiến trường và các đô thị Khu 5 một thời máu lửa.
Để có được cuốn sách gói trọn thơ và đời của Phan Duy Nhân (cho dù chưa thể đầy đủ) tới tay bạn đọc, nhóm tác giả đã dành nhiều thời gian và công sức sưu tầm, tập hợp bản thảo, trao đổi với tác giả và gia đình. Xúc động nhất là khi hình thành ý tưởng và tổ chức thực hiện, nhóm tác giả đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bạn hữu, những người bạn chiến đấu cũ, những tấm lòng bè bạn gần xa…
Và trong 462 trang sách ân tình ấy, phần Thơ của Phan Duy Nhân gồm có 150 bài. Bao gồm sáng tác, dịch thơ, trong đó có 33 bài Không đề, 7 bài dịch thơ Cao Bá Quát. Đặc biệt có 20 bài thơ viết từ 2006- 2008 bằng hình thức tin nhắn, được Đông Trà (tức Nguyễn Đăng Hải- Phó Chủ tịch UBMTTQ TP Đà Nẵng) lưu giữ và công bố. Phần Đời gồm có 32 bài viết của 26 tác giả, kể cả những bài ký tên Nguyễn Chính hay Phan Duy Nhân.
Ngay từ lời giới thiệu cuốn sách, NXB Đà Nẵng đã tóm lược để bạn đọc có thể dễ dàng hình dung về sự nghiệp của ông: Phan Duy Nhân (Dương Phù Sao, Thiết Sử) là bút hiệu của một nhà thơ quen biết với bạn đọc trẻ miền Nam từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Tên thật là Phan Chánh Dinh (Nguyễn Chính), sinh ngày 6/10/1941, quê xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trưởng thành trong phong trào đấu tranh yêu nước của sinh viên Huế và TNSVHS miền Nam…
Phan Duy Nhân làm thơ từ rất sớm (năm 1956 ông đã có thơ in trong các tập san thơ yêu nước của TNHS Quảng Nam, Đà Nẵng và Sài Gòn). Ông cũng tham gia phong trào yêu nước rất sớm, từ năm 1960 ông vừa đi dạy (sau khi đỗ Tú tài II) vừa là sinh viên của các trường ĐH Văn khoa, ĐH Luật khoa Huế; là một trong những thành viên đầu tiên của Hội Liên hiệp TNSVHS Giải phóng và là hội viên của Hội Văn nghệ Giải phóng Trung-Trung Bộ (1965).
Trước khi đi chiến đấu ở chiến khu (năm 1966) ông thường đăng thơ trên các tạp chí Bách khoa, Văn học, Văn, Sinh viên Huế... Trong cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, ông bị bắn trọng thương và bị bắt ở Đà Nẵng, sau đó bị giam ở nhà tù Côn Đảo mãi đến 19/2/1974 mới được trao trả theo Hiệp định Paris tại Lộc Ninh…
Trong tù (Côn Đảo 1968- 1974) và sau ngày 30/4/1975 Phan Duy Nhân vẫn tiếp tục sáng tác, dù ít xuất hiện trên báo chí… Từ năm 1964 Phan Duy Nhân đã chuẩn bị bản thảo cho tập thơ đầu tay có tên “Ngậm ngải tìm trầm”, nhưng vì nhiều lý do, đã không xuất bản được. Đến nay, qua gần 60 năm sáng tác, ông đã viết khoảng gần 600 bài thơ nhưng phần lớn bị thất lạc…
Chính vì thế, cuốn “Phan Duy Nhân - Thơ và đời” mà bạn bè ông chung tay thực hiện vừa nhằm phác thảo “chân dung một thế hệ” trí thức – văn nghệ sĩ – SVHS trong phong trào yêu nước trước năm 1975 ở các đô thị miền Nam. Đồng thời cũng chính là một món quà đầy ý nghĩa gửi tặng tác giả và bạn đọc xa gần. Xuyên suốt những trang viết về thơ và đời của tác giả Phan Duy Nhân, chân dung của một nhà thơ trong dòng văn học yêu nước, đồng thời là một người con ưu tú của vùng đất Quảng Nam- Đà Nẵng đã được phác họa rõ nét.
GS Mai Quốc Liên có nêu, Phan Duy Nhân là người chiến sĩ giải phóng, người tù chính trị Côn Đảo, học giả về tôn giáo… Còn tác giả Nguyễn Đình An, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà báo hoạt động trong vùng giải phóng đã viết “Có một Phan Duy Nhân - chiến sĩ” để phác họa chân dung ông ở khía cạnh này.
Ở góc độ một Phan Duy Nhân chiến sĩ, tập sách cũng có nhiều bài viết khác như Đi về phương có bão (nhà báo Hồ Duy Lệ), Xuống đường (nhà thơ Thanh Thảo), Từ một chân dung (nhà báo Lê Văn Lân), Thầy Phan Chánh Dinh của tôi (Lê Nguyên Hồng- cựu biệt động thành Đà Nẵng), Phan Duy Nhân như tôi biêt (thạc sĩ sử học Lưu Anh Rô)…
Trong bài viết của mình, nhà thơ Bùi Xuân cho rằng: Từ khi còn là bút hiệu Dương Phù Sao, ở tuổi 20, Phan Duy Nhân đã là một tác giả quen thuộc trên tạp chí Bách khoa, một tạp chí hội tụ nhiều cây bút tên tuổi ở miền Nam hồi bấy giờ. Những bài thơ của anh đăng trên tạp chí này như Thần thoại, Đường bay của thơ, Thơ cầu nguyện, Rừng vàng, Phác họa…như là dự báo về một tinh anh thơ đang phát tiết. Nếu tính từ bài thơ đầu tay cho đến nay, gia tài thơ của anh còn lại không nhiều do bị rơi rớt, thất lạc nhưng đa dạng, nhiều cung bậc, có chiều sâu. Anh xứng đáng là một trong những nhà thơ tiêu biểu của dòng văn học đô thị miền Nam giai đoạn 1954- 1975.
Tác giả Dương Đức Quảng cũng đã kể lại câu chuyện Phan Duy Nhân bị địch bắt 3 lần. Trong đó lần bị bắt thứ 2 (năm 1965) vì một bài thơ. Khi ấy ông đang là giáo viên dạy văn tại trường THCS Vĩnh Điện. Từ Hội An, Phan Duy Nhân nhờ người bạn đem một bài thơ ra Huế để gửi đăng trên tờ Nhận thức (để hưởng ứng phong trào đấu tranh của giới trẻ, kêu gọi mọi người tham gia phong trào yêu nước).
Bài thơ ấy có đoạn: “Hãy đứng dậy tất cả/ Đấu tranh không mất gì/ Trừ cái gông trên cổ/ Trừ cái xiềng trên tay/ Hãy chiếm mỗi ngã tư/Trái tìm là khí giới/ Xông lên triệu triệu đồng bào…!” Không hiểu vì lý do gì bài thơ lọt vào tay An ninh quân đội Sài Gòn. Lập tức Phan Duy Nhân bị bắt và bị hỏi cung: Ai dạy cho anh Tuyên ngôn Cộng sản để anh biến thành thơ ca kêu gọi nổi loạn này?... Rồi sau đó ông bị giam giữ nửa năm trời.
Trong bài viết của các tác giả Ngô Thị Kim Cúc, Phạm Tấn Hầu, Hồ Thế Hà, Huỳnh Văn Hoa, Phạm Phú Phong, Nguyễn Nhã Tiên, Thanh Thảo, Hồng Chuyên… lại nói khá rõ “tâm cảnh u buồn” (chữ dùng của Nguyễn Hữu Thái) về thơ của Phan Duy Nhân. Chính tâm trạng, khát vọng như đã nêu trên đã làm nên một thế giới riêng của thơ Phan Duy Nhân. Cái hay của thơ Phan Duy Nhân trong thập niên 60 của thế kỷ trước là ở chỗ này.
Tác giả Hoàng Phủ Ngọc Phan trong bài viết “Văn ảnh về một người ngậm ngải tìm trầm” đã cho rằng: theo tôi, tuyển tập “Phan Duy Nhân - Thơ và đời” chính là “Ngậm ngải tìm trầm” mà ông từng ấp ủ và đây sẽ là một quyển sách quý. Liếc mắt một vòng nhìn vào cõi thơ lẫn lộn những ngọc đá vàng thau, sẽ thấy thơ Phan Duy Nhân là một chuỗi ngọc. Lau sạch bụi, ngọc sẽ sáng…
Trân quý hơn cả, khi đọc những trang viết của nhà báo Lê Đức Hùng, người đọc sẽ hiểu hơn nữa về một nhà thơ- chiến sĩ, một cán bộ mặt trận Nguyễn Chính (Phan Duy Nhân). Ông nguyên giữ quyền Trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ; nguyên là Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam; nguyên là chuyên viên cao cấp của Ban Dân vận Trung ương. Trước đó ông từng giữ quyền Trưởng ban Dân vận tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Trong cuốn sách này, tác giả Nguyễn Chính cũng có bài viết tâm huyết, bày tỏ những “Suy nghĩ bước đầu về công tác Tôn giáo trong tình hình mới”.
Sáng 14/11, cuộc gặp mặt thân mật nhân dịp ra mắt sách “Phan Duy Nhân- Thơ và đời” diễn ra tại trụ sở Báo Đại Đoàn Kết (66 Bà Triệu- Hà Nội). Trước đó, tập sách đã lần lượt được giới thiệu tới bạn đọc tại TP Đà Nẵng, TP Huế, và TP HCM.