Nghiêm cấm xúc phạm danh dự, thân thể nhà báo
Chiều qua (14/11) các ĐBQH đã thảo luận tại tổ dự án Luật Báo chí (sửa đổi), nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, để bảo vệ các nhà báo, cần bổ sung quy định: Cấm hành vi xúc phạm danh dự, thân thể, sức khỏe, tính mạng của nhà báo.
Ảnh minh họa.
ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng: Nhằm cụ thể hóa Hiến pháp 2013, điểm nổi bật nhất của dự thảo Luật Báo chí sửa đổi lần này là quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí được pháp luật đảm bảo, nhưng phải theo khuôn khổ của pháp luật.
Đồng tình với ý kiến này, ĐB Nguyễn Văn Minh (TP HCM) cho rằng phải sửa Luật Báo chí, tuy nhiên, dự luật có điểm mới nhưng cũng có điểm không hề mới. Chẳng hạn, sự bùng nổ các trang mạng thông tin cá nhân đó là một thực tế. Nhiều trang cá nhân đặt điều, viết sai sự thật… do đó phải hiến định vào luật để điều chỉnh. Nếu không điều chỉnh, Luật Báo chí không đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Nói rõ những bất cập sẽ xảy đến nếu tự do ngôn luận trong báo chí nhưng thiếu giải pháp quản lý sẽ gây ra những hệ lụy, ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đưa ý kiến: Hiện nay có trang mạng chính thức và không chính thức. Trang chính thức chúng ta vẫn khuyến khích đưa thông tin đa chiều nhận sự phản hồi là tốt. Tuy nhiên, trang mạng không chính thức dù không công nhận cũng là báo điện tử, vậy chúng ta có cho vào luật để quản lý các trang mạng này không? Hiện các thế lực thù lực đang lợi dụng trang mạng này để bôi nhọ, xuyên tạc sự thật vậy chúng ta có quản được không? Nếu không điều chỉnh trong luật để rồi, khi luật thông qua các trang mạng này vẫn vô tổ chức không ai quản là không được.
ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP HCM) đề cập đến Quy hoạch báo chí vừa được công bố. Theo bà Trang, lẽ thường Quy hoạch được duyệt sau khi Luật Báo chí sửa đổi thông qua nhưng đây là vấn đề quan trọng nên cần được chuẩn bị kỹ. Vì vậy, luật cần xem xét lại cho tương thích với quy hoạch đã được Bộ Chính trị thông qua. Theo đó, cần có quan điểm tạo điều kiện tối đa cho cơ quan báo chí phát triển đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin của công dân. Bà Trang cũng đề nghị cần ưu đãi về thuế cho cơ quan báo chí, vì đây không phải là loại hình kinh doanh thuần túy.
Góp ý kiến cho Điều 10 về những hành vi bị cấm, ĐB Lê Như Tiến nói, trong Dự thảo có quy định 12 loại thông tin và 10 hành vi bị cấm. “Tôi cho như vậy là cũng phù hợp với các quy định chung của Hiến pháp và pháp luật khác. Tuy nhiên, theo tôi cần bổ sung một số hành vi bị cấm (mà trong thời gian qua xảy ra khá phổ biến). Đó là hành vi xúc phạm danh dự, thân thể, sức khỏe thậm chí là tính mạng của nhà báo. Cũng cần nghiêm cấm việc thu giữ phương tiện hành nghề trong lúc nhà báo đang tác nghiệp đúng pháp luật”.
Cùng ngày, các ĐBQH cũng thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Nghị quyết về ban hành Nội quy kỳ họp của Quốc hội; biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ Ngân sách Trung ương năm 2016.