Hướng về nguồn cội
Xa quê, lập nghiệp nơi miền đất lạ, nhưng với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, rất nhiều hội đồng hương ở xứ người đã được thành lập để chia buồn sớt vui, làm vơi bớt những nhọc nhằn và nỗi nhớ quê hương của những người con đất Việt nơi xứ người.
Nhiều hội đồng hương được thành lập trở thành chỗ dựa tinh thần
cho những người con đất Việt nơi đất khách.
Xứ sở của hội đồng hương
Ở bất cứ nơi đâu, trong nước hay ở nước ngoài, truyền thống đoàn kết, dựa vào nhau để sống của người Việt liên tục được phát huy tạo sự gắn kết, để làm nên sức mạnh. Sự dựa vào nhau ấy, khiến rất nhiều tổ chức hội, đoàn đã được thành lập.
Hầu hết ở các nước, các hội như Hội Phụ nữ, Hội Phật tử, Hội Doanh nghiệp, Hiệp hội môi giới Lao động, Hội Văn học Nghệ thuật... Nhưng hội được thành lập ở hầu khắp các nước có người Việt đặt chân đến là các hội đồng hương.
Tất nhiên, khi xa quê, ra nước ngoài bôn ba thì bất kể ai, hễ là người Việt Nam đều có thể trở thành đồng hương. Nhưng, nếu có một tổ chức hội như thế là quá rộng, khó bao quát, khó hiểu hết tâm tư, tình cảm của các thành viên trong hội. Đó là lý do hội đồng hương mang tên các tỉnh thành của quê hương Việt Nam đã lần lượt ra đời.
Đáng nói là sự ra đời của các tổ chức hội này hoạt động rất hiệu quả, góp phần tăng cường đoàn kết cộng đồng, động viên nhau sống tốt nơi xứ người.
Thế là các hội đồng hương mang tên 53 tỉnh, thành lần lượt được thành lập ở bất cứ đâu nếu có con Lạc cháu Hồng di cư đến. Trong số các quốc gia có dấu ấn của các hội, đoàn có lẽ Séc là đất nước có những hoạt động sôi nổi hơn cả. Nói Séc là xứ sở của hội đồng hương cũng không quá lời bởi từ rất nhiều năm nay, hầu hết các hội đồng hương tỉnh của Séc hoạt động rất hiệu quả.
Các tổ chức hội này không chỉ trợ giúp nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn nơi xứ người mà còn tổ chức nhiều hoạt động bài bản hướng về quê hương Việt Nam.
Chẳng hạn, Hội đồng hương Nghệ Tĩnh trong 2 năm đã gửi về giúp đồng bào tỉnh bị bão lũ 47.000 USD. Hội đồng hương Thanh Hóa gửi 58.000USD và giúp tu bổ xây dựng 3 trạm xá xã, năm 2008 giúp xây dựng một nhà trẻ huyện Quảng Xương, trị giá 600 triệu đồng. Hội đồng hương Hưng Yên, Hải Dương năm 2007-2008 giúp xây dựng 14 ngôi nhà tình nghĩa…
Ngay cả hội đồng hương Phú Thọ là Hội sinh sau đẻ muộn vì số lượng những người con đất Tổ ở Séc không nhiều (3.500 người) và thu nhập của họ cũng chẳng cao nhưng đã có nhiều hoạt động mang ý nghĩa thiết thực như, ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại trong các trận bão lụt, xây dựng nhà tình nghĩa ở quê hương, giúp đỡ các gia đình nạn nhân của vụ nổ kho pháo hoa ở nhà máy quốc phòng Khải Xuân (Phú Thọ)…
Những nghĩa cử cao đẹp
Với những người con Hải Phòng, cuộc sống nơi đất khách quê người với đầy nỗi khó nhọc đã khiến không ít người phải vật lộn, phải nỗ lực hết sức mới có thể vượt qua, trụ lại được đến hôm nay. Trong số họ có không ít người thành đạt, nhưng cũng không ít người chưa thể vươn lên.
Chính những điều ấy đã thôi thúc những người bà con đồng hương Hải Phòng ở Nga lập ra một tổ chức Hội thực sự gần gũi, là nơi sẻ chia trước hết là mặt tinh thần và sau nữa là về vật chất trước những bộn bề khó nhọc.
Ông Trần Văn Ba, chủ tịch Hội đồng hương Hải Phòng tại Mat-xcơ-va cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, Hội đã tập hợp, quy tụ được những người bà con, anh em đồng hương đang sinh sống và làm ăn ở Mat-xcơ-va, trở thành chỗ dựa tinh thần cho bà con. Hội đã luôn động viên, giúp đỡ bà con có những hoàn cảnh khó khăn và đồng thời động viên anh chị em tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của cộng đồng tại LB Nga…”
Ông Ba dẫn chứng, từ những hoạt động dù rất nhỏ nhưng thiết thực nhất như thăm hỏi, tặng quà, thậm chí hỗ trợ những người ốm đau, nằm viện; động viên, chia sẻ việc hiếu với người có cha mẹ già cả ở Việt Nam; tặng phần thưởng cho con em hội viên cả ở Việt Nam lẫn tại Nga khi các cháu có thành tích tốt trong học tập, đóng góp quỹ hỗ trợ trẻ tàn tật, người già cô đơn ở Việt Nam, giúp người dân sở tại gặp thiên tai v.v… cũng đã nói lên tiếng lòng của những người con đất Cảng. Chính vì vậy, Hội luôn nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ rất tích cực của bà con và từng thành viên của Hội mỗi khi có công, có việc.
Tiếng lòng của người con Kinh Bắc
Để có được những hội đồng hương bề thế, có nhiều hoạt động thiết thực tại nước sở tại không hề đơn giản. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, chia sẻ vì sao mình lại có ý tưởng thành lập hội đồng hương phố Hiến nơi đất khách, quê người, Chủ tịch Hội đồng hương Hưng Yên Phan Minh Tuấn cho biết, chỉ có thể lý giải bằng tình yêu đối với quê hương, đất nước.
Anh Tuấn bảo, nếu ai đã từng ở trong hoàn cảnh xa quê hương, xa gia đình, người đó sẽ hiểu được nỗi nhớ, tình yêu dành cho quê hương lớn đến nhường nào. Thế là ý tưởng thành lập hội đồng hương để gắn kết những tấm lòng đến trong anh từ ngày đầu tiên đặt chân đến Đức. Nhưng chỉ một chút “tấm lòng” ấy với quê hương đất nước cũng không dễ gì thực hiện. “Những khó khăn của cuộc mưu sinh một thời gian dài là rào cản khiến anh không thể biến ý tưởng thành hành động. Và mất gần 20 năm bôn ba tại Đức anh mới có điều kiện đứng ra thành lập hội.
Giờ thì Hội đồng hương phố Hiến tại Đức đã tròn 3 năm thành lập. Dù chưa giúp được gì nhiều (nói theo lời của chủ tịch Hội) nhưng ít nhất những người con phố Hiến cũng đã có cách rất riêng để bày tỏ tiếng lòng của mình với quê hương. Đó là những chuyến Hội trở về Yên Mỹ, Hưng Yên để trao quà và học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó. Đó là những khoản tiền không hề nhỏ chắt chiu gửi về đất mẹ giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh, những khó khăn mà đồng bào miền Trung phải hứng chịu trong mưa lũ.
“Tôi hy vọng Hội đồng hương Hưng Yên tại Đức sẽ còn có nhiều hoạt động có ý nghĩa với mong muốn mang lại niềm vui cả về vật chất và tinh thần cho những số phận không may tại quê hương mình”, ông Tuấn tâm sự.