Việt Nam có tuyến metro 'đắt nhất thế giới'
Tuyến metro số 1 đang thi công và tuyến số 2 chuẩn bị khởi công, tổng số vốn của dự án đường sắt đô thị TP HCM đã bị đội giá (tăng thêm) khoảng 40.000 tỷ đồng. Có lý do khiến nhiều người vô cùng lo ngại không biết cho đến khi hoàn thành 2 tuyến metro này, số tiền bù thêm sẽ lớn đến đâu?
Metro số 1 Bến Thành- Suối Tiên dài 19,7km được khởi công năm 2010 với số vốn ban đầu 1,09 tỷ USD và dự kiến hoàn thành năm 2018 nhưng hiện nay, theo báo cáo mới nhất, dự án này đội vốn lên 2,47 tỷ USD, chậm tiến độ dự kiến là 2020. Số tiền đội vốn tính tới thời điểm này là 1,38 tỷ USD, tương đương gần 27 ngàn tỷ đồng.
Đáng chú ý, tuyến số 2 từ Bến Thành đi Tham Lương dù chưa chính thức khởi công cũng bị tăng vốn lên khoảng 12 ngàn tỷ đồng. Mặc dù theo các chuyên gia, các dự án metro này trước khi tăng giá đã thuộc vào loại “đắt tiền nhất thế giới”.
Theo giải thích của Ban quản lý dự án, do các tuyến metro là dự án lần đầu được triển khai ở TP HCM nên việc tính toán các hạng mục chưa đúng, có nhiều sai số. Hơn nữa, do thời gian thi công kéo dài nhiều năm nên chi phí trượt giá, nguyên vật liệu, tiền nhân công tăng cao cũng như việc tăng lương đối với mặt bằng chung của người lao động đã ảnh hưởng đến tổng số tiền đầu tư. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia cho rằng, các tuyến metro ở TP HCM liên tục tăng giá là hiện tượng bất thường.
Mặt khác, theo tính toán, tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên được coi là tuyến metro đắt nhất thế giới, vào khoảng 120 triệu USD/km (nếu không bị đội giá trong 5 năm nữa), cao hơn so với giá trung bình xây dựng ở các nước khác là 70 triệu USD/km.
Lý giải điều này, ông Phạm Sanh- chuyên gia giao thông cho rằng, việc quản lý một dự án xây dựng ở nước ta quá chồng chéo. Khi Bộ GTVT chủ trì nhưng lại giao cho lãnh đạo địa phương (như TP HCM, Bình Dương) công tác giải phóng mặt bằng khiến cho sự phối hợp không được đồng nhất.
Thậm chí, năng lực của Ban quản lý dự án cũng không được đánh giá đúng mức. Việc chậm bàn giao mặt bằng cũng là nguyên nhân quan trọng khiến tiền đầu tư dự án tăng thêm, ông Sanh cho biết thêm.
Cuối cùng, dư luận đặt câu hỏi là các tuyến metro này hầu hết là dự án triển khai theo hình thức ODA, ngân sách chỉ bỏ ra một số vốn đối ứng, chủ yếu là đền bù mặt bằng, thì số tiền hàng chục ngàn tỷ bị đội giá đó ai sẽ là người phải gánh chịu, khách hàng khi sử dụng tuyến metro này hay chủ đầu tư nước ngoài đang bỏ tiền ra xây dựng?