Trả lại vị thế cho môn Lịch sử

Thủy Anh 16/11/2015 00:26

PGS.TS Đinh Quang Hải - Viện trưởng Viện Sử học VN khẳng định: Sử học từ lâu là môn khoa học, cần phải được đối xử đúng là môn khoa học. “Việc ghép Lịch sử thành phân môn của Công dân với Tổ quốc là thiếu cơ sở thực tiễn, chưa hề có tiền lệ. Đó là một sự ghép nối mang tính cơ học nhiều hơn”.

Trả lại vị thế cho môn Lịch sử

Quang cảnh buổi Hội thảo. (Nguồn: VOV).

Trong dự thảo Chương trình Giáo dục Phổ thông tổng thể (CT GDPTTT) hiện nay, Bộ GD&ĐT đang để môn Lịch sử ở cấp THPT là môn tự chọn, lồng ghép tích hợp vào môn Công dân với Tổ quốc. Không chấp nhận cách làm đó, sáng 15/11 tại Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử VN tổ chức Hội thảo khoa học “Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông” nhằm lấy ý kiến thống nhất về môn học này. Chủ trì hội thảo là GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN. Về phía Bộ GD&ĐT có Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.

Số phận môn Lịch sử

Theo GS.TS Trần Thị Vinh (Khoa Sử, ĐHSP Hà Nội): Bộ GD&ĐT cho rằng rất coi trọng môn Lịch sử nhưng theo cách nhìn của chúng tôi, môn Lịch sử đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” trong CT GDPT với tư cách là một môn học độc lập. Đây là thách thức lớn chưa từng có tiền lệ đối với “số phận” của môn Lịch sử và đây cũng là điều chưa từng có trong lịch sử GDVN. Tôi cũng cho rằng trên thế giới cũng không mất quá nhiều thời gian tranh cãi về môn Lịch sử như ở VN. Tôi thống nhất cách tích hợp ở cấp Tiểu học, nhưng ở THCS tích hợp vào môn KHXH thì tôi còn băn khoăn. Đây là hướng đúng, tuy nhiên để chuẩn bị cho tích hợp thì phải chuẩn bị rất nhiều. Theo suy nghĩ của tôi việc tích hợp môn Sử vào môn KHXH ở THCS có lẽ chỉ là dưới 30%.

“Điểm tôi muốn bàn sâu là đưa Lịch sử trở thành phân môn của Công dân với Tổ quốc (bao gồm 3 phân môn Lịch sử, Giáo dục công dân, Quốc phòng - An ninh). Việc xây dựng môn học mới phải dựa trên nền tảng khoa học và cơ sở thực tiễn không thì sẽ gây xáo trộn và mất phương hướng. Việc tích hợp này trên thực tế là sự lắp ghép thiếu cơ sở khoa học, không khả thi và chưa từng có tiền lệ” – GS Vinh nhận định.

Bởi vì, theo GS Vinh, đây là 3 môn học có đối tượng, mục tiêu, phương pháp, nội dung giảng dạy hoàn toàn khác nhau. Mục tiêu quan trọng nhất của Lịch sử là giúp cho HS thông hiểu những tri thức Lịch sử cốt lõi có hệ thống về toàn bộ quá trình phát triển của lịch sử nhân loại, lịch sử dân tộc, xây dựng cho HS kỹ năng tư duy lịch sử.

Nếu so sánh với mục tiêu của Quốc phòng - An ninh và môn Giáo dục công dân thì sẽ có những khác biệt. Mục tiêu của GD Quốc phòng - An ninh là đảm bảo cho HS có những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, của lực lượng vũ trang và nghệ thuật quân sự VN.

Còn Giáo dục công dân chủ yếu là giáo dục giá trị đạo đức truyền thống và đạo đức cách mạng, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và một số kỹ năng sống cần thiết chuẩn bị cho HS gia nhập xã hội VN, hội nhập quốc tế… Như vậy 3 môn học này có định hướng khoa học khác nhau.

Trên thực tế, Lịch sử là môn khoa học mang tính bản lề, tạo nền tảng kiến thức cho việc GD đạo đức truyền thống, GD quốc phòng. Về tính khả thi, GS Trần Thị Vinh đặt câu hỏi: Ai sẽ là người dạy môn Công dân với Tổ quốc trong khi cac trường ĐHSP hiện nay ở nước ta và trên thế giới không đào tạo GV dạy những môn học lắp ghép tổng hợp như thế này?

Trong khi đó, Thượng tướng, PGS.TS Võ Tiến Trung (GĐ Học viện Quốc phòng) cho rằng: Tích hợp môn GD Quốc phòng - An ninh với các môn học khác trong cấp THPT là trái với quy định của nước ta.

Cũng có băn khoăn lớn, GS.NGND Phan Huy Lê nói: Từ trước đến nay, qua các lần cải cách GD, môn Lịch sử cùng với môn Tiếng Việt – Văn học, môn Toán đều được coi là những môn học cơ bản và bắt buộc trong hệ thống GDPT VN. Nhưng đến lần đổi mới căn bản và toàn diện nền GDPT hiện nay, qua Dự thảo mới và Cơ sở xác định cấu trúc và nội dung môn học Công dân với Tổ quốc trong của Bộ thì môn Lịch sử đã tích hợp vào các môn học khác.

Đến cấp THCS và THPT mà môn Lịch sử vẫn bị cắt xé, lấy một ít nội dung đem tích hợp với môn khác là không có cơ sở khoa học và trên thực tế là “xóa bỏ” môn Lịch sử trong nền GDPT. Trong CT THPT còn có môn Lịch sử tự chọn nhưng với SGK và cách dạy, cách học như hiện nay thì chắc chắn chẳng có mấy HS chọn môn Lịch sử. Dù Bộ GD&ĐT giải thích thế nào thì với CT mới, trên thực tế đã “khai tử” môn Lịch sử.

Lịch sử phải là môn bắt buộc

Tiếp tục nêu ý kiến, GS Phan Huy Lê nhận định: Khi một ít kiến thức Lịch sử bị cắt nhỏ rồi tích hợp tùy tiện vào một số môn khác, thì môn Lịch sử đã không còn với vị thế của một môn học trong tính toàn bộ và hệ thống của nó. Nhiều vị có mặt ở hội thảo này cũng như dư luận xã hội hết sức kinh ngạc trước chủ trương này của Bộ.

“Mọi người lo lắng rất chính đáng là là lớp trẻ lớn lên trở thành công dân mà chỉ biết lờ mờ, thậm chí biết sai về Lịch sử dân tộc, không biết cội nguồn tổ tiên, không biết những thành tựu dựng nước và giữ nước hết sức gian truân và hào hùng của ông cha, không kế thừa những truyền thống dân tộc… thì làm sao có thể viết tiếp những trang sử xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay và mai sau” - GS Lê phân tích.

Cùng chung quan điểm, PGS.TS Đinh Quang Hải - Viện trưởng Viện Sử học VN khẳng định: Sử học từ lâu là môn khoa học, cần phải được đối xử đúng là môn khoa học.

“Tôi cũng khẳng định nên để môn Lịch sử là môn bắt buộc và là một môn độc lập, đúng vị trí vai trò của môn học. Việc ghép Lịch sử thành phân môn của Công dân với Tổ quốc là thiếu cơ sở thực tiễn, chưa hề có tiền lệ. Đó là một sự ghép nối mang tính cơ học nhiều hơn”.

Đáp lại các ý kiến trong hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói: Chúng tôi không đồng tình với việc, môn Lịch sử bắt buộc đồng nghĩa với độc lập. Bắt buộc với độc lập là hai chuyện khác nhau, không phải cứ bắt buộc là phải độc lập…

“Nói về tiền lệ, nếu đổi mới mà cứ phải có tiền lệ mới làm được thì không biết có phải như thế là đổi mới không. Tất nhiên là mình phải phát huy, tôn trọng, kế thừa nhưng cũng phải có cái mới… Còn ý kiến nói, tích hợp này có thể đến năm 2030, tôi đồng ý, thậm chí sau 2030 chưa chắc đã làm tốt. Nhưng nếu mình mà không có bước bắt đầu gọi là chập chững thì sẽ không có chạy thành thạo” – Thứ trưởng phân tích.

Tổng kết lại vấn đề, GS Phan Huy Lê nhận định: Muốn khôi phục chất lượng GD môn Lịch sử cần đổi mới căn bản và toàn diện cả hệ thống GD môn Lịch sử trong nền GDPT từ nhận thức, vị thế, yếu cầu GD đến việc xây dựng lại CT, biên soạn lại SGK và nâng cao chất lượng đào tạo GV, thay đổi cách dạy, cách học và cách thi.

GS Phan Huy Lê nhắc lại nhiều lần, Công dân với Tổ quốc là một môn tích hợp tùy tiện, không có cơ sở khoa học, đề nghị Bộ GD&ĐT cần lắng nghe ý kiến các nhà khoa học và dư luận xã hội để tổ chức nghiên cứu lại một cách nghiêm túc môn học này…

Hội Khoa học Lịch sử VN cũng cho biết sẽ kiến nghị lên lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc VN cần bảo vệ Lịch sử như một môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp THCS đến cấp THPT. Tất nhiên bảo vệ môn Lịch sử cần gắn liền với yêu cầu đổi mới một cách căn bản và toàn diện hệ thống môn học để phát huy hết hiệu quả GD của môn học.

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ (nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương): Lo ngại “phá nát” môn Lịch sử

Có ý kiến cho rằng trong Dự thảo hiện nay thì thời lượng kiến thức Lịch sử ngang bằng và thậm chí còn nhiều hơn CT hiện hành. Nghe như vậy người ngoài giới sử học tưởng là nhiều nhưng thực ra không phải vậy… Chúng tôi là những người đã tham gia làm CT và viết SGK nhận thấy, nếu đầy đủ cả một môn học, hai phân môn và một chuyên đề thì rất khó mà xây dựng được CT chắc chắn, thiết thực, sẽ có sự chồng chéo, trùng lặp và phá nát môn Lịch sử. Vì lên THPT dự kiến môn Lịch sử sẽ không lặp lại kiến thức thông sử như THCS, chủ yếu dạy theo chuyên đề, chủ đề. Tôi cho rằng thà ít mà tinh, chỉ cần một môn học bắt buộc cho tất cả HS và một môn dành cho HS lựa chọn môn Lịch sử.

GS Vũ Dương Ninh (ĐHQG Hà Nội): Cần đối xử công bằng với môn Lịch sử

Trong những kỳ thi gần đây, Lịch sử được coi là môn “tự chọn” nghĩa là hoàn toàn không bắt buộc. Tuyệt đại đa số HS chuẩn bị thi khối A hoặc khối B sẽ bỏ rơi môn Lịch sử, do vậy mới có hiện tượng Hội đồng thi chỉ có 1 số rất ít HS thi Sử. Và cho đến hôm nay, dưới danh nghĩa “tích hợp”, môn Lịch sử đã biến mất khỏi CT với tư cách một môn khoa học có chức năng riêng biệt và vô cùng quan trọng, được giải thích rằng vận dụng vào môn Công dân với Tổ quốc… Quả thật, tôi không biết trên thế giới có nước nào đạy môn học mang tên này không?

Phương Linh(ghi)

Thủy Anh