Cử tri đề nghị có biện pháp bảo vệ ngư dân hữu hiệu
Ban Dân nguyện của Quốc hội mới đây đã gửi đến các ĐBQH đang dự kỳ họp thứ 10 bản tập hợp kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực giám sát của các ban thuộc QH; trong đó cử tri bày tỏ nhiều ý kiến liên quan đến tình hình tội phạm trẻ, đến lĩnh vực bảo vệ chủ quyền quốc gia…
Đáng chú ý, ở lĩnh vực quốc phòng, cử tri các tỉnh Đồng Tháp, Hà Nam, TP.HCM, Quảng Trị, Cà Mau, Hà Nội, Khánh Hòa phản ánh, hiện nay, diễn biến tại Biển Đông rất phức tạp, đe dọa chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Cử tri đề nghị tăng cường tiềm lực quốc phòng, tăng cường trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng cảnh sát biển để bảo vệ chủ quyền và hỗ trợ ngư dân; đồng thời cần quan tâm đầu tư hơn nữa đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại quần đảo Trường Sa; …
Đối với lĩnh vực ngoại giao, cử tri nhiều tỉnh tiếp tục bày tỏ thái độ bức xúc đối với những vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là hành động xây dựng đảo nhân tạo tại một số điểm thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, ngang nhiên đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam, tấn công các tàu của ngư dân Việt Nam. Cử tri kiến nghị Bộ Ngoại giao chủ động và phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo dõi, nắm chắc mọi diễn biến tình hình, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, có phương án đấu tranh, phản đối, ngăn chặn kịp thời mọi tình huống phát sinh liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cử tri Bà Rịa - Vũng Tàu bức xúc trước tình trạng các tàu cá của ngư dân nước ta liên tục bị tàu của nước ngoài tấn công, như vụ tàu cá của tỉnh Kiên Giang bị tàu Thái Lan tấn công làm cho ngư dân không yên tâm bám biển. Cử tri đề nghị Chính phủ cần có biện pháp bảo vệ ngư dân hơn nữa.
Bên cạnh đó, cử tri Tiền Giang đề nghị tăng cường các hoạt động giám sát việc thực thi các chính sách, pháp luật của cơ quan nhà nước; đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là việc xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện công tác quản lý nhà nước. Việc tổ chức triển khai và thực thi luật còn nhiều bất cập, có việc chưa đồng bộ, làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật, như vấn đề quản lý xây dựng, quản lý quy hoạch như trường hợp Tòa nhà số 8B Lê Trực, Hà Nội...
Cử tri Ninh Thuận kiến nghị trong thời gian tới cần đưa vào chương trình kỳ họp những nội dung, vấn đề đang gây bức xúc trong nhân dân để QH thảo luận, giám sát việc thực thi công vụ, trách nhiệm người đứng đầu như việc cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng tại đèo Hải Vân (Thừa Thiên - Huế); chặt cây xanh tại TP Hà Nội; dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai…
Đáng chú ý, cử tri nhiều tỉnh đề nghị hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự xuống còn 16 tuổi nhằm xử lý hình sự thật nghiêm các đối tượng vi phạm, nhất là đối với các hành vi phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng của các đối tượng vị thành niên. Nâng mức phạt tù đối với người phạm tội từ 16 - 18 tuổi. Hiện nay mức phạt tù cao nhất là 18 năm tù chưa đủ sức răn đe, giáo dục chung.
Cử tri TP.HCM đề nghị cần cân nhắc thận trọng khi xét đặc xá hay khoan hồng, giảm án cho nhóm đối tượng tội phạm vị thành niên. Có cử tri đề xuất, đối với người chưa đủ tuổi thành niên có hành vi phạm tội nghiêm trọng cần áp dụng hình phạt cải tạo tập trung thay vì giáo dục tại cộng đồng để tránh gây tâm lý bất ổn trong xã hội.
Nhóm PV
ĐBQH Dương Trung Quốc: Tích hợp là xóa sổ một đạo luật Tôi rất thông cảm với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, vì đây là Bộ có đặc thù công việc gắn với những vấn đề dân sinh, bức xúc. Vì vậy, chúng tôi luôn lưu ý Bộ trưởng cần rất thận trọng trong làm chính sách, vì đối tượng tác động là cả một thế hệ. Chính sách được ban hành không chỉ tác động đến đối tượng học sinh, mà gắn với học sinh là cha mẹ học sinh. Nhưng hình như Bộ GD-ĐT đã quá tự tin nên cảm giác đổi mới giáo dục như là triển khai một dự án, trong khi đây là chủ trương rất lớn. Những điều này đã khiến có sự chênh trong nhận thức xã hội, dẫn đến bức xúc không đáng có. Chẳng hạn, dư luận đang rất bức xúc với việc tích hợp môn Lịch sử, nhưng đây không phải là việc đơn giản. Bộ nói tích hợp 3 môn Lịch sử, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng- an ninh, làm sao có thể làm như vậy trong khi Luật Giáo dục quốc phòng an ninh vừa thông qua và đang triển khai. Tích hợp là xóa sổ một đạo luật. Đây không phải là quyền hạn của một bộ. Vì vậy phải thận trọng, không thể nói giờ tôi làm xong rồi tôi mới trình chỉnh sửa luật. Đây không phải tư duy của hành pháp. Tôi cho rằng, điều bất cập chính là cách làm việc. Bộ khẳng định không bỏ môn Lịch sử, vẫn là môn bắt buộc, thời lượng dành cho sử nhiều hơn. Nhưng nếu học mà không thi các cháu không học nữa, thế có nghĩa là khai tử. Tôi không nói khai tử là ở cái tên. Tất nhiên tên cũng quan trọng. Nhưng quan trọng nhất là một bộ môn truyền thống mà chúng ta không vực dậy mà lại đòi thay thế bằng môn chưa biết nó là cái gì. PV (ghi) |