Lao động di cư trái phép: Thực trạng và giải pháp
Theo kết quả khảo sát của ngành lao động và công an tại 10 địa phương giáp biên giới phía Bắc, từ năm 2011 đến nay đã có trên 20 vạn người đi lao động thời vụ tại Trung Quốc, trong đó nữ chiếm tới 60%. Trong khi đó, giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa có thỏa thuận về việc hợp tác lao động.
Lao động di cư tự do thường gặp nhiều bất trắc. Ảnh: TL.
Bài 1: Rủi ro khôn lường
Công việc nặng nhọc phải làm việc với cường độ cao, ở trong điều kiện tồi tàn, đã có không ít trường hợp rủi ro bị chết do tai nạn lao động, tai nạn giao thông. Đây là những rủi ro mà lao động di cư thường gặp khi vượt biên trái phép đi làm việc.
Những con số đáng báo động
Trước thực trạng lao động nữ dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc làm thuê qua biên giới ngày càng gia tăng, năm 2015 Trung ương Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực trạng, nhu cầu của Phụ nữ dân tộc thiểu số lao động di cư qua biên giới tại 3 tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn và Sơn La. Đồng thời tổ chức thu thập thông tin, báo cáo từ 10 tỉnh có biên giới giáp Trung Quốc, Lào, Campuchia. Kết quả khảo sát cho thấy, số lượng phụ nữ làm thuê qua biên giới ngày càng gia tăng, phần lớn là những lao động có trình độ thấp vượt biên sang làm công việc phổ thông với cường độ thời gian từ 9-10h/ngày và phải ở trong những khu nhà tạm bợ tối tăm để trốn tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức trách Trung Quốc.
“Những phụ nữ vượt biên lao động trái phép thường tập hợp thành nhóm để nhận những công việc đơn giản như trồng chuối, trồng dứa, thu hoạch nông sản, trồng cao su...Nhóm lao động này thường quây lều tại chỗ làm việc, ban ngày làm việc, ban đêm ngủ tại lều. Thu hoạch xong tự giải tán.Về thu nhập tùy công việc mà người lao động nhận được mức thu nhập khác nhau, tuy nhiên trung bình tiền công một ngày dao động từ 200 đến 300 ngàn đồng”-Báo cáo cho hay.
Là tỉnh đứng đầu về số lượng lao động xuất cảnh trái phép qua biên giới, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn cho biết, mặc dù tỉnh đã có nhiều chính sách như dạy nghề, tạo công ăn việc làm giúp người dân ổn định cuộc sống tuy nhiên số lượng phụ nữ qua biên giới tìm việc vẫn không hề giảm, trái lại còn tăng. Theo thống kê trong 4 năm từ năm 2010 đến năm 2014 trên địa bàn tỉnh đã có trên 36.000 lượt phụ nữ vượt biên đi làm thuê trái phép tại Trung Quốc. Trong đó 569 phụ nữ bị bắt, trao trả, 2 phụ nữ bị chết, 171 phụ nữ bị Trung Quốc xử lý.
Tương tự, tại tỉnh Cao Bằng thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng cho thấy, tình trạng người dân vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê từ năm 2011 đến hết tháng 9 năm 2015, cả tỉnh có khoảng 27.000 lượt lao động sang Trung Quốc làm thuê, chủ yếu là nông dân, dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong độ tuổi từ 25 -50 tuổi, trong đó phụ nữ chiếm 60%. Đáng lo ngại hoạt động này chủ yếu diễn ra tự phát, không tuân thủ theo quy định pháp luật (không có giấy tờ, không đi qua cửa khẩu), thường tập hợp thành từng nhóm vượt biên qua các đường mòn, lối mở hai bên biên giới.
Những rủi ro khôn lường
Theo kết quả khảo sát, do phần lớn lao động di cư trái phép đều là lao động phổ thông, không có tay nghề, trình độ văn hóa thấp. Trong khi đó hợp đồng lao động giữa họ với chủ thường không được kí kết, chỉ là thỏa thuận miệng với chủ sử dụng lao động về mức lương và điều kiện làm việc. Chính vì vậy, người lao động đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro như: Phải làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại với cường độ 12h/ngày, nhưng nhiều lao động không nhận được mức lương như thỏa thuận. Nhiều lao động bị quỵt lương, bị quản lý chặt chẽ đối xử ngược đãi. Thậm chí bị cưỡng bức lao động, bị tai nạn lao động dẫn tới tử vong nhưng không nhận được sự hỗ trợ nào, vì giữa người lao động di cư trái phép nên không được pháp luật bảo vệ.
“Giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa có thỏa thuận về việc hợp tác lao động. Vì vậy số lao động thời vụ Việt Nam sang Trung Quốc hầu như trái pháp luật. Ngoài những rủi ro trên, nhiều lao động còn trở thành nạn nhân của đường dây mua bán người”-đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết.
Đánh giá về thực trạng lao động vượt biên qua biên giới, ông Vũ Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Dân tộc-Tôn giáo, Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết: Thời gian qua tình hình người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê có chiều hướng gia tăng. Đáng lo ngại không chỉ lao động ở các huyện biên giới mà lao động ở các huyện, tỉnh nội địa khác cũng tham gia sang Trung Quốc làm thuê tự phát. Hầu hết số này đều vi phạm các quy định về quản lý xuất nhập cảnh.
“Người lao động sang Trung Quốc chủ yếu là nông dân ở các khu vực nông thôn chưa qua đào tạo nghề, trình độ nhận thức chấp hành pháp luật còn hạn chế, nên dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo. Không có giấy phép, không giấy tờ xuất nhập cảnh, có một số người đã bị phía Trung Quốc bắt, giam giữ tịch thu tài sản, phạt tiền, phạt lao động công ích, bị đẩy về nước qua đường mòn...Đặc biệt, có trường hợp bị ốm đau, suy kiệt sức khỏe, đã có trường hợp rủi ro bị chết do tai nạn lao động, tai nạn giao thông”-ông Vũ Hải cho biết.
Thống kê của Cục Tham mưu Cảnh sát-Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an cũng cho thấy, từ năm 2011 đến tháng 6-2015 tại 10 tỉnh (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Yên Bái và Bắc Cạn) đã xảy ra 755 vụ mua bán người, liên quan đến 1.144 đối tượng lừa bán 1.469 nạn nhân. Trong đó, trên 25% tổng số vụ liên quan đến đưa người sang Trung Quốc lao động thời vụ rồi bị lừa bán và có trên 100 vụ có dấu hiệu phạm tội mua bán người với hành vi cưỡng bức lao động.
Lan Hương – Khánh Vân
Bài 2: Cần có cơ chế đảm bảo di cư an toàn