Lỗi tại ai?
Tu bổ, tôn tạo, sửa chữa và xây mới… không xin phép, kiểu “tiền trảm hậu tấu” trong khuôn viên các di tích, danh thắng cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt, hoặc đã được phong danh hiệu lâu nay đã trở thành “bệnh” khó chữa.
Công trình sai phạm tại chùa Hương (Hà Nội)
Vừa cách đây ít ngày dư luận xôn xao việc Cty Tùng Lâm tu bổ tôn tạo di tích trong quần thể danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) mà chưa hề được cấp phép. Thậm chí khi sai phạm đã được phát hiện, đã có yêu cầu tạm dừng nhưng chủ đầu tư và đơn vị thi công vẫn phớt lờ… Thì mới đây nhất, dư luận lại bức xúc với công trình xây dưng vi phạm trong quần thể danh thắng chùa Hương (Hà Nội).
Theo đó, sau khi kiểm tra Sở VHTT Hà Nội xác nhận công trình này được xây dựng phía bên phải chùa Thiên Trù thuộc khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, ngay tại khu vực bảo vệ cấp 1 của di tích, được xây dựng với quy mô lớn, cao 3 tầng, to hơn chùa Thiên Trù, không hài hòa với không gian tôn nghiêm của di tích. Hơn nữa, công trình được xây dựng mà không có hồ sơ xin phép xây dựng gửi các cơ quan có thẩm quyền như Sở VHTT Hà Nội, Bộ VHTT&DL.
Trước những sai phạm trên, Sở VHTT Hà Nội đề nghị UBND huyện Mỹ Đức hướng dẫn các bộ phận trông coi di tích thực hiện nghiêm các quy định của Luật Di sản văn hóa và hệ thống các văn bản liên quan trong việc quản lý bảo vệ, tu bổ và tôn tạo, phát huy giá trị di tích.
Nếu tính cả vụ việc tái vi phạm trong tu bổ tôn tạo chùa Trăm Gian mới đây, có thể thấy, chỉ nội trong vòng gần 2 tháng, hai di tích lớn của Hà Nội đang ngang nhiên vượt cấp để tự ý tu bổ, chưa kể cách làm từ “sai nhỏ nở to thành sai lớn”. Trong đó, về quy định Luật Di sản văn hóa về nguyên tắc xây dựng là phải xin phép, có hồ sơ thỏa thuận với các cơ quan chuyên môn. Đặc biệt, với chùa Hương là di tích cấp quốc gia nên những công trình tu bổ, tôn tạo, xây dựng đều phải có thỏa thuận với cơ quan quản lý chuyên ngành mà cụ thể ở đây là Bộ VHTT&DL.
Cụ thể, về lỗi thì theo Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL cho biết, bước đầu có thể nhận định công trình này có 3 sai phạm. Cái sai đầu tiên là sai về quy trình. BQL di tích danh thắng Hương Sơn và Sở VHTT Hà Nội không báo cáo lên Bộ VHTT&DL; UBND huyện cho phép xây dựng là vượt quá thẩm quyền...
Trong các số báo trước, chúng tôi cũng đã đề cập cụ thể đến vai trò, trách nhiệm của BQL di tích, của chính quyền địa phương sở tại, những bộ phận chuyên ngành quản lý ngành dọc của Bộ VHTT&DL (Cục Di sản, Thanh tra văn hóa)… trong việc để xảy ra lỗi xâm phạm di tích đã được công nhận. Nhưng phải nhìn nhận thật công bằng, những máy móc trong cấp phép, tưởng là một cửa nhưng phải mở rất nhiều lớp khóa lâu nay đã khiến một số BQL di tích có tâm lý tặc lưỡi đành “tiền trảm hậu tấu”…
Trong khi ngân sách Nhà nước cấp cho tu bổ tôn tạo di tích hàng năm có hạn; trong khi chúng ta đang đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa bảo tồn di sản; trong khi luật còn kẽ hở và chế tài chưa đủ mạnh. Cùng với trình độ tu bổ di tích của các đơn vị có hạn… thì việc BQL di tích mắc những sai phạm là chỉ là việc sớm hay muộn. Thế nên không biết rồi cuối cùng lỗi thuộc về ai?