Bài 2: Tạo cơ chế đảm bảo di cư an toàn
Di cư lao động quốc tế là quy luật khách quan toàn cầu, do đó việc thực hiện các giải pháp quản lý không nên máy móc, cứng nhắc mà cần chuyển từ hình thức di cư lao động không an toàn thành di cư an toàn, nhất là đối với phụ nữ.
Ảnh minh họa.
Đây là những vấn đề được đặt ra tại hội thảo: Thực trạng lao động nữ dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc làm thuê qua biên giới do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Giang.
Thiếu việc làm, đời sống bấp bênh
Theo Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, hoàn cảnh gia đình được xem là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định di cư của phụ nữ dân tộc thiểu số. Theo đó, do công việc tại địa phương không ổn định, thiếu việc làm, cuộc sống bấp bênh, đói nghèo đã khiến phụ nữ bất chấp mọi rủi ro để di cư qua biên giới tìm cơ hội việc làm.
Ông Vũ Hồng Hải, Vụ Trưởng Vụ Vụ Dân tộc-Tôn giáo, Ban Chỉ đạo Tây Bắc cũng cho rằng, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển cho đồng bào các dân tộc thiểu số, tuy nhiên đời sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 2 lần tỷ lệ nghèo trung bình của cả nước, có nơi còn thiếu ăn từ 1 đến 3 tháng trong năm. “Hiện công tác giải quyết việc làm cho người lao động của các ngành chức năng chưa đồng bộ, hiệu quả thấp, dẫn đến lao động dư thừa , buộc người lao động phải tự tìm kiếm việc làm, dẫn đến tình trạng xuất cảnh sang Trung Quốc trái phép để làm thuê tự phát” – Ông Vũ Hồng Hải cho biết thêm.
Qua khảo sát thực tế ở nhiều hộ gia đình có lao động di cư cho thấy, đa phần những lao động di cư không có trình độ, tay nghề cuộc sống mưu sinh chủ yếu dựa vào chăn nuôi, làm nương rẫy. Do đó với mức thu nhập từ 200-300 ngàn đồng/ngày cao hơn rất nhiều so với thu nhập từ địa phương. Đây cũng chính là lý do được các địa phương đề cập nhiều khi nói tới thực trạng vượt biên trái phép.
Giải pháp nào?
Phụ nữ di cư lao động qua biên giới có những tác động tiêu cực đến gia đình vì khi người mẹ, người bố di cư, trẻ em đứng trước nguy cơ bỏ học và vi phạm pháp luật do không có người quản lý. Về phía địa phương công tác quản lý gặp nhiều khó khăn do người di cư không thông báo. Đáng chú ý ở nhiều địa phương do số lượng người dân di cư quá lớn khiến nhiều chương trình, chính sách không thực hiện được vì không có người dân tham gia.
Thực tế cho thấy, thời gian qua mặc dù đã có nhiều giải pháp cấp bách và lâu dài đã được triển khai như, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, chính sách lao động, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức để người dân cảnh giác với thủ đoạn của tội phạm. Đồng thời tích cực tạo công ăn việc làm giúp người dân ổn định sinh kế, tuy nhiên quá trình thực thi các giải pháp vẫn đang gặp nhiều thách thức, rào cản.
Phản ánh từ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Điện Biên cho biết, hiện công tác truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật vẫn còn dàn trải chưa sâu rộng nên người nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn thiếu hụt thông tin về phòng chống mua bán người, xuất nhập cảnh cũng như chính sách lao động... Trong khi đó, công tác quản lý người lao động di cư, quản lý nhân hộ khẩu còn sơ hở. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến tình trạng di cư trái phép năm sau luôn tăng hơn năm trước.
Tổng hợp báo cáo các địa phương cũng chỉ ra rằng, tình trạng người lao động bị bán vào làm việc tại các trang trại, hầm mỏ và các đồn điền của Trung Quốc thậm chí bị cưỡng bức lao động có xu hướng gia tăng. Trong khi đó nhận thức của người lao động về nguy cơ và rủi ro dẫn đến buôn bán người thông qua cưỡng bức lao động rất thấp (chiếm khoảng 12%) thậm chí họ không quan tâm, chấp thuận rủi ro (chiếm 58%) và khi gặp rủi ro trên 62 % họ nhờ bạn bè, người thân giúp đỡ, rất ít người tìm đến các cơ quan chức năng.
Xuất phát từ thực trạng trên, để hạn chế vấn đề vượt biên đi lao động trái phép, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, với những công dân muốn đi làm hợp pháp ở Trung Quốc cần có cơ chế chính sách giải quyết theo phương thức XKLĐ ngắn hạn chính ngạch đồng thời thực hiện các biện pháp quản lý, hỗ trợ tư vấn bảo hộ quyền lợi chính đáng cho người dân.
“Trước mắt các địa phương cần triển khai cấp bách đàm phán và ký kết “Biên bản thỏa thuận nguyên tắc về quản lý lao động phổ thông giữa các tỉnh biên giới Việt Nam với các tỉnh, khu tự trị biên giới Trung Quốc” - Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đề xuất.