Cầu nối giữa ý Đảng lòng dân
Với trách nhiệm và uy tín, trong những năm qua, các vị già làng, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã trở thành cầu nối truyền tải kịp thời chủ trương của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào, nhờ đó đã tạo sự gắn bó, đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng các dân tộc anh em.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, MTTQ tỉnh Đắk Lắk tặng quà các già làng,
người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Từ quê hương Cao Bằng vào Đắk Lắk lập nghiệp năm 1996, hơn 600 hộ đồng bào dân tộc Mông ở xã Cư San, huyện M’Đrắk vẫn còn nhớ như in những ngày khó khăn vất vả khi mới bước chân lên vùng đất cao nguyên đại ngàn. Thế nhưng, từ nguồn đầu tư của Trung ương, các cấp chính quyền địa phương và nỗ lực của người dân đến nay diện mạo vùng quê nơi đây ngày càng khởi sắc. Các công trình điện, đường, trường, trạm được đầu tư khang trang đã giúp đời sống của bà con các buôn làng ngày càng phát triển. Trẻ em không còn tình trạng nghỉ học vì trường xa, dân trí người dân được cải thiện đáng kể.
Đặc biệt việc áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất đã được chú trọng nhờ đó năng suất cây trồng ngày một tăng. Tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Do được tuyên truyền, vận động nên người dân đã dần bỏ các hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi. Khi bị bệnh người dân không còn mời thầy cúng như trước mà chủ động tới trạm y tế xã để khám, lấy thuốc.
Không chỉ dựa vào đầu tư của Nhà nước mà người dân đã hăng hái trong việc hiến đất xây nhà sinh hoạt cộng đồng, hiến đất làm đường. Đến nay trên các buôn làng đã có đường bê tông, đường nhựa, đường cấp phối hoàn chỉnh tạo điều kiện đi lại sản xuất của bà con nên ai cũng phấn khởi. Đặc biệt việc Nhà nước đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt đã giúp bà con không còn bị các bệnh ngoài da, bệnh đường ruột…
Ông Ma Seo Cù, người uy tín trong đồng bào dân tộc Mông ở thôn 9, xã Cư San, huyện M’Đrắk cho biết: “Lúc mới vào đây, lạ nước lạ cái nên người dân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Để chống đói, bà con phát rẫy trồng bắp, trồng mì. Đến năm 2000, bà con được UBND xã, UBND huyện cấp đất ở, đất canh tác nên ai cũng vui mừng. Giờ có điện, có nước, có đường xá đi lại thuận lợi nên đời sống của người dân ngày càng khấm khá. Không còn phải sợ cái đói nữa”.
Từng là cán bộ ở xã gắn bó mật thiết với bà con, đến khi được tín nhiệm làm cán bộ huyện và giờ về nghỉ hưu nhưng bà Hbliak Niê (nguyên là Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin), vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác vận động bà con ở các buôn làng chăm chỉ làm ăn, vươn lên xóa đói giảm nghèo và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Còn nhớ năm 2004, một giai đoạn được xem là “nhạy cảm” ở Tây Nguyên, ở các buôn làng nhiều người đã nghe theo lời kẻ xấu bỏ bê sản xuất đi biểu tình, bà cùng nhiều cán bộ đã tích cực vận động các nông trường, công ty trên địa bàn chuyển hơn 200 ha đất cho địa phương quản lý và cấp cho 520 hộ thiếu đất sản xuất. Cùng với đó bà còn vận động 300 hộ gia đình tự san sẻ nhau đất ở và đất sản xuất. Nhờ cách làm sáng tạo đó nhiều bà con đã trở về buôn làng chăm chỉ sản xuất ổn định cuộc sống.
Đặc biệt, trong các năm 2012 – 2013, bà H’Bliăk Niê đã vận động được 500 người tham gia chương trình xuất khẩu lao động và hơn 1.000 bà con đi lao động ở các địa phương khác. Nhờ đó 2/3 số hộ có người xuất khẩu lao động đã thoát được nghèo. Cuộc sống của nhiều bà con đang ngày càng được cải thiện, đến nay rất nhiều hộ đồng bào DTTS đã có cuộc sống sung túc, nhiều nhà đã sắm được công cụ sản xuất hiện đại, vô tuyến, xe máy…
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, công tác vận động, hướng các tín đồ tôn giáo sống phúc âm giữa lòng dân tộc cũng được các chức sắc, chức việc đặc biệt quan tâm.
Xã Ea Tul, huyện Cư Mgar có 13 thôn, buôn, với gần 12.000 hộ dân, trong đó 95% là người dân tộc thiểu số và trên 2.800 tín đồ sinh hoạt trong Chi hội thánh Tin Lành xã. Với vai trò quản nhiệm Chi hội thánh Tin Lành xã Ea Tul, mục sư Y Ky Êban luôn hướng cho các tín đồ phải sống tốt, có trách nhiệm với bản thân và xã hội, vận động giáo dân nhắc nhở con cháu không vi phạm pháp luật.
Ông Y Dec H’Đơk-Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Đắk Lắk cho biết, thông qua các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận phát động, cùng với vai trò của già làng, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc trên địa bàn vận động tuyên truyền, nhân dân ở các khu dân cư đã cùng nhau đóng góp công sức, tiền của xây dựng cơ sở hạ tầng làm cho bộ mặt các thôn, buôn ngày càng đổi thay, phát triển.
Chỉ tính từ năm 2011-2014, nhân dân đã đóng góp hơn 767,5 tỷ đồng làm mới và sửa chữa đường giao thông, kênh mương thủy lợi, hiến trên 350.000 m2 đất, góp hơn 71.600 ngàn ngày công lao động...
Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh đã có 7 xã của huyện, thành phố được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 43 xã đạt 13-18 tiêu chí; 34 xã đạt 10-12 tiêu chí, 62 xã đạt 5-9 tiêu chí…