Việc làm cho người khuyết tật: Vẫn còn nhiều trở ngại
Ngày 18/11, tại TP HCM, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực người khuyết tật (DRD) tổ chức Hội thảo “Người khuyết tật –thách thức và cơ hội việc làm” thu hút đông đảo thành viên, người khuyết tật (NKT) trong các câu lạc bộ, hội nhóm NKT và đại diện một số đơn vị, doanh nghiệp của các tỉnh phía Nam tham gia.
Người khuyết tật luôn mong muốn có việc làm ổn định.
Hội thảo nhằm đẩy mạnh thay đổi nhận thức và khuyến khích các doanh nghiệp cùng đồng hành với NKT để tạo cơ hội việc làm và giúp họ có thể tìm kiếm, giữ được việc làm để ổn định, hòa nhập vào cộng đồng.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Lưu Thị Ánh Loan – Quyền Giám đốc DRD cho biết, NKT có quyền tham gia tất cả các hoạt động để có được cuộc sống như bao người bình thường. NKT đều mong muốn có thể được học nghề, được tuyển dụng làm việc và có thu nhập nuôi sống bản thân. Với mong muốn giúp NKT tìm kiếm việc làm, DRD đã xây dựng Dự án việc làm dành cho NKT và được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Ai len, một số doanh nghiệp tham gia hỗ trợ. Đến nay, Dự án đã hỗ trợ giới thiệu việc làm cho hơn 200 NKT có việc làm ổn định.
Tuy nhiên, đó chỉ là một phần kết quả khiêm tốn, còn rất nhiều NKT khi đến DRD vẫn gặp trở ngại, bị khước từ cơ hội việc làm với nhiều nguyên nhân. Bản thân NKT gặp quá nhiều rào cản để có thể hòa nhập vào cộng đồng, trong đó chọn và học được nghề phù hợp để có việc làm là một quá trình khó khăn, nhiều thách thức.
Cùng quan điểm, ông Lê Hữu Thương – Phụ trách bộ phận việc làm của DRD cho rằng, khó khăn, thách thức với vấn đề việc làm cho NKT đó là do chính bản thân NKT và yếu tố xã hội. Đa phần NKT có tâm lý tự ti, mặc cảm với hoàn cảnh nên rất khó để bắt đầu định hướng lựa chọn nghề nghiệp và có cơ hội tìm kiếm việc làm tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đối với xã hội còn nhiều vấn đề thách thức trước cơ hội việc làm cho NKT như: nhiều chính sách Nhà nước dành cho NKT vẫn còn bất cập, đơn cử chính sách đào tạo nghề cho NKT chỉ chủ yếu là đào tạo nghề ngắn hạn, học khoảng 3-6 tháng thì NKT chưa vững tay nghề nên doanh nghiệp nhận vào làm lại phải đào tạo lại. Đó là chưa kể tại các doanh nghiệp, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa được thiết kế phù hợp với NKT để làm việc nên có trường hợp NKT dù được nhận việc nhưng chỉ duy trì được thời gian ngắn là nghỉ.
Theo anh Nguyễn Thanh Hoài – thành viên Câu lạc bộ NKT tỉnh Sóc Trăng, bản thân NKT thực sự gặp khó khăn, trở ngại lớn khi học và kiếm việc làm. Do đó, mong muốn của nhiều NKT là được xã hội, doanh nghiệp cùng đồng hành hỗ trợ thiết thực với nhiều hoạt động về tư vấn, tham vấn và hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm và tuyển dụng NKT. Vì khi NKT đã có được việc làm là một trong những thước đo khẳng định giá trị bản thân và có đóng góp cho gia đình và xã hội.