Nửa vời
Thông tư 20 về quy định nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng bị “phá sản”, các Bộ ngành đang trông chờ hiệu quả từ Thông tư 23 để Việt Nam không thành bãi rác công nghệ của thế giới. Song với quy định mới có phần thiếu chặt chẽ và nửa vời thì mục tiêu quản lý liệu có thành công?
Thay đổi về quy định nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng của Bộ Khoa học Công nghệ hy vọng giúp cộng đồng DN “dễ thở” phần nào. Tuy nhiên, xét kỹ lưỡng các khía cạnh thì Thông tư 23 chưa tiến bộ hơn với Thông tư 20 bao nhiêu. Bởi vì, quy định 10 năm tuổi cho tất cả chủng loại máy móc quá khiên cưỡng và bất hợp lý. Thực tế cho thấy, có những máy móc - trang thiết bị chỉ có thời hạn sử dụng hơn 10 năm nhưng có những loại máy móc tuổi đời có thể lên đến vài chục năm. Hình thức “đánh đồng” như quy định mới chưa thực sự mở lối cho DN.
Trước kia, khi nói đến Thông tư 20 (quy định nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng), giới doanh nghiệp (DN) sản xuất cảm thấy mệt mỏi và cho rằng đó là quy định “không đâu vào đâu”. Quy định này vừa gây khó cho DN vừa không khả thi. Nhằm tạo điều kiện tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Khoa học Công nghệ quyết định tháo bỏ “nút thắt” vướng víu bấy lâu nay. Theo thông tư mới, thiết bị máy móc nhập khẩu đã được tăng tuổi thọ thêm 5 năm, tức là không quá 10 năm. Bên cạnh đó, Bộ còn gỡ bỏ quy định chất lượng máy móc phải đạt 80%, thay bằng các tiêu chuẩn trong và ngoài nước.
Thiết nghĩ nếu áp dụng vòng đời cho máy móc cần có những quy định cụ thể để xác định cho từng trang thiết bị, dây chuyền sản xuất với từng lĩnh vực cụ thể. Và, yêu cầu đặt ra cần có một đơn vị chuyên ngành xác định đúng các điều kiện tương ứng. Lý do, có nhiều ý kiến cho rằng, trường hợp đã quản lý nhập khẩu máy móc nhằm phòng, chống Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ của thế giới thì phải làm rõ ràng, cụ thể. Trường hợp, chỉ đưa ra quy định một cách chung chung sẽ không thể tránh khỏi tình trạng bắt bẻ, làm khó dễ DN nhập khẩu. Điều này vô hình trung tạo điều kiện thuận lợi cho những tiêu cực không đáng có trong nhập khẩu máy móc cũ.
Không riêng quy định giới hạn về độ tuổi cho máy móc thiết bị, sự nới lỏng chất lượng máy móc cũng đặt ra vấn đề đáng quan tâm. Theo đó, trong Thông tư 23, Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện biện pháp thả nổi quy định chất lượng máy móc mà trước đó Thông tư 20 đưa ra chuẩn chất lượng là 80%. Lý giải cho sự thả lỏng về chất lượng máy móc Bộ Khoa học và công nghệ cho rằng, thiếu đội ngũ chuyên ngành giám định, hơn nữa giám định sẽ gây tắc nghẽn khi thông quan, đội thêm chi phí và thủ tục gây phiền phức cho DN…
Thông tư 20 về quy định nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng bị “phá sản”, các Bộ ngành đang trông chờ hiệu quả từ Thông tư 23 để Việt Nam không thành bãi rác công nghệ của thế giới. Song với quy định mới có phần thiếu chặt chẽ và nửa vời thì mục tiêu quản lý liệu có thành công?