Kinh tế sau 30 năm đổi mới: Tăng cường đầu tư công nghệ cao

Duy Phương 20/11/2015 08:47

“Việt Nam có thể bước chân vào nền kinh tế toàn cầu, có những thành tựu về xuất khẩu được thế giới ghi nhận, và quan trọng là đã tiến được những bước khá xa trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa… những thành quả nói trên là sự nỗ lực của chúng ta trong suốt 30 năm đổi mới”- Các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam nhận định tại Diễn đàn “30 năm đổi mới kinh tế Việt Nam từ góc nhìn so sánh” do Viện Kinh tế Việt Nam (VIE) tổ chức ngày 19/11, tại Hà Nội. 

Sử dụng công nghệ hiện đại, doanh nghiệp mới có thể nâng sức cạnh tranh.

Chuyển biến ấn tượng

Nhấn mạnh về những thành tựu của kinh tế Việt Nam trong 30 năm đổi mới, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng VIE cho rằng: Thành tựu quan trọng bậc nhất 30 năm đổi mới chính là việc chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp - dựa trên nền tảng là kinh tế nông nghiệp nông dân cổ truyền - sang nền kinh tế thị trường. Nhờ đó, đất nước thoát khỏi phương thức phát triển lạc hậu, chuyển sang sức mạnh của tư duy phát triển mới, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Biểu hiện rõ nhất ở mức tăng trưởng kinh tế cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, ngoại thương phát triển, thu hút nhiều nguồn vốn FDI và ODA.

Tiếp tục nhấn mạnh về những thành quả của 30 năm qua, TS Trần Đình Thiên nêu quan điểm: Thực hiện chính sách đổi mới đã giúp mang lại nguồn sinh khí mới cho phát triển. Kinh tế xã hội nước ta đã tiến vượt bậc trên nhiều phương diện và cũng được thế giới ghi nhận.

Từ một nước nông nghiệp thuộc nhóm nghèo nhất thế giới, với mức tăng trưởng GFP bình quân đầu người chỉ đạt 98USD, Việt Nam đã gia nhập nhóm nước thu nhập trung bình thấp vào năm 2011 và đến năm 2013, GDP bình quân đầu người đạt 1.910 USD. Con số này gấp 7 lần năm 2000 và 9,5 lần năm 1986. Đó thực sự là những bước chuyển biến ấn tượng. Theo Viện trưởng VIE, điểm nổi bật trong thành tựu tăng trưởng của Việt Nam không chỉ nằm ở tốc độ tăng trưởng cao, mà còn cả ở tính bao trùm. Thể hiện ở tỷ lệ nghèo từ mức cao trên 85% dân số của năm 1993, giảm tới hơn 70% chỉ sau đó 10 năm ( năm 2013, tỷ lệ nghèo chỉ còn 13%). Điều quan trọng là số hộ nghèo cùng cực (thu nhập 1,25 USD/ngày) gần như “biến mất”.

Điểm nổi bật, minh chứng rõ nhất chính là trong 3 thập kỷ qua, Việt Nam được thế giới biết đến chủ yếu là nền kinh tế gia công, thì nay vẫn là nền kinh tế gia công trong mắt các DN nước ngoài. Chúng ta vẫn chủ yếu sản xuất dựa vào lực lượng lao động hùng hậu là chính, chứ không phải dựa vào chất xám, đầu tư cho khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Làm sao nâng sức cạnh tranh?

TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu ra một thực tế đáng suy ngẫm về nguồn nhân lực hiện nay của Việt Nam: Đó là, số liệu thống kê của ngành chức năng năm 2012 cho biết, lực lượng lao động không có chuyên môn kỹ thuật của Việt Nam chiếm tới gần 60% trong khi trình độ cao đẳng, đại học trở lên chỉ đạt chưa đến 10%. “Với lực lượng lao động thiếu và yếu về chuyên môn, kỹ thuật như vậy, chúng ta có thể cạnh tranh bằng cách nào?” – TS Lê Xuân Bá đặt câu hỏi.

Mặc khác, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phần lớn các DN vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, công nghệ của những năm… 1970, trong khi thế giới cứ 5 năm lại đổi mới công nghệ một lần, vậy làm sao có thể nâng cao được năng suất lao động, cải thiện được năng lực cạnh tranh?

Còn theo TS Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính từ thời điểm Việt Nam bước chân vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đến nay, chúng ta đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế quốc tế cả đa phương và song phương. Điều đó khẳng định sự lớn mạnh của nền kinh tế nước nhà, bởi khi chúng ta đã hội nhập kinh tế, có nghĩa chúng ta đã hoàn toàn tự tin vào khả năng của mình để có thể bước vào sân chơi toàn cầu. Tuy nhiên, trong gần 2 thập kỷ qua, kể từ thời điểm Việt Nam tham gia WTO, một yếu tố quan trọng mà Việt Nam rất cần phải thực hiện là “nâng cao sức cạnh tranh” thì chúng ta lại chưa thực hiện được.

Thừa nhận những thành quả của nền kinh tế xã hội nước nhà sau 30 năm đổi mới, song theo các chuyên gia kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng tất yếu và ở đó, dứt khoát không có chỗ cho những phương thức sản xuất lạc hậu, nguồn nhân lực thiếu chuyên môn kỹ thuật cao… Bởi vậy, hầu hết các diễn giả tại Diễn đàn kinh tế “30 năm đổi mới kinh tế Việt Nam từ góc nhìn so sánh” đều cho rằng, Việt Nam nhất thiết phải tập trung vào 4 trụ cột của kinh tế tri thức bao gồm: Phát triển khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, công nghệ thông tin và cải thiện môi trường kinh doanh.

Duy Phương