Người Việt ở Pháp

Minh Liên 22/11/2015 08:10

Ở Pháp hiện có khoảng 300.000 người Việt thuộc nhiều thế hệ đang sinh sống và làm việc, tập trung nhiều nhất là ở Paris. Nhiều thập kỉ qua, bà con luôn có các hoạt động hướng về quê hương. Sau vụ khủng bố kinh hoàng tại Paris vừa qua, cũng giống như người dân nước sở tại, tâm lý của người Việt ở đây đã dần ổn định và trở lại cuộc sống thường ngày.

Người Việt ở Pháp

Làm nem để bán gây quỹ học bổng tặng cho các trẻ em nghèo hiếu học ở
Việt Nam - một hoạt động ý nghĩa của người Việt tại Pháp.

Anh Dai Bui, một người Việt sống tại Pháp đã hơn 20 năm và hiện đang làm việc tại Tòa thị chính Paris kể lại: Sau khủng bố người dân Paris vẫn sinh hoạt bình thường và vẫn đi hiến máu cứu người bị thương. Dù rằng một số lớn người không ra khỏi nhà như khuyến cáo của chính quyền. Các chợ trời lớn nhỏ đều đóng cửa, kể cả Tháp Eiffel- biểu tượng của Paris. Chỉ có các cửa hàng thực phẩm nhỏ là mở cửa. Sau vụ khủng bố, một số người Việt đã đến Nhà thờ Đức bà, cùng với người dân sở tại cầu nguyện cho những nạn nhân khủng bố.

Thế nhưng chỉ một tuần sau, cuộc sống ở Paris đã trở lại bình thường dẫu rằng dấu tích của sự đau buồn vẫn còn vương lại đâu đó. Người dân đã đi làm trở lại, cửa hàng cũng đã mở. Ông Đức Bình, một người Việt sở hữu nhà hàng ở Paris cho biết, tình hình ở thủ đô của nước Pháp đang dần ổn định và cửa hàng của bà con người Việt đã mở cửa trở lại. “Sự lo lắng đó cũng có giới hạn bởi vì ai cũng cần phải tiếp tục sống, làm việc. Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn”- ông Bình nói.

Bà con kiều bào ở đây yên tâm hơn một phần nữa vì ngay sau khi vụ tấn công khủng bố xảy ra, Đại sứ quán Việt Nam đã kịp thời cung cấp thông tin, trấn an cộng đồng để họ giữ tâm lý bình tĩnh, làm theo những yêu cầu của chính quyền. Đại sứ quán cũng khuyến cáo họ tạm thời tránh xa những nơi đông người đồng thời cung cấp đường dây nóng để trợ giúp trong trường hợp cần giúp đỡ.

Có một đặc thù, đó là đa phần người Việt ở đây đều là công chức. Họ đi làm tại các công sở, tòa thị chính. Không có nhiều người Việt làm tại doanh nghiệp hay kinh doanh buôn bán. Ở nơi đất khách quê người, bà con luôn có ý thức đùm bọc, sẻ chia và đoàn kết giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Hạt nhân của các phong trào và hoạt động chính là Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF). Mặc dù những năm qua tình hình kinh tế Pháp gặp khó khăn, nhưng bà con vẫn dành dụm tiền và thường xuyên có các hoạt động hướng về quê hương. Điển hình như gây quỹ để triển khai các dự án nhân đạo như ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt miền Trung, hỗ trợ trẻ em đến trường ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, triển khai các dự án dạy nghề và tạo việc làm cho các nạn nhân chất độc da cam...

Theo lời ông Ngô Kim Hùng- Tổng Thư ký Hội người Việt Nam tại Pháp thì cộng đồng người Việt tại Pháp đông đảo, nhiều trí thức, nhiều người có công việc và vị trí trong xã hội Pháp. Do đó, việc vận động nguồn lực từ cộng đồng về đóng góp cho quê hương đất nước là trọng tâm hoạt động của Hội người Việt Nam tại Pháp và được rất nhiều bà con ủng hộ nhiệt tình.

Ngoài ra, UGVF và nhiều hội đoàn khác phối hợp cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, thường xuyên có các hoạt động giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như tổ chức ăn Tết cổ truyền và các ngày lễ lớn, mở lớp dạy tiếng Việt để thế hệ thứ hai không quên nguồn cội quê hương…Bà con ở đây vẫn cho rằng, biết tiếng Việt, hiểu tiếng Việt mới có nhiều hoạt động hướng về nguồn cội và góp phần gìn giữ cũng như quảng bá văn hóa Việt tại nước sở tại. Có lẽ vì thế mà lâu nay, dù bận rộn đến đâu nhưng nhiều người vẫn luôn dành thời gian đưa con đến các lớp học tiếng Việt và ngôn ngữ giao tiếp ở nhà của họ cũng chủ yếu là tiếng Việt.

Bắt đầu từ năm 2014, với mục đích trở thành ngôi nhà chung cho các hoạt động văn hóa, Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp đã tổ chức nhiều lớp dạy tiếng Việt, dạy nhạc cụ dân tộc, dạy hát, dạy võ cổ truyền Việt Nam và tổ chức các hoạt động hội thảo, hội họp của các hội đoàn. Ngoài ra, Trung tâm cũng là địa chỉ để các hội đoàn của cộng đồng người Việt tại Pháp liên hệ và cùng hợp tác thực hiện nhiều hoạt động văn hóa hướng về quê hương.

Người Việt ở Pháp - 1

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa tổ chức Lễ trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và Du lịch” và công bố quyết định bổ nhiệm Đại sứ du lịch Việt Nam tại Pháp - bà Anoa Suzanne Dussol Perran.

Bà Anoa Suzanne Dussol Perran, sinh năm 1957 tại TP.HCM, Quốc tịch Pháp, gốc Việt và đã có 20 năm hoạt động trong ngành du lịch. “Chúng tôi tin tưởng bà Anoa sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Pháp, đưa hình ảnh quốc gia, nét đẹp và sự hấp dẫn của du lịch và văn hóa Việt Nam đến với công chúng Pháp ngày một gần gũi và đậm nét hơn nữa”- Thứ trưởng Vương Duy Biên cho biết.

Minh Liên