Cấp mới 102 dự án đầu tư ra nước ngoài
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính trong 10 tháng năm 2015, Việt Nam đã có 102 dự án cấp mới đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký cấp mới 441,9 triệu USD.
Ảnh minh họa. (nguồn: Internet).
Ngoài ra, còn có 53 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 192,8 triệu USD. Như vậy, tính cả vốn cấp mới và vốn tăng thêm tính đến nay là 625,4 triệu USD.
Thị trường đầu tư ra nước ngoài vẫn tập trung nhiều tại một số thị trường truyền thống như Lào (9 dự án cấp mới, 9 dự án tăng vốn, tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 126 triệu USD), Campuchia (có 11 dự án cấp mới và 12 dự án tăng vốn, tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 194 triệu USD).
DN Việt Nam cũng đã đầu tư sang Hoa Kỳ (18 dự án cấp mới và 4 dự án tăng vốn với tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 102 triệu USD) và Liên bang Nga, Singapore, Đức…
Theo đó, DN tập trung đầu tư vào ngành khai khoáng là nhiều nhất (tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 107 triệu USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là ngành nông, lâm, ngư nghiệp (tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 106 triệu USD). Đây là những lĩnh vực đầu tư mà Việt Nam có thế mạnh, tuy nhiên bên cạnh đó là các lĩnh vực, ngành nghề khác như thông tin, truyền thông, sản xuất điện, bất động sản, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…
Điều này cho thấy tính đa dạng trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam, đồng thời cho thấy xu hướng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng với chiến lược đầu tư tập trung vào các lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư thấp, khả năng quay vòng vốn nhanh.
Đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam đã có tính đa dạng hơn so với thời gian trước, về cả thị trường đầu tư lẫn lĩnh vực đầu tư.
Ngày 25/9/2015 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm mục đích kinh doanh; thủ tục đầu tư ra nước ngoài và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Với nhiều quy định mới tại Nghị định 83/2015/NĐ-CP về chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, xác định địa điểm thực hiện dự án, thực hiện chế độ báo cáo... thì hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới sẽ có những bước phát triển nhanh hơn và đa dạng hơn, đồng thời nâng cao chất lượng quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài để nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài có hiệu quả hơn.