Thép nội đối diện khó khăn
Nỗi ám ảnh thép nhập ngoại giá rẻ đang ngày một lớn dần, khi 10 tháng đầu năm nay, lượng sắt thép nhập về Việt Nam với con số 7,71 triệu tấn - một con số gia tăng đáng lo ngại. Điều đó cho thấy năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Nếu không cải tiến máy móc, thiết bị sản xuất, năng lực quản trị thì nguy cơ có thể nói là lâu dài.
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho biết, nhập khẩu sắt thép của cả nước trong tháng 10 là 1,48 triệu tấn với trị giá đạt 577 triệu USD; tăng 16,9% về lượng và tăng 3,2% về trị giá so với tháng trước. Trong đó, chỉ riêng sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 10 là 965 nghìn tấn, tăng 25,5%. Tính đến hết tháng 10/2015, lượng sắt thép cả nước nhập về là 12,62 triệu tấn, tăng 34% về lượng.
Riêng với nước láng giềng, chúng ta đã nhập khẩu trong 10 tháng qua là 7,71 triệu tấn, tăng mạnh 62,1% và chiếm tới 61,1% tổng lượng nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tính chung 10 tháng năm 2015, Việt Nam nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc với trị giá đạt 1,13 tỷ USD, tăng 39,8%.
Như vậy, sau nhiều những nỗ lực nhằm ngăn chặn lượng thép nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam, song lượng thép của nước láng giềng nhập vào Việt Nam không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Những dữ liệu nói trên đang đặt ra thách thức lớn cho ngành thép Việt Nam.
Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngành thép trong những tháng đầu năm đã có sự gia tăng về sản lượng tiêu thụ, do ngành bất động sản đã hồi phục trở lại. Nhưng, niềm vui không kéo dài được bao lâu, các DN thép trong nước đã phải đối diện với tình trạng thép nhập khẩu từ Trung Quốc có xu hướng gia tăng, và từ qúy II-2015 đến nay, giá thép liên tục giảm đẩy do phải cạnh tranh với thép Trung Quốc giá rẻ khiến các DN Việt điêu đứng.
Nhập khẩu thép vẫn tăng mạnh.
Theo nhận định của giới chuyên gia trong ngành, với một quốc gia có sản lượng lên tới 822 triệu tấn/ năm như Trung Quốc (sản lượng này gấp 8 lần Nhật Bản và vượt xa các nước trong khu vực), thì việc các DN ngành thép của chúng ta yếu thế hơn là lẽ đương nhiên.
Chia sẻ về năng lực hiện có của các DN ngành thép Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, các DN trong nước có quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu, công suất chỉ đạt khoảng vài trăm ngàn tấn/ năm, do đó chúng ta về yếu thế hơn họ cũng là điều dễ hiểu.
Không chỉ lo về tình hình thép nhập khẩu từ Trung Quốc, các chuyên gia còn bày tỏ quan ngại cho ngành thép trước áp lực hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng. Theo ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (Vnsteel), việc Việt Nam đang tiến hành ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là FTA giữa ASEAN - Trung Quốc sẽ càng làm tăng thêm cơ hội để thép nhập khẩu ồ ạt vào thị trường Việt Nam. Trong khi năng lực cạnh tranh của sản phẩm thép nội chưa đủ mạnh, đây thực sự là thách thức lớn đối với các DN ngành thép nội địa. Bởi vậy, ông Đa cho rằng, nếu các DN thép không có những giải pháp cạnh tranh hiệu quả, bức tranh ngành thép nội sẽ vẫn tiếp tục ảm đạm.
Vị Tổng Giám đốc VnSteel cho hay, hội nhập là xu hướng tất yếu và các DN ngành thép không thể nằm ngoài “cuộc chơi” này. Bởi vậy chúng tôi đang nỗ lực đổi mới, nâng cao năng lực quản trị, cải tiến máy móc, thiết bị sản xuất để có thể nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Tất cả đều với mục đích nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm thép nội địa đứng vững trên thị trường trong nước và quốc tế.
Các chuyên gia trong ngành cũng nêu quan điểm, đối diện với áp lực làn sóng thép nhập ngoại đang ngày một có xu hướng mạnh dần lên, bản thân các DN ngành thép cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách hiện đại hóa công nghệ sản xuất. “Khi có công nghệ sản xuất hiện đại, chúng ta mới có thể sản xuất ra sản phẩm thép có giá cạnh tranh hơn” – một chuyên gia ngành thép nhận định.
Bên cạnh đó, rất cần sự vào cuộc của các nhà quản lý, cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ các DN trong nước về thông tin hội nhập cũng như các biện pháp phòng vệ thương mại, hỗ trợ về vốn cho vay trung, dài hạn với lãi suất thấp để tạo điều kiện cho các DN có thể tiến hành đầu tư, tái cơ cấu một cách hiệu quả…
Nhìn từ phía nhà quản lý, ông Trần Thanh Hải, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, thời gian qua, ngành thép đã và tiếp tục được Nhà nước quan tâm đặc biệt và sẽ có chính sách bảo hộ một cách hợp lý, chính đáng và đúng luật chơi để khuyến khích ngành phát triển.
Tuy nhiên, ông Hải cũng nêu quan điểm: “Cạnh tranh với DN Trung Quốc, các DN phải nỗ lực trong việc tìm hiểu các biện pháp phòng vệ thương mại, tự vệ, chống bán phá giá để có thể có được công cụ bảo vệ mình hữu hiệu nhất”.