Nghệ nhân tuổi cao liệu có chờ đến lúc phong danh?
Cụ Nguyễn Thị Vượn gần 90 tuổi tâm sự rằng cụ không biết chừng nào tổ tiên gọi đi nữa, nên không dám nghĩ xa tới lễ vinh danh 2016, không dám mơ tới ngày được nhận danh hiệu NNND.
Nghệ nhân giữ lửa ca trù.
Sở VHTT Hà Nội và Sở VHTT&DL TP HCM là hai địa phương tổ chức sớm lễ công bố và trao quyết định phong tặng và truy tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) ở lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể năm 2015 cho 55 nghệ nhân và đại diện gia đình của họ. Như vậy, sau khoảng 20 năm chờ đợi, các nghệ nhân dân gian cũng đã vinh dự được nhận danh hiệu do Nhà nước trao tặng.
Cụ thể, trong đợt phong tặng và truy tặng danh hiệu NNƯT lần đầu tiên năm 2015, Hà Nội có 39 nghệ nhân được vinh danh. Trong đó, chủ yếu là các nghệ nhân thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như ca trù, xẩm, chèo… cùng các loại hình tri thức dân gian như ẩm thực, làm sáo diều, nặn tò he, nhạc cụ truyền thống.
Có những NNƯT đang sinh sống và thực hành di sản văn hoá phi vật thể ở Thủ đô suốt gần cả thế kỷ như nghệ nhân Nguyễn Thị Sinh, sinh năm 1923 đã 79 năm thực hành ca trù; hay cụ Nguyễn Thị Vượn (89 tuổi) từng 78 năm gắn bó với ca trù, có thể hát nhiều làn điệu và hiện đang lưu giữ sách dạy hát ca trù cổ...
Cùng với đó là những “đào nương” trẻ nhưng đầy tài năng và tâm huyết với di sản văn hóa của dân tộc như nghệ nhân ca trù Nguyễn Thúy Hòa - 41 tuổi, nhưng đã 23 năm theo nghiệp hát ca trù (thuộc CLB ca trù Thái Hà). Hay đào nương Nguyễn Thị Huệ 42 tuổi, hiện là Chủ nhiệm Giáo phường Ca trù Thăng Long...
Có một câu chuyện kể thực sự xúc động tại lễ vinh danh NNƯT Thủ đô vừa rồi đó là những hình ảnh cháu cõng bà đi nhận danh hiệu. Bởi đa phần những báu vật nhân văn sống về trung tâm Thủ đô nhận danh hiệu kỳ này mái đầu đã bạc trắng, lưng còng sát đất như cụ Nguyễn Thị Vượn và cụ Nguyễn Thị Khướu đều đã gần 90 tuổi.
Vì đây là lần đầu tiên tổ chức trao tặng danh hiệu cho nghệ nhân dân gian nên chưa có danh hiệu nghệ nhân nhân dân (NNND), bởi theo qui định để được phong tặng danh hiệu này, trước hết họ phải là những NNƯT. Vì lẽ đó mà cụ Vượn tâm sự rằng cụ không biết chừng nào tổ tiên gọi đi nữa, nên không dám nghĩ xa tới lễ vinh danh 2016, không dám mơ tới ngày được nhận danh hiệu NNND. Hơn thế những nghệ nhân Thủ đô được phong danh đợt này còn cảm thấy mình may mắn hơn rất nhiều nghệ nhân khác.
Đơn cử như trường hợp của cố nghệ nhân Vũ Văn Hồng. Chỉ 2 năm trước người ta vẫn thấy nghệ nhân đàn đáy ca trù 95 tuổi ấy biểu diễn say sưa tại đình Kim Ngân (Hàng Bạc, Hà Nội). Vậy mà khi nhắm mắt xuôi tay, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NNƯT của ông vẫn phải chờ. Lần trao tặng danh hiệu này, cố nghệ nhân Vũ Văn Hồng là trường hợp duy nhất của Thủ đô được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu NNƯT.
Được biết, hiện Đề án kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) của Hà Nội đang vào giai đoạn “nước rút”. Theo đó, hiện đã có 22 quận, huyện trên địa bàn Thủ đô hoàn thành công tác kiểm kê, 184 di sản đã được lập hồ sơ kiểm kê, bảo vệ, 15 quận, huyện đã xây dựng xong bản đồ di sản văn hoá phi vật thể... Nhưng gần 1.500 DSVHPVT, trong đó có khoảng 200 di sản cần quan tâm bảo vệ khẩn cấp, chương trình hành động cụ thể sẽ như thế nào thì đó đang là một câu hỏi lớn.
TS Lê Thị Minh Lý- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Việt Nam, đơn vị tư vấn thực hiện đề án này cho hay: qua mỗi lần kiểm kê, nhận diện từng di sản, những chuyên gia văn hóa thường đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bởi di sản không phải cái gì quá to tát mà rất gần gũi trong đời sống.
Và bất ngờ nhất với những người nghiên cứu là hiểu biết sâu sắc của người dân về di sản. Thực tế cộng đồng chưa bao giờ thờ ơ với di sản, mà họ đang âm thầm lưu giữ và truyền dạy trong cộng đồng. Vì thế nếu chúng ta giữ được di sản, sẽ có được nhiều thứ, đặc biệt là nền tảng văn hóa bản sắc.
Theo TS Lê Thị Minh Lý, việc cần làm ngay hay còn gọi là “hậu” kiểm kê xếp hạng di sản là nhà quản lý phải đưa ra biện pháp có tính chiến lược như có chính sách phải điều chỉnh, bổ sung, trong đó có chính sách đầu tư để bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tiếp theo đó là việc nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý di sản cũng như cộng đồng. Đặc biệt là sự quan tâm đầu tư thỏa đáng và xứng đáng với những nghệ nhân tình nguyện truyền lửa cho thế hệ kế cận.
Trong đợt phong tặng danh hiệu NNƯT lần thứ nhất cho nghệ nhân dân gian năm 2015, trong số 600 nghệ nhân của cả nước, có tới 17 cá nhân thuộc diện truy tặng danh hiệu NNƯT (theo Quyết định số 2533/QĐ-CTN ngày 13/11/2015 về việc phong tặng danh hiệu Nhà nước NNƯT và Quyết định số 2534/QĐ-CTN ngày 13/11 về việc truy tặng danh hiệu Nhà nước NNƯT).
Dẫu muộn còn hơn không, các nghệ nhân dân gian và gia đình họ đều có chung một tâm lý được phong tặng danh hiệu NNƯT hơn là truy tặng. Vì thế, ngay cả khi chính thức có Quyết định do Chủ tịch nước đã ký về việc phong tặng danh hiệu NNƯT, các địa phương cũng nên sớm tổ chức lễ công bố và trao quyết định cho các nghệ nhân dân gian - khi thời gian vẫn còn có khả năng chờ đợi!