Cộng đồng ASEAN không chỉ là chuyện 'đánh một tiếng kẻng'

Mai Loan (thực hiện) 24/11/2015 07:10

Vừa trở về từ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27, bên lề Quốc hội ngày 23/11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ với Đại Đoàn Kết những vấn đề mà Việt Nam cần hướng tới cho một Cộng đồng chung khi thời điểm 31/12/2015 đã đến rất gần.

Cộng đồng ASEAN không chỉ là chuyện 'đánh một tiếng kẻng'

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
trả lời phỏng vấn.

PV: Thưa Phó Thủ tướng, những thuận lợi của Việt Nam khi chính thức vào Cộng đồng ASEAN với lợi thế 625 triệu dân là gì?

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Thuận lợi thì nhiều. Trước hết, khi đó, Việt Nam không chỉ là một nước Việt Nam mà Việt Nam nằm trong cộng đồng 10 nước. Đứng về mặt chính trị thì là 10 nước có quan hệ gần gũi với nhau, trong một cộng đồng cùng chia sẻ trách nhiệm. Vai trò của cả cộng đồng được nâng lên thì vai trò của từng nước sẽ được nâng lên; và ngược lại vai trò của từng nước được nâng lên thì sẽ làm vai trò của cả cộng đồng tăng lên.

Cần nhắc lại rằng, Cộng đồng ASEAN có vai trò hết sức quan trọng vì hiện đây là một trong những trung tâm của thế giới. Một tổ chức có vai trò lớn mà tất cả các nước đều coi trọng và không có tổ chức nào mà các nước lớn, các nước quan trọng đều muốn làm đối tác như thế. Điều đó cho thấy vai trò của ASEAN rất cao, cũng có nghĩa vai trò của mỗi nước thành viên cũng cao.

Đứng về mặt an ninh, an ninh của người dân cũng sẽ được tăng cường vì sẽ có những cơ chế được áp dụng để chống tội phạm xuyên quốc gia hoặc tội phạm ma túy bởi có sự hợp tác để đảm bảo an ninh cho người dân mỗi nước.

Về mặt kinh tế, rõ ràng bây giờ sẽ là một cộng đồng có cơ sở kinh tế chung, cơ sở sản xuất chung. Nếu tận dụng được như vậy thì thị trường của chúng ta không chỉ là 90 triệu dân này nữa mà ta sẽ có một thị trường 625 triệu dân của cả cộng đồng lớn như vậy. Mỗi doanh nghiệp (DN), người dân sẽ phải thay đổi cách sản xuất để nhắm vào một thị trường lớn hơn, chứ không chỉ khuôn trong 90 triệu người dân nữa.

Cũng có thể nhìn thấy hướng di chuyển nguồn vốn hay di chuyển nhân lực chất lượng cao giữa các nước trong cộng đồng vì nó có tiêu chuẩn chung. Hay đơn cử các trường đại học có liên kết trong khối thì trình độ của sinh viên Việt Nam tốt nghiệp một trường trong danh sách đó sẽ được công nhận chung trong cả cộng đồng. Trước đây có thể là tốt nghiệp một trường trong nước nhưng ra ngoài không được công nhận, giờ có sự công nhận chung thì thêm nhiều cơ hội việc làm cho nhân lực kỹ thuật cao, có năng lực, có tri thức.

Về văn hóa xã hội cũng thế, với cộng đồng đa dạng văn hóa như vậy lại có những bản sắc riêng và mỗi nước đều nâng cao tiêu chuẩn văn hóa, kể cả việc nâng cao tiêu chí về bảo vệ quyền con người, phụ nữ và trẻ em theo tiêu chuẩn chung.

Còn thách thức mà chúng ta đang phải đối diện sẽ là gì và điều gì mà DN và người dân cần nắm rõ để vượt qua thưa Phó Thủ tướng?

-Đúng là dù có nhiều thuận lợi nhưng, thách thức cũng sẽ rất lớn. Người dân, các DN có thể thấy sự cạnh tranh khi đó không phải trong phạm vi đất nước 90 triệu dân nữa mà sự cạnh tranh ở trong trong thị trường 625 triệu dân; khi ấy sự di chuyển lao động cao chất lượng cao, nếu không chuẩn bị trước, sẽ bị cạnh tranh ngay chính trên đất của chúng ta.

Người dân cũng được tự do di chuyển không có visa nên rất thuận lợi cho việc tiếp cận, đi làm ăn, học hành, du lịch; nhưng ngược lại, nếu trong nước, về mặt du lịch, không thúc đẩy được sức cạnh tranh thì người ta cũng không đến mình mà mình còn “chảy máu” nguồn lợi du lịch khi người Việt sẽ ra ngoài chứ không đi du lịch trong nước nữa.

Phó Thủ tướng có thể nói cụ thể hơn về việc chuyển dịch lao động. Có thể tính đến các lĩnh vực cụ thể của sự chuyển dịch sẽ diễn ra nhiều, thưa ông?

-Tất cả các lĩnh vực, theo các tiêu chuẩn mà người ta có nhu cầu về lao động kỹ thuật cao. Ví dụ hiện nay lao động kỹ thuật cao của Việt Nam mình có trình độ cao về IT đi làm ở các nước rất nhiều. Vì rõ ràng nếu bên ngoài trả lương nhiều hơn, trong khi trong nước không có điều kiện tương xứng bằng thì họ sẵn sàng ra ngoài ngay. Mà nước nào cũng cần những lao động kỹ thuật cao. Người dân có thể tự do di chuyển để tìm kiếm cơ hội, việc làm- đó là điều đương nhiên trong một cộng đồng.

Nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về tính thực chất của Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột chính.Về khía cạnh này thì cộng đồng chung có khác gì mô hình hợp tác đang thực hiện trong khối hiện nay?

-Phải nói rõ thế này, 31/12/2015, các nước trở thành cộng đồng không có nghĩa là chỉ “đánh một tiếng kẻng” và ký kết thì lập tức cả khối trở thành cộng đồng. Quá trình này đã được tịnh tiến từ khi Hiến chương ASEAN được thông qua (năm 2007-PV) và thành lập cộng đồng hướng đến mục tiêu cụ thể.

Ví dụ trong chính trị, có hơn 300 đầu việc, trong kinh tế có hơn 500 mục tiêu, văn hóa xã hội cũng khoảng 200-300 đầu việc thì đến thời điểm này 90% các mục tiêu đặt ra đã được thực hiện; chứ không phải đến thời điểm trở thành cộng đồng mới được thực hiện vì chúng ta xây dựng cộng đồng trên những mục tiêu cụ thể.

Mục tiêu đã hoàn thành, riêng đối với Việt Nam chúng ta là 95%, có nghĩa là những mục tiêu đề ra từ đầu đã được đưa dần vào chính sách, đi vào cuộc sống rồi. Chúng ta có thể không cảm nhận được nhưng thực tế những việc đó đã thực hiện rồi. Tôi lấy ví dụ đơn giản, vấn đề visa giữa các nước ASEAN, chúng ta đã bỏ rồi, giờ bất cứ người dân nào cầm hộ chiếu của mình là có thể đi lại trong 10 nước ASEAN với nhau. Hoặc một số nhóm hàng hóa đã được miễn giảm với mức thuế suất về 0, tất nhiên việc áp dụng có thời điểm nhất định.

Nói thế để thấy cộng đồng thực sự đã đi vào hoạt động rồi, nhưng người ta lấy mốc 31-12 năm nay để khẳng định là 100% tất cả các mục tiêu đề ra được hoàn thành, giúp cộng đồng vận hành đầy đủ.

Cần nói thêm rằng, cộng đồng của chúng ta xây dựng cho đến 2015 và đồng thời trong cuộc họp thượng đỉnh vừa qua, các nhà lãnh đạo cũng đã thống nhất với nhau mục tiêu đến 2025. Nghĩa là luôn luôn có một tầm nhìn trong ASEAN: Tầm nhìn đến 2015 cộng đồng sẽ là như thế này và đến 2025 sẽ là những mục tiêu cao hơn.

Về tình hình Biển Đông, trong ASEAN, đây là vấn đề rất lớn, cốt yếu với khu vực. Với Cộng đồng ASEAN điều này sẽ diễn biến ra sao, thưa Phó Thủ tướng?

-Tất cả các vấn đề đều xét trên góc độ lợi ích chung và lợi ích của từng nước, từng nhóm nước. Bất cứ cộng đồng nào cũng có vấn đề đó. Lợi ích chung của tất cả các nước ASEAN là duy trì hòa bình trong khu vực mà duy trì hòa bình ở Biển Đông cũng là lợi ích chung. Còn việc giải quyết các bất đồng về vấn đề chủ quyền thì phải là các nước liên quan trực tiếp. Còn các nước trong cộng đồng thì đều thống nhất quan điểm là duy trì hòa bình an ninh trên biển.

Vừa qua, hoàn toàn trong ASEAN đã thống nhất với nhau về vấn đề duy trì hòa bình này nên mới cùng nhau ra được DOC và thống nhất để tiến tới COC. Đó là những mục đích chung. Còn không thể nói những diễn biến trên Biển Đông vừa qua là có mâu thuẫn giữa các nước. Không có mâu thuẫn gì cả. Vấn đề đã được đưa ra và các nước ASEAN thấy rằng quan điểm chung là cần duy trì hòa bình, an ninh.

Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!

Mai Loan (thực hiện)