Đau đầu với lục bình

Đoàn Xá 24/11/2015 08:46

Là nguyên nhân gây ách tắc giao thông đường thủy, cản trở dòng chảy cũng như ô nhiễm môi trường, tình trạng lục bình (bèo tây) tràn lan ở các dòng kênh lớn nhỏ quanh khu vực TP Hồ Chí Minh đã được cảnh báo từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện chương trình xử lý lục bình đến nay, loài cây tưởng như vô hại này vẫn tràn ngập ở nhiều tuyến kênh rạch, gây khó khăn cho cuộc sống của hàng ngàn hộ dân. 

Đau đầu với lục bình

Lục bình phủ kín một đoạn sông Sài Gòn ở Củ Chi.

Lục bình phủ hàng trăm cây số

Theo thống kê của UBND thành phố, hiện nay có khoảng 200 km kênh rạch trên địa bàn đang bị lục bình tấn công và bao phủ. Nhiều đoạn, lục bình ken cứng, không có bất cứ phương tiện đường thủy nào có thể di chuyển được như kênh Vàm Thuật (Gò Vấp), kênh Tham Lương (quận Tân Phú), kênh Xáng (huyện Hóc Môn), sông Sài Gòn (huyện Củ Chi).

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, công việc xử lý lục bình trong thời gian qua mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan nhưng hiện tượng tái phát lục bình vẫn xảy ra nhiều. Nghĩa là xử lý xong một thời gian ngắn, lục bình lại mọc kín mặt kênh.

Điều đáng báo động là theo thống kê, mặc dù đã có sự phối hợp của nhiều ban ngành nhưng công tác trục vớt, xử lý lục bình hầu như không theo kịp sự sinh sôi, phát triển của loài cây nhỏ bé này. Giải thích về nguyên nhân, đại diện của Sở Khoa học và Công nghệ thành phố cho rằng, hiện nay nhiều tuyến kênh rạch ở thành phố ô nhiễm nặng nề. Nguồn nước ô nhiễm vô tình lại chứa nhiều dưỡng chất để cây lục bình phát triển. Chính vì thế mà công tác xử lý khó khăn và tốn kém hơn so với dự tính.

Ngoài ra, công nghệ xử lý chỉ là cắt, trục vớt lục bình cũng bị cho là lạc hậu, chưa diệt tận gốc loài cây này. “Với đặc thù là chỉ cần một đoạn dễ còn sót lại cũng có thể sinh sôi thành bè lục bình mới nên cần nghiên cứu phương pháp xử lý khác, thay vì chỉ cắt, trục vớt như thời gian qua”, đại diện Sở này nhấn mạnh.

Hậu quả của tình trạng này là hiện nay, khoảng 180 dòng kênh ở thành phố vẫn có sự xuất hiện của cây lục bình. Nhiều dòng kênh là tuyến đường thủy quan trọng của người dân đã bị lục bình xâm chiếm, như sông Sài Gòn khiến giao thông đường thủy bị ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt là những ngày triều cạn.

Kết hợp các giải pháp

Nhằm tìm hướng giải quyết triệt để tình trạng lục bình trong thời gian tới, theo ông Liêm, phải kết hợp các giải pháp, trong đó huy động người dân sinh sống ven kênh phối hợp trục vớt lục bình, đặc biệt là các tuyến kênh rạch trong khu dân cư là hết sức cần thiết. Mỗi người hãy góp sức vì chính môi trường sống của bản thân mình, ở ngay khu vực xung quanh gia đình mình để lục bình không có cơ hội phát triển. Ngoài ra, do đặc thù một số tuyến kênh rạch nằm ở giáp ranh nhiều tỉnh, thành nên công tác phối hợp để xử lý cũng hết sức quan trọng.

“Nếu chỉ xử lý lục bình trên sông Sài Gòn ở địa phận TP HCM mà lục bình bên phía bờ Bình Dương, Đồng Nai hay thượng nguồn Tây Ninh không xử lý thì chắc chắn không hiệu quả. Vì thế, kết hợp đồng bộ nhiều địa phương cũng là phương pháp cần được áp dụng vì lục bình hầu như phủ khắp ở sông Sài Gòn”, một chuyên gia về môi trường cho biết.

Ngoài ra, để giảm thiểu chi phí trong quá trình xử lý lục bình, tăng tính hiệu quả của công việc, Tiến sỹ Phạm Hữu Nhượng, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố nếu ý kiến: Lục bình là nguyên liệu có thể sản xuất được nhiều loại phân bón khác nhau, rất tốt cho các loại cây trồng khác. Hiện nay, nhu cầu sử dụng phân bón sinh học làm từ nguyên liệu thực vật đang rất lớn, nếu sản xuất số lượng lớn từ nguyên liệu lục bình là một giải pháp tốt.

Tuy nhiên, ông Nhượng cũng cảnh báo rằng, "chỉ một số ít nguyên liệu lục bình trục vớt ở thành phố hiện nay có thể sử dụng làm phân bón mà thôi. Nhiều loại lục bình vì sống trong môi trường quá ô nhiễm, chứa các loại tạp chất lại lẫn các loại rác thải nên không thể sản xuất làm phân bón sạch được”.

Mặc dù chỉ là giải quyết tình trạng lục bình mọc ở các tuyến kênh rạch nhưng 2 năm qua, thành phố đã tốn khá nhiều tiền của mà các kênh rạch vẫn phủ kín bởi lục bình. Nó không chỉ cản trở dòng chảy, lưu thông đường thủy, ô nhiễm môi trường mà về lâu dài, nhiều tuyến kênh trở thành “kênh chết” bởi lục bình xâm chiếm quanh năm.

Đoàn Xá