Công đoàn độc lập cũng vì quyền lợi người lao động

Lục Bình (thực hiện) 23/11/2015 23:38

Sẽ là thách thức không nhỏ đối với Tổ chức công đoàn trong thời gian sắp tới khi TPP có hiệu lực. Trả lời PV Báo Đại Đoàn Kết, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho rằng, dù thêm tổ chức công đoàn độc lập hay hoạt động như hiện nay cũng phải tuân thủ luật pháp và đặt quyền lợi của người lao động lên trên hết. 

Công đoàn độc lập cũng vì quyền lợi người lao động

Ông Đinh Xuân Thảo.

PV: Liệu có khó khăn gì không nếu có thêm tổ chức công đoàn độc lập được thành lập, thưa ông?

Ông Đinh Xuân Thảo: Tôi cho rằng, sẽ có những thách thức nhất định. Tuy nhiên, nói về công đoàn, bản chất phải xuất phát từ việc tổ chức được hình thành ra đời bảo vệ quyền lợi cho người lao động (NLĐ). Muốn như thế, người đứng ra thành lập một tổ chức độc lập phải là người hiểu, sâu sát với NLĐ. Tổ chức này phải xuất phát từ lợi ích NLĐ mà ra chứ không phải người ở đâu “trên trời rơi xuống”.

Vì vậy, nếu tổ chức công đoàn lâu nay được thành lập thực sự vì NLĐ gắn với NLĐ, hiểu NLĐ, tổ chức này chắc chắn sẽ tiếp tục tồn tại. Nếu thấy những người đứng đầu tổ chức đó không đáp ứng lợi ích cho NLĐ, tự NLĐ sẽ giới thiệu ra những người gắn bó với họ, đại diện để thực hiện quyền lợi chính đáng của họ.

Tôi đã tìm hiểu một số nước, như ở Mỹ. Đến Mỹ tôi đã đặt câu hỏi tại sao Mỹ là nước rất tích cực vận động các nước, trong đó có Việt Nam, sớm ký kết TPP- trong khi đó Hạ viện Mỹ lại không đồng ý. Câu trả lời cho vấn đề này chính là từ đề xuất của tổ chức công đoàn. Tổ chức này lo ngại, nếu hoàn thành TPP việc làm cho NLĐ Mỹ sẽ ít đi. Vì vậy, họ khuyến nghị để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ ở nước họ.

Như vậy, nói đến công đoàn là nói đến lợi ích, quyền lợi của NLĐ. Nếu anh thực sự đại diện quyền lợi cho họ, NLĐ sẽ ủng hộ. Ở các nước, nhóm nghị sỹ bao giờ họ cũng đại diện cho nơi họ ứng cử và đại diện cho đảng phái. Nếu cử tri là NLĐ, công nhân nơi anh làm việc không ủng hộ, chắc chắn cá nhân anh sẽ không được bầu nữa. Cho nên, việc đứng về phía lợi ích của NLĐ là điều kiện tiên quyết, quyết định vận mệnh chính trị của anh.

Khi ký kết TPP, tôi có trao đổi với đồng chí Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, liệu việc thành lập tổ chức công đoàn độc lập có gì vướng không? Chính đồng chí Đặng Ngọc Tùng cũng nói không đáng ngại. Nếu mình tất cả vì NLĐ, vì lợi ích của họ, cho dù thành lập thêm tổ chức cũng phải đi đúng hướng, đảm bảo lợi ích chính đáng cho NLĐ.

Ông đánh giá thế nào về hoạt động của tổ chức công đoàn hiện nay, họ đã thực sự hoạt động vì quyền lợi NLĐ chưa?

-Chưa có điều tra, khảo sát cụ thể toàn diện về vấn đề này, nhưng theo tôi, về cơ bản, tổ chức công đoàn ở Việt Nam ra đời, hoạt động có bề dày lịch sử hơn 80 năm, có nhiều kinh nghiệm và hoạt động tốt vì lợi ích NLĐ. Qua mỗi thời kỳ có phương thức khác nhau, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay hoạt động của tổ chức công đoàn đứng trước những thách thức. Tôi cho rằng, dù chúng ta đã sửa đổi Luật Công đoàn, đã bổ sung cập nhật một số vấn đề của thực tiễn cuộc sống vào luật nhưng rõ ràng còn có những hạn chế. Thể hiện ở chỗ, anh công đoàn như là công chức, vẫn được ăn lương. Nếu công chức hóa ngành đặc thù thì anh khó có thể làm tốt vai trò hài hòa lợi ích giữa giới chủ và NLĐ, chưa nói là không gắn với lợi ích của NLĐ.

Dù muốn dù không, vai trò của tổ chức công đoàn chính là cầu nối, hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ nếu anh nghiêng về một phía là không được. Tháng 4 năm ngoái tôi có sang Đức thăm một số cơ quan nghị viện ở đây. Tại đây, họ đánh giá rất cao vai trò của tổ chức công đoàn. Đây là tổ chức quyết định sự đóng góp, phát triển sống còn của các doanh nghiệp (DN) vì thông qua tổ chức này sẽ hiểu được tiếng lòng của NLĐ, để có những chính sách hợp lý giúp phát triển DN. Giờ mình đã hội nhập quốc tế tất nhiên mình có quyền giữ bản sắc riêng mình nhưng cũng phải đồng thời nghiên cứu, tiếp thu, học tập kinh nghiệm các nước trong hoạt động tổ chức công đoàn.

Do đó, phải bảo vệ đảm bảo quyền lợi của NLĐ, vì từ cá nhân NLĐ riêng lẻ không đủ sức, lực đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình trước giới chủ. Vấn đề là phải hoạt động đúng luật. Theo đó, một số vấn đề mới chưa được đặt ra thì phải bàn để hoàn thiện luật.

Thưa ông làm sao để tránh sự lợi dụng thông qua tổ chức công đoàn độc lập, nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện có hành vi phá hoại, chia rẽ?

-Mọi hoạt động phải trên khuôn khổ pháp luật. Cùng đó không thể thiếu vai trò, trách nhiệm của Tổng Liên đoàn lao động - tổ chức Công đoàn hiện nay. Về mặt quản lý, tổ chức này phải chăm lo cho NLĐ, làm sao hướng cho NLĐ biết sáng suốt lựa chọn người thực sự vì NLĐ. Nếu người cử ra đứng nghiêng hẳn về giới chủ đưa lại lợi ích cho giới chủ một cách quá đáng vi phạm lợi ích NLĐ phải có cơ chế để thay thế.

Công đoàn không phải cơ quan Nhà nước nhưng là bộ phận cấu thành trong hệ thống chính trị của Nhà nước ta. Trách nhiệm của công đoàn bên trên phải hướng dẫn thế nào để NLĐ sáng suốt lựa chọn đúng người, có hợp tác để hoạt động. Tất cả hoạt động theo Luật, bây giờ luật trong lĩnh vực công đoàn phải do Tổng Liên đoàn Lao động chủ trì, đề xuất Chính phủ, QH ban hành và Tổng Liên đoàn Lao động phải kiểm tra, thanh tra, theo dõi việc thực hiện.

Ý ông là dù có là công đoàn độc lập thì cũng phải có một cơ quan chủ trì thanh kiểm tra các hoạt động liên quan đến tổ chức này?

-Tôi nghĩ phải thế, các công đoàn viên như công đoàn cơ sở. Người ta vẫn có cơ chế không phải quan hệ cấp trên cấp dưới nhưng có quyền kiểm tra việc tuân theo có đúng pháp luật không. Vì đây là lĩnh vực hoạt động của công đoàn. Hiến pháp quy định rồi. Luật DN, đầu tư nói rõ được làm những gì pháp luật không cấm thì cá nhân, tổ chức được làm. Nếu có dấu hiệu vi phạm nhưng điều tra, xác minh không phát hiện được chắc không thể quy chụp. Tuy nhiên, nếu phát hiện có dấu hiệu hành vi sai trái thì phải xử lý.

Trân trọng cảm ơn ông!

Công đoàn không phải cơ quan Nhà nước nhưng là bộ phận cấu thành trong hệ thống chính trị của Nhà nước ta. Giờ nếu có dạng công đoàn khác cũng là bộ phận thêm của thiết chế thôi, không thay thế được thiết chế cũ. Theo đó, trách nhiệm của công đoàn bên trên phải hướng dẫn thế nào để NLĐ sáng suốt lựa chọn đúng người, có hợp tác để hoạt động. Tất cả hoạt động theo Luật, bây giờ luật trong lĩnh vực công đoàn phải do Tổng Liên đoàn Lao động chủ trì, đề xuất Chính phủ, QH ban hành và Tổng Liên đoàn Lao động phải kiểm tra, thanh tra, theo dõi việc thực hiện.

Lục Bình (thực hiện)