Cơ hội dân số vàng
Trong bối cảnh Việt Nam đang tiến dần về giai đoạn “quá độ dân số” với tỷ suất sinh giảm và tuổi thọ đang được cải thiện, nước ta đang bước vào thời kỳ dân số vàng và cũng bắt đầu già. Đó là thông tin tại Hội nghị công bố báo cáo nghiên cứu “Tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và các đề xuất chính sách” diễn ra ngày 23/11.
Quang cảnh hội nghị.
Hội nghị do Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, TS. Nguyễn Thế Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Cơ cấu “dân số vàng” là tiền đề quan trọng để các quốc gia có thể tận dụng, khai thác thúc đẩy tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững kinh tế đất nước. Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, việc nâng cao chất lượng và khai thác hiệu quả nguồn nhân lực trẻ phục vụ tăng trưởng kinh tế càng trở nên quan trọng.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người cao và tương đối ổn định. Tuy nhiên, chúng ta đang có năng suất lao động giảm dần. Dự án này quan tâm đến đối tượng dân số trong giai đoạn từ 1979-2014 và dân số được dự báo trong giai đoạn 2014-2049. Nghiên cứu này được tiến hành theo phương pháp mới nhất “Tài khoản chuyển nhượng quốc gia” (NTA).
Đây là một phương pháp tính toán nhìn nhận cơ hội dân số vàng từ góc độ kinh tế mà theo đó, có thể phân tích tác động của thay đổi cơ cấu dân số tới tăng trưởng và phát triển của quốc gia, an sinh xã hội, bình đẳng giới, tài chính công và các chính sách công quan trọng khác. Nghiên cứu cũng sử dụng một số mô hình phân tích kinh tế khác để đánh giá tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế cũng như chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành và toàn bộ nền kinh tế.
PGS.TS Giang Thanh Long đến từ ĐH Kinh tế Quốc dân - một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu - cho rằng, người Việt Nam tham gia lao động khá sớm và bắt đầu có thu nhập từ lạo động khi 14 tuổi. Theo vòng đời, thu nhập này sẽ tăng nhanh từ đó đến 31 tuổi, rồi giảm dần đến 51 tuổi và giảm nhanh cho đến 70 tuổi. Đến 90 tuổi thì số này bằng không. So với các nghiên cứu trước đó thì kết quả này không khác là bao nhưng thu nhập của các nhóm tuổi cao hơn các năm trước đây. Về tiêu dùng, có thể thấy tiêu dùng cho y tế, giáo dục chiếm tỷ trọng lớn trong khi chi tiêu của Chính phủ có tăng lên nhưng vẫn còn “rất khiêm tốn”.
Ước lượng với các số liệu cho thấy, “thặng dư vòng đời” của người Việt Nam bắt đầu từ tuổi 23 và kết thúc ở tuổi 53, trong khi đó, “thâm hụt vòng đời” xuất hiện ở độ tuổi từ 0-22 và từ 54 tuổi trở lên. Nếu giả định rằng cơ cấu thu nhập bình quân đầu người theo độ tuổi của năm 2012 được giữ nguyên và năng suất lao động cũng không thay đổi thì biến đổi cơ cấu tuổi dân số chỉ tác động tích cực tới “tỷ số hỗ trợ kinh tế” cho tới năm 2018. Nói cách khác, theo phương pháp NTA, với những giả định trên, Việt Nam chỉ có thể có “dư lợi dân số” tới năm 2018.
Để kéo dài thời gian “dư lợi dân số”, nghiên cứu đã tiến hành mô phỏng sự thay đổi phần đóng góp của lao động trong tổng giá trị gia tăng (hay tổng thu nhập của lao động) và cho thấy, nó phải tăng ở mức 1,28%/năm trong suốt giai đoạn 2016-2049 thay vì 1%/năm trong giai đoạn 2010-2012. Khi đó, giai đoạn mà tốc độ tăng của “tỷ số hỗ trợ kinh tế” dương sẽ kéo dài tới năm 2024 (thay vì năm 2018 như hiện tại). Bên cạnh đó, nếu giả định rằng tộc độ tăng của “tỷ số hỗ trợ kinh tế” chậm lại nhưng sẽ duy trì ở mức tối thiểu 0,6%/năm trong suốt thời gian còn lại (2025-2049) thì “dư lợi dân số” lại có thể xuất hiện ở giai đoạn 2030-2042.
Những phân tích nói trên cho thấy, cơ cấu dân số tuyệt vời này kéo dài khoảng 34 năm trong khi đó, năng suất lao động bình quân trong cả nước, như trên đã đề cập, đang giảm dần và đó là một vấn đề hết sức báo động mà chúng ta cần phải chú trọng. “Năng suất lao động không phải là tất cả, nhưng về lâu về dài, nó hầu như là tất cả mọi thứ”, (Paul Krugman nhận định như vậy trong “Thời đại của kỳ vọng đang giảm dần”, 1994).
Ông cho rằng: Khả năng cải thiện mức sống của một quốc gia theo thời gian phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng nâng cao sản lượng của quốc gia đó trên mỗi người lao động. Ngoài ra, lao động trẻ càng nhiều là một trong những lợi thế rất có giá trị. Vấn đề là làm sao để nhóm đối tượng này có thể ngày càng có kỹ năng, trình độc huyên môn cao để có thể hội nhập quốc tế ngày càng sâu, càng rộng. Muốn vậy, học tập suốt đời cho người dân là một chủ trương rất quan trọng - PGS.TS Giang Thanh Long nhấn mạnh.
Trong khía cạnh này, theo ông Long, chúng ta phải học những gì thị trường cần để có thể có việc làm, chứ không nên học theo những gì mình có như hiện nay. Và, trong bối cảnh này, dịch chuyển lao động đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi năng suất lao động ngành nói riêng, nền kinh tế nói chung. Nhà nước cần thúc đẩy cơ chế lan tỏa thông qua phát triển các ngành hỗ trợ cho các ngành có năng suất cao.
Trước cơ hội vàng này, bà Ritsu Nacken - Quyền trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng: Việt Nam cần đầu tư mạnh vào giáo dục và y tế, bao gồm cả sức khoẻ tình dục và sức khoẻ sinh sản của trẻ vị thành niên và thanh niên. “Chúng ta cần phải đảm bảo rằng họ được sống trong môi trường thân thiện để trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước”, bà Ritsu Nacken nhấn mạnh.
Một trong những việc tiếp theo mà chúng ta cần phải làm là đối phó với những thách thức của giai đoạn già hoá dân số hiện nay trước khi quá muộn. Tuổi thọ tăng lên là điều đáng mừng đối với mỗi gia đình và toàn xã hội, song nó cũng tạo ra nhiều thách thức đối với hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt là xu hướng ngày càng nhiều người cao tuổi sống đơn thân hoặc chỉ có vớ chồng già nương tựa vào nhau mà không có sự hỗ trợ của con cái.