Đắk Nông tổng kết 10 năm bảo tồn di sản văn hóa
Sáng nay (24/11), UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn.
Đội chiêng nữ M’nông ở bon B Prâng, xã Đắc Ndrung, Đắc Song, Đắc Nông.
Năm 2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (gọi tắt là UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
10 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Nông đã có nhiều hoạt động nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của di sản này.
Trong đó, nổi bật là ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện Đề án “Bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa Lễ hội- Hoa văn- Cồng chiêng và nhạc cụ dân gian của các dân tộc tỉnh Đắk Nông” với kinh phí hàng tỷ đồng.
Qua tổ chức điều tra tổng thể tại 138 buôn, bon đồng bào dân tộc thiểu số, Đắc Nông hiện còn lưu giữ 31 lễ hội truyền thống; 365 bộ cồng chiêng với hơn 600 người biết đánh chiêng; hơn 180 người biết chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ dân gian khác; và gần 250 người có khả năng biểu diễn sử thi, dân ca, dân vũ…
Cuối năm 2014, Sử thi Ót Ndrông của dân tộc M’nông tại Đắk Nông đã được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Đầu năm nay (2015), Chủ tịch nước cũng đã phong tặng danh hiệu “nghệ nhân ưu tú” cho 21 nghệ nhân đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc…
Dịp này, UBND tỉnh Đắk Nông đã tặng Bằng khen cho hơn 20 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn di sản văn hóa.