Cần đề phòng đuối nước và TNGT đối với trẻ
Trong số 7 loại tai nạn thương tích chủ yếu đối với trẻ em (đuối nước, tai nạn giao thông, ngã độc, bỏng, động vật cắn, vật sắc nhọn đâm vào người) thì đuối nước và tai nạn giao thông là nhiều nhất và cũng gây tử vong cao nhất.
Nhằm hạn chế tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình phòng, chống TNTT trẻ em giai đoạn 2013-2015 thông qua Quyết định 2158/QĐ-TTg ngày 11/11/2013. Tuy nhiên sau hơn 2 năm triển khai, nhiều mục tiêu đề ra đã không đạt, số trẻ tử vong do TNTT vẫn là vấn đề gây bức xúc xã hội. Ngày 24/11 tại Hà Nội, Bộ LĐTB&XH đã tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện Chương trình phòng, chống TNTT ở trẻ em giai đoạn 2015-2020.
Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến góp ý.
Nhiều mục tiêu giảm TNTT không đạt
Báo cáo của Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho thấy, sau hơn 2 năm triển khai Chương trình, đã có 100% các tỉnh đã ban hành Chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn liên quan đến quyết định 2158. Bên cạnh đó, theo ghi nhận ở tại 33/63 tỉnh/thành, đã có hơn 2 triệu sản phẩm truyền thông được sản xuất, gần 25 nghìn buổi truyền thông trực tiếp tại cộng đồng...được tổ chức tuyên truyền về thực trạng TNTT ở trẻ em, xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ, hướng dẫn kĩ năng cứu đuối...
Nhờ đó đã có 3 triệu hộ gia đình đạt tiêu chí ngôi nhà an toàn, 7.218 trường học an toàn; hơn 900.000 trẻ em tiểu học biết bơi, 80% trẻ em mặc áo phao khi đi qua đò, tàu thuyền; 83,1% bến khách ngang sông được cấp phép. Mặc dù vậy, đến nay vẫn còn 7 mục tiêu được, 7.218 trường đề ra tại Quyết định 2158 đã không đạt.
“Quyết định 2158 đề ra mục tiêu giảm mục tiêu giảm tỷ suất TNTT; giảm tỷ suất tử vong do TNTT; Xây dựng mô hình an toàn cho trẻ; Giảm 15% số trẻ bị đuối nước; Ít nhất 50% trẻ trung học, 70% trẻ THCS biết bơi; 70% trẻ em sử dụng áo phao, cặp; 100% bể bơi, hồ bơi công cộng, bãi tắm được cấp phép an toàn. Và 100% số bến vận chuyển qua sông, bến tàu được cấp phép an toàn. Tất cả những mục tiêu này đều chưa đạt” - TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống thương tích, Trường Đại học Y tế công cộng nêu.
Cũng theo TS Phạm Việt Cường, nguồn lực cho các chương trình liên quan đến phòng chống TNTT trẻ em giai đoạn 2013-2015 khoảng 100 tỷ đồng bao gồm cả ngân sách trung ương, địa phương và huy động cộng đồng quốc tế, nhưng đội ngũ cán bộ làm chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực, chủ yếu kiêm nhiệm, điều này gây khó khăn trong triển khai nội dung. Bên cạnh đó, việc chưa thống nhất trong báo cáo số liệu về trẻ em bị TNTT giữa Bộ Y tế và Bộ LĐTB& XH (ví dụ như về ghi nhận về độ tuổi) cũng là một khó khăn cho các cán bộ trong việc ghi nhận.
Cần tăng nguồn lực
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan, mặc dù việc triển khai Chương trình phòng, chống TNTT đã phát huy tác dụng tốt, góp phần làm giảm tình trạng TNTT trẻ em và tử vong do TNTT đối với trẻ em. Tuy nhiên TNTT trẻ em vẫn là vấn đề gây bức xúc xã hội.
Trong số 7 loại TNTT chủ yếu đối với trẻ em (đuối nước, tai nạn giao thông, ngã độc, bỏng, động vật cắn, vật sắc nhọn đâm vào người) thì đuối nước và tai nạn giao thông là nhiều nhất và cũng gây tử vong cao nhất.
“Tử vong do TNTT của trẻ em để lại hậu quả nặng nề về tinh thần cho các bậc cha mẹ và để lại nỗi ám ảnh rất lớn cho trẻ em khi bị TNTT. Bên cạnh đó, TNTT cũng gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế (chi phí khắc phục hậu quả do TNTT ở Việt Nam ước khoảng 30 ngàn tỷ một năm). Hậu quả để lại rất lớn, nhưng ý thức của người dân, của các bậc cha mẹ về phòng, chống TNTT còn rất hạn chế” – Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Đứng trước thực trạng trên, nhằm hạn chế tình hình mắc và tử vong do TNTT ở trẻ em, đặc biệt là tai nạn có nguy cơ tử vong cao như đuối nước và tai nạn giao thông, hiện Bộ LĐTB&XH đang xây dựng Chương trình phòng, chống TNTT ở trẻ em giai đoạn 2016-2020. Trong số 11 mục tiêu có 3 mục tiêu cốt lõi nhất là giảm tỷ suất trẻ em do TNTT; Giảm tỷ suất trẻ em tử vong do TNTT. Đặc biệt giảm 10% số trẻ bị tử vong do đuối nước so với năm 2015.
Để giảm được 10% số trẻ tử vong do đuối nước, Chương trình sẽ xây dựng cơ chế liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em; Tổ chức học dạy bơi cho trẻ em tại trường học...Đáng chú ý để tạo điều kiện cho trẻ em được học bơi, Chương trình đề ra mục tiêu đến năm 2020, 50% số xã có hồ bơi an toàn cho trẻ.
Đánh giá về mục tiêu của Chương trình, đa số các đại biểu đều cho rằng, việc giảm tỷ suất TNTT và tử vong do TNTT sẽ không đạt hiệu quả nếu chúng ta không nhận diện đúng nguyên nhân để đưa ra các giải pháp. Hơn nữa, nếu chúng ta không dành đầu tư nguồn lực thì việc hạn chế tỷ suất tử vong do đuối nước sẽ rất khó đem lại kết quả.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, trẻ bị tử vong do đuối nước ngày càng gây bức xúc xã hội. Đây là thực tế ai cũng nhìn thấy thế, nhưng từ cấp Bộ, ngành không hề có nguồn kinh phí cho công tác này. Dù được giao chỉ tiêu nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo rất khó triển khai dạy bơi cho trẻ em tại trường học.
“Việc tiếp tục Chương trình phòng, chống TNTT ở trẻ em vô cùng cần thiết. Tuy nhiên để các mục tiêu đạt được như đề ra, Bộ LĐTB&XH sẽ rà soát, đánh giá lại tất cả những chính sách, mục tiêu để tìm ra nguyên nhân vì sao không đạt, từ đó đề ra các giải pháp cụ thể cho từng trường hợp”- Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.