MTTQ Bình Dương tích cực tham gia giảm nghèo bền vững
Ngày 25/11, tại thành phố Mới, tỉnh Bình Dương, UBTƯ MTTQ Việt Nam Phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Dương tổ chức Tọa đàm “Mặt trận Tổ quốc tham gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại buổi tọa đàm.
Tham dự và chủ trì buổi tọa đàm có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh; đại diện UBMTTQ Bình Dương, đại diện các sở, ban, và đại diện Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố trong tỉnh.
Ông Phan Trung Toàn - Trưởng ban Phong trào Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Dương cho biết, toàn tỉnh hiện còn 1.832 hộ nghèo (0.64%), 4.027 hộ cận nghèo (1,4%), tiêu chí hộ nghèo của tỉnh, thường xuyên cập nhật và điều chỉnh cao hơn mức chung của cả nước... góp phần việc đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh. Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang xây dựng trình HĐND tỉnh chuẩn nghèo đa chiều, mức tiêu chí thu nhập 1,2 và 1,4 triệu đồng.
Qua triển khai thực hiện, nhiều cách thức, kinh nghiệm làm hay đã được thực hiện phong phú, sinh động, trong đó thành công của Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” là được cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; các sở, ban ngành có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ cùng cấp để triển khai thực hiện cuộc vận động; các thành viên của Mặt trận đã lồng ghép các nội dung của cuộc vận động vào phong trào, chương trình công tác của tổ chức mình, xem đây là một nội dung tiêu chí thi đua và triển khai đến các cấp thực hiện, do đó đã tạo nên hiệu quả thực hiện cuộc vận động từ tỉnh đến cơ sở.
Qua 20 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đến nay toàn tỉnh có 158 khu, ấp đạt văn hóa 6 năm liên tục trở lên và nhiều khen thưởng của các cấp cho các đơn vị có thành tích trên 10 năm đạt các danh hiệu Văn hóa. Cuộc vận động đã không ngừng được phát huy, mở rộng và ngày càng nâng cao về chất lượng và hiệu quả. Toàn tỉnh có 91/91 xã, phường, thị trấn và 586/586 khu dân cư thực hiện cuộc vận động.
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Triển khai các hoạt động một cách bền vững
Ông Hoàng Quốc Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phú Giáo cho rằng, công tác giảm nghèo là một cuộc vận động lớn nên cần phải có sự tham gia của tất cả các ban, ngành, đoàn thể. Cần tổ chức khảo sát, đối thoại với các hộ nghèo xem họ cần gì để hỗ trợ. Đối với người nghèo, quan niệm “cho cần câu chứ không cho con cá” là chưa đủ, đối với người nghèo cho “cần câu” rồi cũng cần cho thêm “mồi câu”, thậm chí là cần phải chỉ chỗ nào nhiều cá, nói cụ thể hơn cho vay vốn không là chưa đủ, mà phải theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ họ làm ăn. Trên thực tế, đã có những hộ nghèo thiếu vốn nhưng không dám vay vì có vay về cũng chẳng biết làm gì, rồi chẳng biết lấy đâu để trả nợ.
Bà Nguyễn Ngọc Phượng- Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Thuận An đề nghị, cần phải có kế hoạch hỗ trợ về nhà ở cho người nghèo, vì “an cư lạc nghiệp’, mới giảm nghèo bền vững được.
Trong khi đó, ông Trần Khắc Thạch - Phó Giám đốc Sở Xây dựng đề nghị, cần có kế hoạch tuyên truyền vận động thuyết phục người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Bà Hồ Thị Quang Ngọc, đại diện Sở NN và PTNT mong muốn Mặt trận Tổ quốc các cấp hỗ trợ thêm để giữ vững và nâng cấp các tiêu chí “mềm” như tiêu chí văn hóa, an ninh trật tự…
Đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Dương kiến nghị, cần sớm triển khai các cơ chế, quy định, hướng dẫn, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; hướng dẫn cụ thể về nguồn kinh phí cho Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp thực hiện tuyên truyền, vận động về chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, để động viên khích lệ cuộc vận động, cần kịp thời tuyên dương, khen thưởng để tạo sự đồng tình hưởng ứng thực hiện cuộc vận động ngay từ khi bắt đầu phát động, đồng thời phổ biến, nhân rộng công khai rộng rãi các mô hình sáng tạo, cách làm hay, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu cuộc vận động trong thời gian tới.
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao những kết quả về công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của tỉnh Bình Dương. Bình Dương là tỉnh có vị trí chiến lược về nhiều mặt của khu vực cũng như cả nước. Bình Dương lại có nhiều điều kiện thuận lợi như về nhân lực, vật lực để thực hiện tốt các vấn đề trên.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị Bình Dương cần phát huy những lợi thế của mình để thực hiện hiệu quả hơn nữa những nhiệm vụ trên. Đối với các tiêu chí xây dựng, cần phải lựa chọn sát với tình hình thực tế của địa phương từ đó chọn những tiêu chí trọng điểm để triển khai hiệu quả; tiếp tục giảm nghèo theo hướng đa chiều nhằm hỗ trợ giảm nghèo bền vững; hỗ trợ, tuyên dương, khích lệ những người nghèo biết vươn lên, giúp đỡ những người nghèo khác. “Ghi nhận những đóng góp sát thực của các đại biểu, đó là cơ sở để chúng tôi kiến nghị ban hành những chính sách phù hợp, hiệu quả” - Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết.
Trả lời các đại biểu tại sao không giữ các tên gọi cũ là Cuộc vận động Ngày vì người nghèo và Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư mà thay vào đó là Cuộc vận động giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, tên gọi mới không làm mất đi ý nghĩa, việc làm, vai trò của nó mà cuộc vận động này bao hàm cả các cuộc vận động trên và nhất là không chồng chéo, đan xen các cuộc vận động của các ngành khác, như vậy hiệu quả công tác sẽ cao hơn.
Trước đó, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đã tới khảo sát các mô hình sản xuất năng suất cao của bà con nông dân ở xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Quốc Định