Tiếng nói chung

Duy Khang 26/11/2015 09:15

Khoảng 10 năm qua, bài toán về cải tạo chung cư cũ là rất nan giải, khi mà cả Nhà nước, chủ đầu tư và người dân đều chưa tìm được tiếng nói chung. Nhưng có thể kỳ vọng rằng, giờ đây, vấn đề  “hóc búa” này ít nhiều đã có lời giải.

Hiện Hà Nội có khoảng 1.500 chung cư, tập thể cũ, phần lớn các chung cư này đều đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm” do đã được xây dựng từ những năm 1960. “55 tuổi đời”, các chung cư, tập thể cũ ở Hà Nội đều đã không còn là nơi trú ngụ an toàn của người dân thủ đô, bởi nguy cơ sập đổ có thể đến bất cứ lúc nào.

Trường hợp tòa biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo vừa bị đổ mới đây cho thấy, thực trạng mất an toàn của người dân sống ở những công trình xây dựng từ thời “cổ lai hy” đã ở mức báo động đỏ. Vậy nhưng, bất chấp sự an toàn của người dân đang bị đe dọa từng ngày từng giờ, các chung cư cũ nát ở thủ đô Hà Nội và cả TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Mặc dù nhà quản lý đã “săn tay” vào cuộc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ từ 10 năm nay, song thực tế, không có sự chuyển biến đáng ghi nhận. Đến nỗi, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã phải thốt lên rằng, cải tạo chung cư cũ như “khó như húc đầu vào đá”.

Sở dĩ, vấn đề cải tạo chung cư cũ ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hơn 10 năm qua vẫn giậm chân tại chỗ, là bởi, “3 nhà”: Nhà nước, chủ đầu tư và người dân suốt một thập kỷ qua đã không tìm được tiếng nói chung. Điều này cũng được chính Ông Nguyễn Thế Thảo thừa nhận khi cho rằng, nguyên nhân dẫn đến chính sách cải tạo chung cư cũ gặp khó, là do thiếu cơ chế đồng bộ, lợi ích của các bên tham gia không được đảm bảo và thiếu cả những chế tài đủ mạnh để cải tạo chung cư cũ.

Trong suốt thời gian dài vừa qua, “3 nhà” chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này là bởi người dân không muốn dời đi do lo ngại không có cơ hội quay về nơi cũ sinh sống, hệ số đền bù thấp, ngại thay đổi môi trường sống… Còn phía DN, chủ đầu tư, họ không mặn mà do lợi ích từ việc cải tạo chung cư cũ không đủ sức hấp dẫn.

Đối với hầu hết DN, cái khó nhất trong việc cải tạo chung cư cũ nằm ở khâu giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư, vì cũng bỏ ra một khoản tương đương, nếu DN đầu tư ở một dự án khác, tuy xa hơn nhưng lợi nhuận chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều. Trong khi đó, Nhà nước không muốn gia tăng mật độ dân cư, thay đổi quy hoạch kiến trúc nên không cho phép xây cao tầng… Rõ ràng, cả 3 nhà, ai cũng có lý lẽ riêng của mình. Và khi lợi ích của 3 nhà chưa được cân bằng, thì chắc chắn bài toán cải tạo chung cư cũ chưa thể có lời giải hợp lý.

Trước những nan giải trong vấn đề cải tạo chung cư cũ, thời gian qua, nhà quản lý đã nỗ lực vào cuộc để tìm ra những giải pháp nhằm tháo gỡ những nút thắt trong mục tiêu cải tạo chung cư cũ mà suốt hơn 1 thập kỷ qua chưa làm được. Mới đây nhất, Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định 101/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Nghị định này ra đời được coi là một trong những chính sách mang tính chiến lược, gỡ bỏ những nút thắt đã trói buộc mục tiêu cải tạo chung cư cũ của nhà quản lý bấy lâu nay. Theo Nghị định 101, chủ đầu tư sẽ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với toàn bộ phần diện tích đất được giao trong phạm vi dự án (kể cả phần diện tích đất được phép chuyển mục đích sử dụng).

Chủ đầu tư dự án cũng sẽ được phép điều chỉnh hệ số sử dụng đất, tăng chiều cao công trình và được cung cấp miễn phí các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình về nhà ở cũng như các tiến bộ khoa học kỹ thuật về thi công, xây lắp nhằm đảm bảo giảm giá thành xây dựng công trình…

Về phía người dân, Nghị định cũng nêu rõ: Người dân sẽ có quyền được chọn chủ đầu tư dự án đầu tư để xem xét, lựa chọn nhà đầu có năng lực tham gia thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Đặc biệt, theo Nghị định này, Nhà nước cũng sẽ trực tiếp tham gia vào đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) với nhà đầu tư.

Nhìn một cách tổng thể, Nghị định 101 đã cơ bản tháo gỡ được những vướng mắc, tồn tại khiến cho cả nhà quản lý, DN và người dân đều không đồng thuận mỗi khi nói đến cải tạo chung cư cũ. Khi bài toán khó đã tìm được lời giải, nút thắt đã được gỡ bỏ, dư luận xã hội đang đặt nhiều kỳ vọng vào một sự đột phá trong mục tiêu cải tạo chung cư cũ thời gian tới.

Duy Khang