VN kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình
Hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia và là thành viên có trách nhiệm của cộng động quốc tế. Việt Nam nhất quán không liên minh với nước này để chống phá nước khác, đồng thời kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Angela Merkel.
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức, sáng 26/11, tại Viện Koerber, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu quan trọng về an ninh châu Á - Thái Bình Dương. Trước đó, chiều 25/11 (theo giờ Berlin), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Angela Merkel hài lòng về việc hai bên có nhiều cơ chế hợp tác hiệu quả, đánh giá cao sự phát triển nhanh và bền vững của trao đổi thương mại song phương. Trong vòng 5 năm trở lại đây, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp đôi, từ 4,1 tỉ USD năm 2010 lên 7,8 tỉ USD năm 2014.
Đức luôn duy trì vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU, chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU. Nhiều doanh nghiệp lớn của Đức đã có mặt và hoạt động hiệu quả tại Việt Nam như Siemens, Mercedes-Benz, Bosch, B.Braun, Messer, Allianz...
Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp của Đức vào Việt Nam còn khiêm tốn, hiện mới đạt 1,41 tỉ USD, đứng thứ 5 trong EU. Hai nhà lãnh đạo cho rằng Việt Nam và Đức có thế mạnh và cơ cấu kinh tế mang tính bổ trợ cho nhau, cùng nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại lên 20 tỉ và đầu tư của Đức tại Việt Nam lên 5 tỉ USD trong vòng 5 năm tới.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn Chính phủ Đức tiếp tục ưu tiên dành khoản viện trợ phát triển 220 triệu USD cho Việt Nam giai đoạn 2015-2017, tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên là năng lượng, môi trường và đào tạo nghề.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá cao sự hội nhập thành công của cộng đồng trên 125.000 người Việt tại Đức, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển và sự thịnh vượng của nước Đức và cam kết Chính phủ Đức sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm ăn ổn định.
Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Đức ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam và ASEAN giải quyết vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC).
Phát biểu tại Viện Koerber, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu bật tầm quan trọng địa chiến lược của châu Á - Thái Bình Dương trên bản đồ chính trị thế giới và vai trò động lực của khu vực trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bên cạnh rất nhiều cơ hội, thách thức đối với an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương cũng gia tăng.
Nhấn mạnh “Hòa bình và phát triển là lợi ích chung của các nước trong khu vực; đi ngược lợi ích này là đẩy lùi lịch sử”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng: Châu Á - Thái Bình Dương cần có một cấu trúc an ninh khu vực toàn diện và hiệu quả, được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích của nhau; các nước ứng xử và hành động có trách nhiệm; giải quyết các bất đồng, các tranh chấp lãnh thổ, trong đó có vấn đề Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình thông qua đối thoại, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển của LHQ năm 1982.
Về chính sách đối với khu vực, Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia và là thành viên có trách nhiệm của cộng động quốc tế. Việt Nam nhất quán không liên minh với nước này để chống phá nước khác, đồng thời kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.