Tạo thế và lực để Tây Nguyên phát triển bền vững

Phạm Hưởng 26/11/2015 23:28

Ngày 26-11, tại thành phố Pleiku (Gia Lai), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng Tây Nguyên. Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Trần Đại Quang Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên dự và chỉ đạo hội nghị.

Tạo thế và lực để Tây Nguyên phát triển bền vững

Đại tướng Trần Đại Quang phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Vùng Tây Nguyên có diện tích tự nhiên khoảng 5.464,11 nghìn ha (chiếm 16,5% cả nước); dân số 5.462.961 người (chiếm 6,06% cả nước); mật độ dân số 100 người/km2; có khoảng 630km đường biên giới Lào và Campuchia với các cửa khẩu quốc tế trên tuyến hành lang Đông – Tây, phía Đông tiếp giáp với các tỉnh duyên hải có các cảng biển nước sâu (như Dung Quất, Chân Mây, Nhơn Hội....); phía Nam tiếp giáp với các tỉnh Đông Nam Bộ là khu vực tăng trưởng kinh tế cao nhất của cả nước. Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh lại vừa có điều kiện kết nối và phát triển kinh tế.

Trong 5 năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên đã được Chính phủ quan tâm đầu tư với tổng số vốn bố trí và huy động khoảng 60.682 tỷ đồng cao hơn nhiều so với giai đoạn 2006 – 2010 . Nhiều công trình giao thông trọng yếu đã được đầu tư hoàn thành làm thay đổi bộ mặt của Vùng như đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, QL19, QL20, QL28 và các cảng hàng không: Buôn Ma Thuột, Liên Khương và Pleiku. Cùng với đó, hoạt động vận tải đã từng bước được quản lý chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực; đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ vận tải đã tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hành khách, hàng hóa trong vùng thông suốt, nhanh chóng.

Phát biểu tại hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt mang tính đột phá của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương thực hiện có kết quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị, trong đó có sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải ở vùng Tây Nguyên; biểu dương các tổ chức, đơn vị trong vùng cùng chung tay góp sức tham gia. Từ những việc làm đó đã tạo nên diện mạo mới ở các địa phương trong vùng, kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh ở từng địa phương; nhất là đời sống trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước được cải thiện và nâng cao. Theo đó là an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực, trong những năm qua cả 3 tiêu chí về an toàn giao thông trong vùng đều giảm rõ rệt.

Mặc dù đã đạt được một số kết qủa nhất định nhưng đánh giá về tổng thể kết cấu hạ tầng cho toàn vùng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Vì vậy, Đại tướng Trần Đại Quang đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải và các tỉnh trong vùng cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp quan trọng, trong đó giải pháp về huy động nguồn vốn được coi là hàng đầu và có tính chất then chốt. Theo đó, tổng nguồn vốn dự kiến huy động để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên trong giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 115.066 tỷ đồng, phấn đấu đến năm 2020 góp phần cùng cả nước cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Phạm Hưởng