TP Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp quy hoạch giao thông

Thành Luân 26/11/2015 23:32

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và Thụy Điển về “Giải pháp giao thông công cộng bền vững và an toàn” do UBND TP HCM phối hợp cùng Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức vào ngày 26/11 tại TP HCM đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông nhằm cải thiện chất lượng sống cho cư dân đô thị.

TP Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp quy hoạch giao thông

Ùn tắc giao thông tại TP Hồ Chí Minh.

Kết quả khảo sát về chỉ số đánh giá môi trường cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có chất lượng không khí ô nhiễm tệ nhất, đứng thứ 8 từ dưới lên trong tổng số 178 quốc gia được khảo sát. Một phần nguyên do là sự gia tăng sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân tại các đô thị nhưng chính quyền chưa có giải pháp phù hợp.

Cùng với đó, TS Khuất Việt Hùng cho biết, phương tiện cơ giới tăng trưởng với tốc độ nhanh (7,3%/năm với xe máy và 6,3%/năm với ô tô) sẽ đặt ra gánh nặng cũng như sức ép rất lớn với dự báo khoảng 850 xe ô tô và 9000 xe gắn máy đăng ký mới mỗi ngày. Trong khi đó theo ông Hùng thì mật độ đường giao thông hiện nay cũng đang đặt ra vấn đề với tỷ lệ 0,3km/km2 và 1,12km/1000 người.

Dù thực trạng ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông cơ giới đưa lại đang gia tăng cảnh báo đến sức khỏe cư dân đô thị, tuy nhiên Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhìn nhận các chính sách quản lý hệ thống giao thông hiện nay dù có hiệu quả bước đầu nhưng cơ sở hạ tầng giao thông vẫn trong tình trạng quá tải. Vấn đề được đặt ra là phải nhanh chóng tái cấu trúc hệ thống giao thông vận tải, trong đó có giao thông công cộng của các đô thị, đặc biệt là hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP HCM.

Bà Camilla Mellander – Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho rằng, giao thông công cộng là một yếu tố cạnh tranh quan trọng của các đô thị để duy trì tăng trưởng kinh tế, cũng như tạo hấp lực thu hút du lịch, đầu tư thương mại, hạ tầng, dịch vụ từ các nước. Ngoài ra, từ góc độ người dân cũng mong đợi các giải pháp giao thông công cộng tại TP HCM ngày càng hoàn thiện hơn, đặc biệt là khắc phục ngập úng, triều cường, giảm ùn tắc giao thông để cải thiện chất lượng cuộc sống cho cư dân đô thị.

Các chuyên gia Thụy Điển tính toán, dự báo đến năm 2025 thì dân số của Việt Nam sẽ tăng lên 50% so với hơn 90 triệu dân hiện nay. Trong đó, các khu vực đô thị dự kiến sẽ tăng từ 700 (2014) lên đến 1.000 khu đô thị và sự phát triển này sẽ tạo ra nhu cầu về các giải pháp giao thông mới.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Hồng Minh - Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, thành phố đang ưu tiên phát triển hệ thống giao thông đường sắt và xe buýt trên địa bàn. Trong tầm nhìn đến 2020 thì thành phố sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị, 3 tuyến đường sắt mặt đất, xuyên tâm cùng với 200 tuyến xe buýt nối các trung tâm thành phố.

Với quyết tâm quy hoạch hệ thống giao thông đô thị đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế, TP HCM kỳ vọng sẽ học hỏi được kinh nghiệm quy hoạch của các nước phát triển, trong đó có Thụy Điển.

Giáo sư Marie Thuynell (Trung tâm nghiên cứu thuộc Đại học Gothenburg, Thụy Điển) cho rằng, TP HCM là một trong những đô thị có quy mô phát triển khá hoàn thiện về hạ tầng. Vấn đề hiện nay là ưu tiên các loại hình giao thông công cộng bền vững, xây ở đâu, như thế nào để giảm khí thải ô nhiễm. Giáo sư Marie Thuynell dẫn chứng quá trình đô thị hóa trước đây ở Thụy Điển vào năm 1990 khảo sát lượng phát thải đã giảm khoảng 9% trong khi GDP đã tăng gần 50% và số lượng tai nạn giao thông đã giảm một nửa từ 2000 vụ (2013) chỉ còn 30 vụ/1 triệu dân/năm.

Trong khi đó tại Việt Nam, tình trạng tai nạn giao thông đang ở mức nhức nhối, cứ 1 triệu dân thì có gần 250 người tử vong, cao hơn mức trung bình của khu vực các nước EU đến 75 nạn nhân. Do đó, GS Marie Thuynell cho rằng, việc mở rộng hệ thống giao thông công cộng và quy hoạch tổng thể đô thị thì những con số này có thể được giảm đáng kể.

Tại hội thảo, các chuyên gia Thụy Điển gợi ý nhiều giải pháp quy hoạch giao thông công cộng cho TP HCM. Đáng chú ý, kinh nghiệm trong hệ thống giao thông tích hợp ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển; chia sẻ về vận hành thống nhất toàn bộ hệ thống xe buýt trong thành phố, tàu điện ngầm và tàu hỏa của Sở Giao thông công cộng Stockholm cũng được đưa ra gợi ý cho TP HCM trong tầm nhìn quy hoạch giao thông công cộng.

Hà Nội: Hơn 2.100 tỷ đồng để giảm ùn tắc giao thông

Theo Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020 sẽ giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông và không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên địa bàn Thành phố, qua đó góp phần giảm tai nạn từ 5-10% hằng năm trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Để đạt được chương trình mục tiêu này sẽ phải chi 2.167 tỷ đồng, phân bổ theo ngân sách chi tiêu hằng năm.
Trong giai đoạn 2016-2020, TP Hà Nội sẽ triển khai 6 dự án có vai trò quan trọng giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông với tổng số vốn 81,5 tỷ đồng.

Q. Hưng

Thành Luân