Ân tình với Lào Cai

Thư Hoàng 27/11/2015 16:17

Nhà văn Ma Văn Kháng được nhiều độc giả mến mộ với những truyện ngắn và tiểu thuyết về vùng cao. Ma Văn Kháng đã có nhiều năm tháng làm giáo viên ở Lào Cai. Đó là “vùng thẩm mỹ đầy bí ẩn đã mê hoặc tôi ngay từ khi tôi vừa đặt chân đến” để sau đó hiện lên trong các tác phẩm của ông, và cho đến hôn nay, nhà văn Ma Văn Kháng vẫn viết về vùng đất ấy với bao yêu thương, day dứt.

Nhà văn Ma Văn Kháng.

Hình ảnh người thầy và vùng cao trong tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng

1. Nhà văn Ma Văn Kháng chia sẻ, văn chương đến với ông cũng là một sự tình cờ. Thuở nhỏ ông rất thích văn học, nên đã viết gửi các cuộc thi của nhà trường. Tuy vậy hồi ấy ông không nghĩ mai này sẽ là nhà văn. Lớn thêm chút nữa ông đọc nhiều tiểu thuyết lãng mạn và trong thâm tâm chàng trai Đinh Trọng Đoàn bắt đầu tâm niệm mình sẽ phải viết. Sau khi học xong Sư phạm, bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời, có lẽ là quyết định đi Lào Cai lập nghiệp.

“Năm 1954, sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm ở Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc), tôi lên dạy học ở miền núi Lào Cai. Dạy trường cấp 2. Đến năm 1961 về Hà Nội học Đại học Sư phạm Hà Nội I, năm 1963 lại trở lên Lao Cai, dạy môn Văn và làm hiệu trưởng trường cấp 3”, nhà văn Ma Văn Kháng kể.
Đang làm hiệu trưởng thì ông được điều về làm thư ký cho Bí thư Tỉnh ủy Lao Cai. Đến thời kỳ sáp nhập 3 tỉnh Lao Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ, thừa nhân sự, thì ông mới có cơ hội xin về Hà Nội. Gần 1/4 thế kỷ sống và làm việc với người xứ đồng rừng đã để lại trong ông những ân tình và giúp cho ông có vố sống dày dặn về phong tục, tập quán của người vùng cao. Vì thế, khi cầm bút viết văn, những trang văn của ông thấm đẫm sương mù, gió lạnh và con người vùng núi cao cũng là điều dễ hiểu.
“Những năm tháng sống ở vùng cao cho mình cái nhìn rất tốt đẹp về hình ảnh người thầy giáo. Thời đó, thầy giáo là một hình mẫu điển hình cho sự dâng hiến hoàn toàn cho học sinh. Thầy giáo không chỉ đứng lớp dạy chữ, dạy kiến thức cho học trò, mà còn đồng hành với học trò trong cả cuộc sống. Nhiều thầy cô đến tận nhà học sinh để dạy, để đưa các em qua sông qua suối, chứ làm gì có chuyện thầy dạy lấy tiền như bây giờ”, nhà văn Ma Văn Kháng tâm sự.

Một số tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng.

Với đề tài thầy giáo và nhà trường, về tiểu thuyết nhà văn Ma Văn Kháng có 2 cuốn. Đó là cuốn “Đám cưới không có giấy giá thú” và cuốn “Gặp gỡ ở La Pan Tẩn”. Bên cạnh đó, những truyện ngắn của ông cũng là nơi chân dung người giáo viên hiện ra đậm đặc như: Người đánh trống trường, Thầy Khiển, Thầy Phùng kỳ quặc, Thầy dạy Toán… Đó là những tấm chân dung vui có, buồn có, nhưng thấm đẫm tình người nơi vùng núi cao heo hút.
Nói về vai trò của người thầy cô, nhà văn tâm sự: “Đối với tôi, trong sự hình thành những cơ sở đầu tiên của một nhà văn, tất cả đều là nhờ thầy cô. Nếu hôm nay tôi có được bạn đọc công nhận là nhà văn thì công lao tạo nên tôi, trước hết là thuộc về nhà trường, nơi trau dồi lý tưởng sáng đẹp, nơi dạy tôi tình yêu đối với tiếng Việt, nơi cho tôi thấy cái đẹp kỳ lạ, cái sức mạnh vô hình, lớn lao của ngôn ngữ ông cha”.

2. Truyện ngắn đầu tiên của Ma Văn Kháng đăng trên báo Văn học tháng 3-1961 tới nay đã 54 năm. Hơn nửa thế kỷ cầm bút, đã mang đến cho ông một sự nghiệp văn chương mà nhiều người ao ước. Cái tên Ma Văn Kháng luôn đảm bảo cho người đọc, dù cái tên ấy chưa bao giờ có sách bán chạy trên văn đàn. Ông là người cặm cụi với công việc viết văn. Và chính ông, cũng đã buông lời cảm thán: Nghĩ lại quãng đời viết văn của mình, tôi thấy hơi bất ngờ là tại sao mình lại bền bỉ, chịu thương chịu khó đến thế!
Đối với Ma Văn Kháng, viết văn trước tiên là câu chuyện về số phận con người, sự đấu tranh của mỗi người để hướng tới cái đẹp cái thiện. Bây giờ nhìn lại đời văn của mình, nhà văn Ma Văn Kháng vẫn thường cảm ơn những năm tháng sống và làm “một ông thầy thực thụ, đúng nghĩa” trên Lào Cai. Đó là một thời không thể nào quên, nó trang bị cho ông vốn sống, để sau này trở thành chất liệu vàng ròng làm nên những tác phẩm văn học nổi tiếng về các dân tộc vùng núi phía Bắc, như: “Đồng bạc trắng hoa xòe”, “Vùng biên ải”, “Gặp gỡ ở La Pán Tẩn”, “Một mình một ngựa”…

“Mảnh đất Lào Cai mang lại cho tôi vốn sống về dân tộc rất lớn”, nhà văn Ma Văn Kháng nói. “Hiện thực chứa đựng trong nó những khuynh hướng thẩm mỹ lớn, vừa dồi dào chất liệu, và chưa một nhát cuốc khai đào”. Ông cũng cho rằng, hồi đó ông có được sự may mắn. “May mắn là tôi được sống lăn lóc như một người bình thường. Có thể ở mãi với nghề nhà giáo viết mãi cũng sẽ thành nhà văn, nhưng cái nhãn quan sẽ không như một nhà văn chuyên nghiệp”, nhà văn quan niệm.
Sắp bước vào tuổi 80, hiện ông đang sống trong ngôi nhà khang trang trong ngõ nhỏ trên phố Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội. Dù tuổi cao, hàng ngày phải uống thuốc điều trị, khi sức khỏe cho phép, ông vẫn ngồi bàn viết. Ông hoàn tất những cuốn sách còn dang dở, viết thêm những truyện ngắn, những bài tản văn hoặc những tiểu luận về nghề văn. Mấy năm nay, những tác phẩm của ông vẫn đều đặn ra đời. Có thể kể đến: “Bến bờ”, “Chuyện của Lý” (tiểu thuyết); “Xa xôi Thôn Ngựa Già” (tập truyện vừa); “Nhà văn anh là ai?”, “Phút giây huyền diệu” (tiểu luận và bút ký)…
Có một điều khá thú vị, ông viết và làm việc với máy vi tính rất thành thạo. Nhiều người ở thế hệ ông nhìn thấy máy tính là sợ, thậm chí có người còn bảo viết văn bằng máy tính sẽ mất đi cảm xúc. Ma Văn Kháng thì không nghĩ thế. Với ông, máy tính thật tuyệt vời, công việc trước đây phải giải quyết trong một tuần, giờ ông làm xong trong một buổi. Ông còn sử dụng máy tính để vào mạng gửi email thăm bạn bè, gửi tác phẩm tới các nhà xuất bản và tòa soạn báo. Những tháng cuối năm nay, nhiều tòa soạn đặt truyện, đặt bài cho báo Tết, ông cũng tranh thủ viết. Với ông, đề tài vùng núi cao Tây Bắc vẫn còn nhiều điều hấp dẫn, viết mãi chưa hết…

Nhà văn Ma Văn Kháng tên thật là Đinh Trọng Đoàn, sinh ngày 1-12-1936 tại làng Kim Liên - nay là phố Kim Hoa, phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội. Từ năm 1976 đến nay ông sống tại Hà Nội, đã từng là Tổng Biên tập, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Lao động, Tổng Biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam.
Nửa thế kỷ viết, ông đã được trao nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Văn học ASEAN, Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm (2001), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm (2012).

Thư Hoàng