Xây dựng thương hiệu nông sản Việt
Việt Nam có nhiều sản phẩm đặc sản như vải Thanh Hà, bưởi Diễn, bưởi Năm Roi, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc… tuy nhiên, các sản phẩm đó vẫn chưa được ghi dấu trên thị trường quốc tế. Làm sao để tăng được giá trị, xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm nông sản - đó là điều trăn trở lâu nay của những người tâm huyết với ngành nông nghiệp Việt.
Bưởi Năm Roi Vĩnh Long.
Và câu chuyện trên tiếp tục được đặt ra tại hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm vùng miền thông qua liên kết vùng” được Cục Xúc tiến – Thương mại (Bộ Công thương) tổ chức ngày 27/11, tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, là một nước nông nghiệp, Việt Nam có nhiều sản vật ở hầu hết các vùng miền, không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn đang được xuất khẩu mạnh mẽ ra thị trường thế giới với vị thế dẫn đầu. Theo khảo sát của Viện nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam, từ năm 2008, nước ta đã có trên 40 mặt hàng đạt tiêu chí chỉ dẫn địa lý quốc gia và trên 750 các mặt hàng đặc sản khác nhau. Thực tế, các mặt hàng đặc sản vùng miền đem lại thu nhập và việc làm cho trên 10 triệu lao động ở các vùng nông thôn của Việt Nam.
Tuy nhiên, do thiếu sự liên kết chặt chẽ từ nhà sản xuất đến nhà phân phối, đặc biệt, các DN xuất khẩu nông sản chưa chú trọng trong việc đẩy mạnh quảng bá thương hiệu nên các sản phẩm nông sản Việt vẫn ở tình trạng lép vế ở ngay chính trên bàn ăn của người tiêu dùng Việt. Và điều này sẽ trở thành nguy cơ khiến các sản phẩm nông sản Việt thua ngay tại sân nhà khi chúng ta hội nhập sâu thêm vào kinh tế thế giới với AEC và TPP.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, hoạt động kết nối vùng miền là một trong những giải pháp hữu hiệu để đẩy mạnh tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản của các địa phương. Riêng với TP Hồ Chí Minh, ông Hòa cho biết, đến nay, thành phố đã xúc tiến hơn 800 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với giá trị giao dịch trên 19 tỉ đồng/năm.
Thông qua hoạt động kết nối cung-cầu, nhiều sản phẩm đặc sản của các địa phương, vùng miền đã được đưa vào hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn Thành phố.
Tuy nhiên, ông Hòa cũng thừa nhận, hoạt động hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối ở thành phố đến nay vẫn còn đối mặt với những khó khăn, thách thức khi nhiều sản phẩm thế mạnh tiềm năng của các địa phương vẫn còn sản xuất theo quy mô nhỏ, chủ yếu sản xuất thủ công, chưa đảm bảo tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì sản phẩm và chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm… mà các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại đưa ra.
Tại hội thảo, ông Lê Quốc Vinh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Le Invest đưa ra một đề xuất khá thú vị, đó là nhà nước và các DN tư nhân cùng kết hợp xây dựng chợ đặc sản vùng miền. Theo ông Vinh, chợ đặc sản này sẽ là nơi quy tụ các sản phẩm nông sản là thế mạnh của các địa phương.
“Tôi thấy ngoài các chợ cóc, chợ truyền thống hiện nay, người ta bày bán la liệt các mặt hàng đặc sản của các địa phương như cam Hà Giang, bưởi Diễn… Song, các sản phẩm đó có thật là cam Hà Giang xịn, bưởi Diễn xịn hay không, chỉ có người bán hàng mới biết” - ông Vinh nêu thực tế.
Và cho rằng, chúng ta rất cần xây dựng một khu chợ đặc sản riêng. Ở đó người tiêu dùng có thể tìm mua tất cả những sản phẩm đã có thương hiệu như bưởi Diễn, vải Thanh Hà, nước mắm Phú Quốc… mà hoàn toàn yên tâm về chất lượng sản phẩm.
“Đây sẽ là mô hình chợ truyền thống kết hợp với phong cách phục vụ hiện đại. Các ki - ốt trong chợ được phân chia theo chủng loại hàng hóa và vùng miền. Đặc biệt, chợ phải có kho chứa hiện đại, an toàn, giao hàng nhanh chóng, tin cậy để có thểm đảm bảo tính an toàn vệ sinh thực phẩm cho các sản phẩm nông sản. Từ khu chợ này, các sản phẩm nông sản Việt sẽ có cơ hội khẳng định thương hiệu ở thị trường trong nước cũng như vươn ra thế giới” – ông Vinh nêu quan điểm.