Về đâu ngành chữa bệnh cứu người
Là trường tư thục chuyên đào tạo các ngành kinh tế, công nghệ thông tin nhưng ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội vừa được Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) cho phép đào tạo hai ngành y, dược. Sự “ư ái” của Bộ GD-ĐT cho một trường dân lập với mức điểm tuyển sinh khiêm tốn lại đã từng bị “thổi còi” không cho tuyển sinh ngành y, dược vì lo ngại “không đảm bảo chất lượng” đã gây sốc trong dư luận.
Công việc của bác sĩ liên quan mật thiết đến tính mạng và sức khỏe con người,
vì vậy quy trình đào tạo nhân lực ngành y phải hết sức nghiêm túc.
Dư luận không sốc sao được khi ai cũng biết, ngành y là ngành dành lại mạng sống cho từng cá nhân cụ thể. Một nghề cao quý và kén người vào bậc nhất. Dân gian vẫn truyền tụng “thứ nhất y dược, tạm được Bách Khoa...”, để thấy rằng, muốn trở thành lương y phải là những người ưu tú. Chẳng thế mà, từ nhiều năm nay, nếu thi đại học tổng điểm 3 môn không đạt trên 9 điểm cho 1 môn thì đừng hy vọng bước vào giảng đường của trường y, dược.
Thế mà, một trường đại học dân lập sau nhiều năm “mỏi mắt” chờ thí sinh chọn trường mình (Hiệu phó của trường ông Vũ Văn Hóa đã từng tâm sự sau mùa tuyển sinh năm 2015 rằng: “Các thí sinh đạt điểm từ 15 trở lên đã là rất quý với nhà trường. Để giúp thí sinh tỉnh xa đỡ phải đi lại vất vả, trường Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã cấp ngay giấy báo trúng tuyển cho các em trên 15 điểm!) lại được đặc cách đào tạo sinh viên y, dược. Chất lượng đầu vào của sinh viên vốn đã thấp như vậy thế thì tại sao trường lại được cho phép đào tạo bác sỹ, dược sĩ trong tương lai?
Giải thích về việc này, Phó hiệu trưởng Vũ Văn Hóa cho biết trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất đảm bảo việc đào tạo hai ngành y, dược theo đúng quy định. Các giảng viên cũng là những người từng dạy ở Đại học Y Hà Nội và làm việc trong các bệnh viện của Hà Nội. “Các đoàn kiểm tra của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở GD - ĐT đã về trường thẩm tra điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, đảm bảo yêu cầu thì chúng tôi mới được phép mở ngành. Để đảm bảo chất lượng trường sẽ xét tuyển điểm thấp nhất là 20”.
Trả lời Đại Đoàn Kết, việc tự đề ra mức điểm đăng ký xét tuyển thấp nhất là 20 điểm có gì đáng lo ngại không? Ông Nguyễn Minh Lợi - Phó Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) cho hay, “đây là vấn đề rất lo ngại. Bởi, đào tạo các chuyên ngành y, dược là loại hình đào tạo rất đặc biệt, phải hết sức thận trọng vì nó liên quan đến sự an nguy của sức khỏe. Tuy nhiên, để kiểm định chất lượng, trước khi trở thành một bác sĩ hay điều dưỡng, dược sĩ tại các cơ sở y tế, các sinh viên phải qua một kỳ sát hạch lấy chứng chỉ hành nghề… Nếu không đảm bảo chất lượng công việc, họ sẽ bị loại bỏ. Tuy nhiên, ai dám chắc chất lượng của các “sản phẩm” đào tạo từ ngành y sẽ đảm bảo khi mà điểm chuẩn đầu vào đã bị hạ
Vấn đề chất lượng nhân lực ngành y tế đã được lên tiếng báo động nhiều năm qua. Mà một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do có quá nhiều cơ sở đào tạo được phép mở ngành, đặc biệt là các trường dân lập, để “chiêu sinh” họ đã “hạ giá” đầu vào một cách thảm hại. (Điểm chuẩn vào nguyện vọng 1 của ngành y đa khoa Trường ĐH Võ Trường Toản là 16 điểm, ngành dược cũng tương tự. Còn Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 ngành kỹ thuật y học, điều dưỡng khối B chỉ là 14 (tương đương điểm sàn). Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng tuyên bố tất cả các ngành của trường lấy bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT).
Tất nhiên, không thể khẳng định, người giỏi thì từ chối không nhận phong bì, chất lượng y đức cao hơn. Nhưng những vấn đề thuộc về nguyên tắc đã bị thay đổi thì chẳng có gì dám chắc tất cả mọi thứ phải bất biến. Xã hội hóa lĩnh vực y tế, giáo dục là điều chắc chắn phải làm. Chính thị trường lao động quyết định vấn đề chất lượng và trường nào đào tạo kém sẽ mất uy tín, không thể tiếp tục đào tạo thì mới kỳ vọng có đội ngũ cán bộ ngành y có chất lượng. Nhưng muốn thực hiện được điều này phải có sự đổi mới đồng bộ, vẫn còn tình trạng tuyển dụng theo kiểu “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ” thì chẳng ai dám chắc các y sĩ, dược sĩ được hành nghề là những người có tâm có tầm thực sự.
Không phải vô cớ mà các trường y dược luôn có điểm chuẩn rất cao. Đây không chỉ là vấn đề chỉ tiêu mà còn là sự đòi hỏi người học phải đạt mức độ tư duy tốt để có thể tiếp thu được khối kiến thức rất sâu của ngành học. Học sinh khá giỏi mới có khả năng học tốt ngành y dược. Đặc biệt ngành bác sĩ đa khoa gắn với công tác khám chữa bệnh, đòi hỏi người học có kiến thức rất chắc và kỹ năng thực hành giỏi. Cần xác định rõ ràng đào tạo y khoa phải là đào tạo tinh hoa, không thể chạy theo số lượng, tuyển sinh tràn lan được.
Nhiều chuyên gia y tế, giáo dục cho rằng “ngành y tế đụng đến sức khỏe con người, không thể tuyển tràn lan được”... Đồng thời cảnh báo, nếu lỏng đầu vào, khi số lượng đã tràn lan, không còn phân biệt được đâu là bác sĩ, dược sĩ giỏi - kém thì chính người dân phải đánh đổi bằng sức khỏe của mình.