Một kỳ họp nhiều nội dung
“Kỳ họp 10 Quốc hội khóa XIII có rất nhiều thành công. Tại kỳ họp này đã thông qua nhiều dự án luật lớn, thiết thực với cuộc sống như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự… Nhất là trong chất vấn có nhiều đổi mới và đây là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm” - nhận xét của ĐBQH Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) đã phần nào cho thấy một “phác họa” khá nét về kỳ họp áp chót của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
(Ảnh: Hoàng Long)
Khai mạc hôm 20-10 và vừa kết thúc hôm 27-11, kỳ họp kéo dài 5 tuần này “cõng” một chương trình khá nặng trong đó, đáng chú ý có việc thông qua 18 dự án luật, nhiều Nghị quyết; cho ý kiến về 8 dự án luật khác. Xem xét các báo cáo kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016 và xem xét, cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020.
Đối với công tác tư pháp, vì là kỳ họp cuối năm nên theo lệ thường Quốc hội cũng đã dành một thời gian thích đáng xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015; tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014... Về vấn đề giám sát này Quốc hội đã thể hiện quyền tối cao và giám sát mang tính chất đánh giá lại toàn bộ quá trình trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, đặc biệt giám sát cơ quan hành pháp, tư pháp xem đã làm được gì và chưa làm được gì. “Đây là động thái để nhân dân hiểu Quốc hội của ta là có quyền lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng. Đối với những đối tượng được giám sát như hành pháp, tư pháp cũng nhận ra những yếu kém để sửa chữa, để nhân dân biết, cử tri cả nước biết những người được Quốc hội bầu và phê chuẩn đã làm tròn nhiệm vụ với nhân dân, với đất nước hay chưa.”-ĐB Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) nói.
Quốc hội cũng đã quyết định được ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp 2016-2021 vào ngày 22-5-2016. Bầu được Hội đồng bầu cử quốc gia; bầu Tổng Thư ký Quốc hội.
Đánh giá về công tác xây dựng luật, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, nhiệm kỳ này có khối lượng công việc tương đối lớn, có thể nói là quá nặng; bởi đây là nhu cầu của đất nước, của nhân dân thì phải tiến hành sửa những luật đó, nhất là sau khi Hiến pháp 2013 đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, tỏ ý tiếc, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói: “ Nhưng có một điểm tôi thấy, giá mà chúng ta phân chia ra có một số luật chưa cấp bách lắm để thư thả hơn, thậm chí là cho nhiệm kỳ sau, còn ở nhiệm kỳ này chúng ta tập trung vào một số luật cấp bách hơn, nặng hơn, đòi hỏi nhiều công sức và phải có thời gian nhiều hơn thì có lẽ sẽ hài lòng hơn.”
Riêng về chất lượng của kỳ họp lần này, ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng, tinh thần trách nhiệm của các ĐBQH thể hiện rất rõ, ĐBQH đã nỗ lực thể hiện qua các ý kiến đóng góp xây dựng luật.
Còn, Phó Đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh thì đánh giá rất cao kỳ họp Quốc hội lần thứ 10 này. “Đây là một trong những kỳ họp cuối nhiệm kỳ, tôi đánh giá kỳ họp đã hoàn thành được các chương trình đề ra, trong đó có việc đổi mới phương thức phiên chất vấn và một số việc khác. Nhưng bên cạnh những cái được thì vẫn con có những cái mà đại biểu và cử tri cũng cần phải lưu ý và quan tâm. Ví dụ như chất vấn đổi mới rất tốt nhưng hình thức chất vấn như vậy còn quá rộng, có rất nhiều câu hỏi đặt ra trong khi đó điều kiện và thời gian không cho phép, do vậy những vấn đề đó không thể đi được đến cùng”.
Cũng đánh giá về phiên chất vấn được cho là đổi mới, ĐBQH Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho rằng, phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, ĐBQH đã theo đến cùng những vấn đề cử tri quan tâm, những vấn đề bức xúc, tồn tại trong một số lĩnh vực. Theo dõi phiên chất vấn, chúng ta thấy có những lĩnh vực mà người đứng đầu ngành đó, lĩnh vực đó phải trả lời rất nhiều câu hỏi, nhiều lần phải đứng lên để giải đáp vấn đề đại biểu đặt ra. Thậm chí, có những lĩnh vực tuy vị Bộ trưởng quản lý ngành đã phải trả lời nhiều lần nhưng đại biểu vẫn nhận định là từ đầu nhiệm kỳ đến cuối nhiệm kỳ tình hình vẫn thế, tức là những bức xúc, tồn tại của ngành đó dường như không có chuyển biến gì nhiều.
Cùng với công tác xây dựng luật, pháp lệnh, lần này là kỳ họp cuối năm, đưa ra những quyết sách cho cả năm tài khóa tiếp theo nên dù muốn dù không các vấn đề kinh tế- xã hội cũng thu hút sự chú ý của ĐBQH và cử tri. Ở lĩnh vực này, ĐBQH Phan Văn Quý (Nghệ An) nhận định: “Kỳ họp này đã quyết định nhiều vấn đề về kinh tế xã hội, nhất là vấn đề ngân sách và thấy rằng tăng trưởng kinh tế đang theo hướng đi lên với khả năng 6,7%. “Tôi và nhiều ĐB nghĩ rằng, quá trình suy thoái kinh tế đã đi qua, đang đi lên đặc biệt là Hiệp định TPP đã ký kết thì thấy mở ra tương lai lớn nếu các nhà đầu tư, các doanh nghiệp muốn phát triển thì đây là cơ hội. Tôi tin đây là tín hiệu tốt để đầu năm 2016, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng sẽ có những quyết sách phù hợp.”
Năm tuần làm việc với một khối lượng công việc khổng lồ trong một kỳ họp áp chót của nhiệm kỳ, những vấn đề “nước rút” đã được Quốc hội hoàn thành khá suôn sẻ; nếu có chăng một vài nét gợn; trong đó có việc dù đã được Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp nhắc nhở nhưng rõ ràng, vẫn còn nhiều ĐBQH vắng mặt trong thảo luận tại hội trường và tổ; kể cả khi thông qua luật. Đành rằng ĐBQH lại kiêm nhiệm sẽ bận trăm công ngàn việc; nhưng nếu vắng nhiều sẽ ảnh hưởng đến những quyết sách của chính Quốc hội- những quyết sách sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng phát triển cho năm tiếp theo.