Trường kinh doanh đào tạo y, dược như vậy là việc bình thường!
Sáng ngày 28/11, GS Trần Phương, hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội (Trường KDCN) phát biểu như vậy tại một cuộc họp báo nhân sự kiện mới đây nhàtrường được Bộ Giáo dục và đào tạo cấp phép đào tạo hai chuyên ngành mới là y đa khoa và dược học.
GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và
Công nghệ Hà Nội tại cuộc họp báo.
Mở đầu cuộc họp, sau khi giới thiệu Ban lãnh đạo nhà trường trong đó có ông Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, GS Trần Phương, GS Trần Phương, Hiệu trưởng nhà trường có đôi lời “trần tình" với báo chí. Rằng: “Trường chúng tôi hoạt động phi lợi nhuận”, rằng: “Chúng tôi nhằm bất cứ ngành học nào mà đất nước cần mà dạy”, “Các trường tư không bị khống chế bởi bất cứ quy định nào về phạm vi hoạt động”…
Trường đa ngành, tại sao không?
Ví von về cái sự bổ sung này của nhà trường cũng giống như mẹ Âu Cơ với cái bọc trăm trứng, GS Trần Phương đặt câu hỏi: Sao lại gọi ngành y, ngành dược là ngoại đạo đối với trường này? Theo quy định của Bộ Y tế, phải có 50 giảng viên cố hữu trong đó có 6 vị là GS, TS đầu ngành. Khi trình bày với đoàn thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi có 47 vị giảng viên. Các vị ấy cho rằng hồ sơ của chúng tôi “Chưa thật đầy đủ”.
Xin thưa với các vị, để có thể sử dụng hết số giảng viên này, phải có lộ trình vài năm nữa. Khi thẩm định về cơ sở vật chất nhà trường, có vị ban đầu cũng cự nự như vậy, rằng phải có cái này, cái nọ nữa kia. Chúng tôi cũng trả lời như vậy, rằng muốn sử dụng hết những thứ đó, phải có lộ trình. “Ngay đến trường đại học y khoa nhà nước cũng có nơi chưa có nhà giải phẫu xác chết, huống chi chúng tôi. Thiếu gì cách để tiến hành giải phẫu này?
Quang cảnh cuộc họp báo.
Ngoại đạo hay nội đạo?
“Với cái tên “Kinh doanh công nghệ”, nay trường mở thêm các chuyên ngành mới y, dược, thì đã sao?”. Đặt vấn đề như vậy rồi GS Trần Phương tự trả lời: “Xin thưa với các vị, y và dược cũng là những ngành công nghệ, mà lại là công nghệ tinh xảo đấy!” - ông nhấn mạnh.
“Trường chúng tôi có các chuyên gia đầu ngành của hai ngành đó. GS Lê Văn Truyền có 20 năm lăn lộn với ngành dược, thì hỏi rằng còn có ngại gì?”, theo ông Phương.
Ông cho biết, trước khi ký quyết dịnh cho phép nhà trường bổ sung hai lĩnh vực đào tạo như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã làm một việc “quá cẩn thận ” (chữ của GS Trần Phương) là xin ý kiến và đã được Bộ Y tế “chấp thuận”. Tuy nhiên, như chúng tôi đã thông tin tại báo trước, ra ngày 27/11, đây là Bộ Y tế ủng hộ theo hướng nhà trường phải tuân thủ đúng các tiêu chí mà Bộ Y tế đặt ra, chứ không “chấp thuận” một cách vu vơ.
20 điểm đầu vào khoa y, dược là cao (!?)
Theo GS Phương: Có người cho rằng 20 điểm đầu vào của chúng tôi là thấp. Xin thưa rằng đó cũng là cố gắng lắm của các em học sinh. Vấn đề là ở chỗ quá trình đào tạo, kiểm soát đầu ra của nhà trường cũng như sự nỗ lực của sinh viên trong khi học. Chỉ cần một trong 50-60 học phần không đạt, sinh viên sẽ không được lấy bằng. Tức là họ phải qua chừng ấy kỳ thi, sao không yên tâm?
GS Lê Văn Truyền bổ xung: Tôi ủng hộ phân tầng đào tạo. Dược sĩ sau này ra trường sẽ làm cái gì? Phải căn cứ vào đó mà lựa chọn đầu vào. Theo QĐ của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, VN phải có khoảng 2,4 dược sĩ/vạn dân. Nếu chỉ dựa vào 3 trường ĐH dược tốt nhất như hiện nay, mỗi năm họ chỉ tuyển 500 sinh viên đã “không thở” được rồi.
“Không thể chúng ta chỉ tuyển sinh với đầu vào cao ngất ngưởng 28-29 điểm cho 3 môn thi rồi đào tạo ra những dược sĩ suất sắc, làm việc trong các phòng thí nghiệm mà còn phải đào tạo họ ra để tư vấn thuốc, kinh doanh thuốc…”. Và theo ông Truyền, những “chân” này không đến mức phải đòi hỏi họ điểm thi đầu vào quá cao như vậy. Trong một văn bản, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tuyến cũng đã khuyến khích việc đào tạo y dược ngoài công lập như thế(?) - ông Truyền cho hay.
“Chúng ta cần phải “uyển chuyển”, “mềm mại” trong đào tạo và sử dụng sinh viên. Làm sao cho các em sau khi học xong ra trường có thể xin được việc và xã hội không lãng phí đào tạo. Tôi phải mất 50 năm để có thể được nhà nước cấp cho một học hàm, học vị như bây giờ. Khi tôi bắt đầu làm ở Bộ Y tế, nước ta mới chỉ có 0,7 dược sĩ/10.000 dân. Tôi mạnh dạn mở rộng đào tạo và có những đặc cách (Ví như Trường ĐH Y Huế không có đủ các chức danh giáo sư). Trong quá trình hoạt động của nhà trường, tôi huy động thêm nhiều giáo sư từ các trường khác đến trợ giúp. Chính vì cách làm như vậy nên chúng ta mới có được số dược sĩ đông như hôm nay…”.
“Không phải cứ có sinh viên mới phải đầu tư giáo viên cơ hữu. Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ra yêu cầu này”, phóng viên Lê Quý Hiên (báo Thanh Niên) cũng như phóng viên Trần Ngọc Kha (báo Đại Đoàn Kết) đặt vấn đề như vậy để hỏi GS Trần Phương có phải ông coi thường quy định này của Bộ?
GS Trần Phương không trả lời thẳng vào câu hỏi này mà chỉ cung cấp biên bản thẩm định mà theo đó, ông nhấn mạnh kết luận của trưởng đoàn “Hồ sơ đã cơ bản theo đúng quy định của Thông tư 08”. Rất nhiều câu hỏi khác của phóng viên hoặc được trả lời như vậy hoặc bị lãng quên.