Cũng là để giáo dục con cháu
Văn hóa ẩm thực là nét văn hóa đẹp trong cộng động các dân tộc vùng Tây Bắc và đặc biệt trong đó, lễ tôn vinh hạt lúa, cơm mới, cốm mới được nhiều nơi tổ chức hơn cả. Ví như Lễ hội cốm mới của người Thái trắng ở huyện Phong Thổ (Lai Châu). Đây là dịp để người dân dâng cúng sản vật là những hạt lúa non thơm phức để tạ ơn trời đất, cầu mong mưa thuận, gió hòa mùa màng bội thụ, vạn vật sinh sôi phát triển, cuộc sống của người dân được bình yên, vui vẻ. Là dịp để bà con giao lưu, chia sẻ những kinh
Người Cao Lan ở Yên Bái múa Pâng loóng trong lễ cúng cơm mới. Ảnh: baoyenbai.vn.
Thế nhưng, lên với vùng cao ấn tượng nhất với tôi vẫn là lễ hội cúng cơm mới của bà con người dân tộc Cao Lan ở Sơn Dương (Tuyên Quang). Trước đây, cữ độ tháng 10 âm lịch là bà con lại tổ chức lễ cúng cơm mới. Đây chính là dịp các gia đình tạ ơn tổ tiên, đất trời đã phù hộ cho một mùa bội thu, thóc đầy bồ, ngô đầy sân, bếp củi ấm áp…Thế nhưng ngày nay, thay vì tháng 10, lễ cúng lại hay được tổ chức vào khoảng cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 âm lịch.
Tôi đem cái sự ngạc nhiên này hỏi anh Lê - một người dân ở đây rằng, theo truyền thống thì lễ hội phải tổ chức cố định theo đúng tháng, đúng ngày mới có ý nghĩa chứ?
Anh Lê cười bảo, cũng không hẳn đâu, nếp suy nghĩ của bà con mình bây giờ thay đổi nhiều rồi, chúng tôi gìn giữ truyền thống nhưng cũng biết áp dụng cái mới cho phù hợp với cuộc sống hôm nay.
Qua câu chuyện của anh Lê, tôi hiểu được rằng, trước đây bà con ở Cao Lan canh tác giống lúa cũ, thường mỗi năm chỉ có một vụ, năng suất không được là bao nên cái nghèo, cái khó, cái đói cứ quẩn quanh mái bếp mỗi nhà. Thế nhưng, theo lời cán bộ khuyến nông tư vấn bà con đưa giống lúa mới vào trồng, thời gian sinh trưởng ngắn hơn nên một năm có thể trồng hai vụ hoặc trồng thêm một số cây trồng khác, năng suất cao hơn. “Bà con mình nghe, tìm hiểu và thấy hợp lý thế là áp dụng. Giờ giống lúa mới ở đây thời gian sinh trưởng ngắn hơn. Do đó, khoảng cuối tháng 8 là lúa chín vàng trên các thửa ruộng và trong các bản, làng của người Cao Lan ở Sơn Dương bắt đầu rộn ràng chuẩn bị lễ cúng cơm mới.
Anh Lê cho biết thêm, trước đây người Cao Lan cũng quan niệm cứ khi nào lúa chín vàng rực các cánh đồng thì mới bắt đầu tổ chức lễ mừng cơm mới. “Không cứ phải cố định cụ thể vào ngày nào, tháng nào đâu. Ví như năm nào thời tiết thuận lợi, lúa chín sớm thì ăn Tết sớm và ngược lại, năm nào lúa chín muộn thì làm lễ muộn. Nhưng quan trọng là phải chọn ngày lành, tháng tốt và gia chủ phải có tấm lòng thành, tức là lúa chưa làm lễ cúng thì tuyệt đối không được nấu cơm gạo mới, kể cả hôm đó trong nhà hết gạo”.
Lý giải về việc làm này, anh Lê bảo, chúng tôi luôn tâm niệm rằng, đất trời, tổ tiên phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng bội thu, cho người dân được đủ đầy ấm no thì hạt lúa gặt về phải dâng lên cúng đất trời tổ tiên, đó là sự tri ân cũng là cách để giáo dục con cháu mình phải biết nhớ cái công ơn ông bà, cha mẹ - những người làm ra hạt lúa, hạt ngô để nuôi sống mình.
Quả thật, có đi, có nghe mới biết, cái lý của mỗi vùng miền sâu sắc và thấm thía lắm.