Ấn tượng Phú Quốc
Trong cả năm, thời tiết ở Phú Quốc rất ổn định. Vì thế, người ta có thể đến hòn đảo tuyệt với này vào bất kỳ mùa nào. Nhưng theo người dân trên đảo, Phú Quốc đẹp nhất từ tháng 11 tới tháng 2 năm sau, thời điểm này du khách được đắm mình trong với biển xanh, cát trắng, nắng vàng và thưởng thức các loại hải sản tươi ngon.
Đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang. Trên chuyến tàu từ Rạch Giá ra Phú Quốc, cuối tháng 11, biển êm ru, gió phóng khoáng, nắng như dát vàng những cánh sóng... Đảo Phú Quốc được mệnh danh là Đảo Ngọc hiện ra trước mắt chúng tôi. Vừa chạm chân lên đảo, người bạn đi cùng trầm trồ rằng: Có cảm giác như chúng ta đã tới được thiên đường...
Nếu đi theo tour, các công ty du lịch thường bài bản đưa bạn đi theo 3 hướng chính là bắc, nam và đông đảo. Các địa danh ở bắc đảo gồm khu bảo tồn nhiên thiên Bắc đảo, núi Hàm Rồng, gành Dầu, Cửa Cạn, bãi Dài, suối Đá Ngọn, Đá Bàn, đền thờ Nguyễn Trung Trực. Những điểm ở Nam đảo là nhà tù Phú Quốc, suối Tranh, bãi Khem (bãi Kem), vương quốc hồ tiêu, nhà thùng sản xuất nước mắm, cơ sở sản xuất ngọc trai. Phía Đông là Dinh Cậu, chợ đêm, làng chài Hàm Ninh, bảo tàng Cội Nguồn, chùa Sư Muôn (Hùng Long tự)...
Vì tới Phú Quốc kết hợp với chuyến công tác Kiên Giang, còn lại không nhiều thời gian lưu trú, nên chúng tôi mời anh Long- người dân sống ở đảo Phú Quốc dẫn đường.
Chọn phương tiện di chuyển trên đảo bằng chiếc xe máy tay ga, chúng tôi theo anh Long tới Nhà lao Cây Dừa (nhà tù Phú Quốc), nơi mà trước đây chúng tôi chỉ thấy qua những thước phim tài liệu. Tận mắt chứng kiến sự kiên cường bất khuất hiên ngang trước kẻ thù của các chiến sĩ cách mạng; những hiện vật để lại tại đây cho tới ngày hôm nay là minh chứng cho lòng yêu nước của đồng bào - người ta càng hiểu sâu sắc hơn về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.
Câu mực đêm.
Điểm đến thứ hai là Bãi Sao - một trong những bãi biển đẹp nhất của Phú Quốc với không gian yên tĩnh và khí hậu trong lành. Điều đặc biệt là cát ở Bãi Sao có màu trắng tinh và mịn như kem, nước biển xanh trong có thể nhìn thấy những rằng san hô, từng đàn cá tung tăng bơi lội.
Vì thế, hầu hết các khu nghỉ dưỡng tại Phú Quốc đều cung cấp các gói đi bơi và lặn Bãi Sao, chi phí cho chuyến đi này vào khoảng 400.000 đồng. Nhưng đi với “thổ dân”, chúng tôi chỉ chi khoảng 100.000 đồng mỗi người để thuê đồ lặn ở Bãi Sao. Vậy là lần đầu tiên, chúng tôi được thám hiểm cảnh quan dưới nước bao la hoang sơ với cá và những rặng san hô màu sắc rực rỡ.
Để cảm nhận rõ cuộc sống của người dân đảo, anh Long đưa chúng tôi tới làng chài cổ Hàm Ninh. Cuộc sống ở đây gần như còn giữ nguyên vẻ hoang sơ với nhà tranh vách tre tạm bợ. Nghề chính vẫn là nghề lặn ngọc trai, bắt hải sâm hay còn gọi là con đồn đột và giăng lưới ghẹ. Vất vả là vậy nhưng người dân Hàm Ninh luôn chào đón du khách bằng nụ cười trìu mến.
Dừng chân nơi đây, chúng tôi được thưởng thức món ghẹ luộc - đặc sản Hàm Ninh. Những con ghẹ vừa bắt lên đem luộc, màu đỏ tươi, thịt chắc nịch, chấm muối tiêu chanh ngon ngọt uống kèm với ly bia khiến cơn mệt mỏi đường xa tan biến.
Cũng chính ở làng chài Hàm Ninh, chúng tôi được nghe câu chuyện về loài chó xoáy. Loài chó có nguồn gốc từ hoang đảo ở Ấn Độ Dương, được các hải tặc châu Âu nuôi trên tàu nên chúng thích nghi với sóng nước, biển cả. Trong một lần đi đánh tàu buôn trên biển, do gặp bão, hải tặc phải tấp vào Phú Quốc tạm trú. Bầy chó xoáy xổng chuồng, chạy vào rừng. Từ đó, chó xoáy bắt đầu sinh sôi trên đảo.
Người Thái đã có lúc cho rằng chó Phú Quốc có nguồn gốc từ Xiêm. Nhưng nhiều công trình nghiên cứu, phản biện có cơ sở của các nhà khoa học đã bác bỏ và khẳng định chó xoáy là loài chó đặc hữu của Phú Quốc. Trên thế giới chỉ còn lại một vài loài giống này. Chó ở Phú Quốc rất được các thợ săn tin dùng, người ta thường gọi nó là “khuyển vương” hoặc “sói lửa”. Đây là loài chó tinh khôn, dũng mãnh, đặc biệt có thể tự săn mồi tha về cho chủ. Gọi là “xoáy” bởi lông trên sống lưng chúng mọc ngược dựng lên, hất về phía sau như lưỡi mác.
Cũng tại Phú Quốc, khi màn đêm buông xuống là lúc các hoạt động đánh bắt ngoài khơi sôi động. Anh Long nói, đến Phú Quốc mà chưa đi câu mực đêm thì là một thiệt thòi lớn với du khách. Chừng 22h, hàng trăm tàu thuyền câu mực đậu rải rác trên ngư trường mênh mông cùng với những ngọn đèn lấp lánh tạo nên một không gian ảo diệu. Tàu thuyền tập trung nhiều nhất là ở các vùng biển Cửa Cạn, An Thới, Dương Đông…
Với ngư phủ đó là mưu sinh. Còn với du khách, cái thú câu đêm là để thư giãn và khám phá đại dương. Trên tàu, kẻ đứng người ngồi, vừa buông câu vừa thỏa sức ngắm biển. Nhưng có lẽ thú vị nhất là bạn bè quây quần bên nhau cùng thưởng thức những con mực, con cá do chính mình câu được. Còn gì hấp dẫn bằng những con mực tươi rói vừa cắt câu rồi gỡ ra đem nướng trên bếp than hồng. Cùng tận hưởng những miếng mực giòn ngọt và đậm đà hương vị biển cả.
Sớm hôm sau, chúng tôi ghé chợ hải sản Dương Đông. Chợ họp từ khoảng 4 giờ sáng. Nhà lồng chợ chính bán “hàng khô”. Đối diện là hai khu chợ bán “hàng ướt” nằm quay lưng ra biển cho tiện việc lên xuống hàng bông và hải sản. Mỗi ngày, hải sản được chuyển lên chợ từ các tàu đánh cá tấp nập cập bến. Bao nhiêu là cá biển, từ con nhỏ xíu đến con khổng lồ nằm khoe mình trên mâm phủ đá trắng tinh. Nào cá chình, cá thu, cá thu ảo, cá nhồng, cá bớp, cá diễn, cá nhái biển, mực, các loại sò…
Sản vật biển tươi sống mới đánh bắt được chuyển ngay về bến, nên chợ Dương Đông nổi tiếng với các loại hải sản tươi ngon, phong phú về chủng loại rất dễ lựa chọn, giá cả cũng phải chăng. Du khách thường ghé chợ mua ít hải sản khô làm quà cho người thân trước khi tạm biệt đảo về đất liền.
Đến với Phú Quốc lần này, chúng tôi tiếc là chưa tới được vương quốc hồ tiêu, nhà thùng sản xuất nước mắm, cơ sở sản xuất ngọc trai... vì thế lòng đã háo hức lên kế hoạch trở lại Phú Quốc một ngày không xa.