Cơ hội sống
Bộ luật Hình sự vừa được Quốc hội thông qua có quy định “mở” hơn đối với các loại tội phạm tham ô, nhận hối lộ... hay nói một cách chuẩn xác là tội phạm tham nhũng. Theo đó, các loại tội phạm này hầu hết đều có cơ hội sống nếu chịu móc hầu bao trả lại ¾ số tiền do phạm tội mà có, đồng thời chỉ cho CQĐT phát hiện, xử lý đồng phạm hoặc các thế lực bảo kê.
Đây có thể nói là một quy định mới mang tính nhân văn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, là chủ trương lớn trong giai đoạn cải cách tư pháp hiện nay của Đảng và Nhà nước. Song, với quy định mới này, bên cạnh nỗi vui mừng của không ít các nhân vật “tai to, mặt lớn” đã trót nhúng chàm, thì cũng là nỗi lo canh cánh của dư luận xã hội về việc quy định trên liệu có “dung túng” cho các đối tượng đã, đang và sẽ có ý định tham nhũng?
Vẫn biết “đánh vào dạ dày” của các đối tượng tham nhũng sẽ làm triệt tiêu phần nào ý chí phạm tội của họ. Song, nếu cứ đơn giản là tham nhũng rồi khi bị phát hiện thì nộp lại tiền, tài sản đã tham ô, nhận hối lộ là thoát chết thì e rằng không đủ sức răn đe.
Nói như vậy bởi lẽ, với phong tục tập quán và phương châm sống của người Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, rất nhiều người có cách nghĩ “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, nghĩa là cứ tham ô nếu bị phát hiện thì cùng lắm là ngồi tù, còn nếu không bị phát hiện thì có tiền cho con đi du học, mua sắm ô tô, các loại vật dụng xa xỉ đắt tiền...
Nhiều người nói rằng, hiện Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào thế giới, vậy nên cũng dần phải “thích ứng” với khuôn khổ luật pháp chung của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Đúng, điều này thì không phải bàn cãi nhiều. Song, ở mỗi nước có một nền văn hóa khác nhau, có sự giáo dục về thể chất và tinh thần khác nhau, nên cũng có cách nghĩ, hành động khác nhau. Và mỗi Nhà nước khác nhau cũng cần khuôn khổ pháp lý khác nhau để quản lý theo đặc thù.
Chúng ta cần hòa nhập nhưng không được hòa tan. Ngay cả một nước được cho là văn minh như nước Mỹ thì không phải đã bỏ án tử hình ở tất cả các tội và cũng không phải luật pháp áp dụng chung cho tất cả các bang. Vẫn có những bang của Mỹ thực hiện riêng luật pháp của họ chứ không theo luật pháp của liên bang, do vậy nhiều điều luật của liên bang không có giá trị ở một bang nào đó. Nói như vậy không phải để trì trệ, bảo thủ, song với khuôn khổ pháp lý, chúng ta cần hết sức thận trọng, đặc biệt là với lĩnh vực hình sự.
Các cụ xưa có câu “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”. Có lẽ điều này đã được các nhà xây dựng luật quán triệt một cách tối đa trong việc xây dựng luật hình sự. Hy vọng các đối tượng đã, đang và sẽ tham nhũng, hoặc có ý định tham nhũng biết ơn chính sách khoan hồng độ lượng đó mà cải tà quy chính.