Sạn hội chợ
Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2015 đang diễn ra tại Hà Nội đã thu hút hàng ngàn người tiêu dùng đến tham quan mua sắm. Theo Ban tổ chức, hội chợ quy tụ hơn 200 gian hàng của trên 150 DN đến từ 40 tỉnh, thành phố trên cả nước với mục đích tạo ra hoạt động kết nối “3 nhà”: nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng.
Đây là một trong những sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của TP. Hà Nội nhằm quảng bá các sản phẩm đặc sản tiêu biểu của các tỉnh, thành phố trong cả nước; kết nối giao thương giữa các nhà sản xuất và nhà phân phối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của các DN, đặc biệt là các sản phẩm nông sản là thế mạnh của các vùng, miền, các địa phương như: Chả mực Hạ Long, đặc sản thịt chua Phú Thọ, cá kho làng Vũ Đại, măng khô Tuyên Quang…
Đến với hội chợ, người tiêu dùng có thể chọn mua nước mắm Phan Thiết, Phú Quốc; cà phê Lâm Đồng, Mường Ảng (Điện Biên); chè San tuyết Suối Giàng (Yên Bái), Thái Nguyên, Mộc Châu (Sơn La); cam Vinh (Nghệ An), cam Cao Phong (Hòa Bình)... Tất cả đều là những sản phẩm thế mạnh của các địa phương đã có thương hiệu trong nước và cả quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm nổi trội như đã nói ở trên của Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2015, vẫn còn tồn tại những “hạt sạn”. Theo phản ảnh của một số khách hàng, tiếng là hội chợ đặc sản vùng miền, song, tại một số ki - ốt, biển treo một đằng nhưng hàng bán lại… một nẻo. Đơn cử như, tại một gian hàng có treo biển rất to: “Mật ong bạc hà – Mèo Vạc”, nhưng tìm mỏi mắt không thấy mật ong đâu mà chỉ thấy phần lớn là đồ khăn thổ cẩm, vải thổ cẩm.
Không ít người tiêu dùng còn nêu lên thực trạng, một số chủ cửa hàng tranh thủ hội chợ để đẩy giá hàng hóa lên cao. Như trường hợp của chị Lan Anh, ở phố Yên Hòa, Cầu Giấy Hà Nội: “Hai mẹ con tôi đi tham quan hội chợ, vào ăn một suất bún đậu mắm tôm, có mỗi hai bìa đậu với mấy lát bún mà bị “ép giá” 30.000 đồng/ suất. Trong khi nếu ra ngoài suất đó tôi chỉ mất 10.000 đến 15.000 đồng. Tôi có cảm giác như, nhiều người coi đây là cơ hội để “bắt chẹt” người tiêu dùng. Cứ như vậy lần sau ai dám đi hội chợ nữa”- chị Lan Anh chia sẻ.
Cần phải thừa nhận, Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2015 đã trở thành cầu nối để người tiêu dùng được tiếp xúc, gặp gỡ với tất cả các đặc sản vùng miền trên cả nước. Hội chợ ghi lại nhiều dấu ấn tốt đẹp cho cả nhà quản lý, người tiêu dùng cũng như các DN, nhà sản xuất. Nhưng đã là một hội chợ mang tầm quốc gia thì không nên để tồn tại những “hạt sạn” tương tự như trên như vậy sẽ làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đối với cả nhà quản lý và DN.