Nga - Thổ Nhĩ Kỳ: Tiếp tục 'khẩu chiến'
Căng thẳng giữa Ankara và Moscow sau vụ việc máy bay Su-24 của Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn vẫn tiếp diễn, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ “thách” Nga chứng minh cáo buộc cho rằng nước này có liên quan tới thương vụ mua bán dầu “bẩn” với nhóm khủng bố IS.
Lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ liên tục đưa ra những tuyên bố liên quan
đến vụ máy bay Nga bị bắn hạ. Nguồn: Sputnik.
Để đáp trả lại một tuyên bố từ Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho rằng máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt biên giới sang lãnh thổ Syria để bắn hạ máy bay của họ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói: “Nếu các bạn cáo buộc điều gì, hãy chứng minh nó đi”.
Cũng trong ngày 1/12, Mỹ đã bắt đầu lên tiếng ủng hộ đồng minh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này, bà Elizabeth Trudeau, nói rằng “chứng cứ mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra và các nguồn riêng của chúng tôi đều chỉ ra rằng máy bay Nga đã vi phạm không phận của Thổ Nhĩ Kỳ”. Vị quan chức này còn thêm rằng, Nga chưa từng thông tin trước cho Mỹ hoặc khối liên minh chống IS mà Mỹ dẫn đầu về chiến dịch không kích của mình.
Trong khi đó, Tổng thống Putin cũng không ngần ngại đưa ra các bằng chứng mới để chứng minh cáo buộc của mình. Ông cho biết Nga đã nhận thêm một số nguồn tin tình báo xác nhận rằng lượng dầu thu được từ các mỏ mà phiến quân IS đang kiểm soát đã được chuyển sang Thổ Nhĩ Kỳ, và Ankara bắn máy bay Nga là để bảo vệ thương vụ này.
“Hiện nay chúng tôi đã nhận được thông tin thêm xác nhận rằng lượng dầu trên được tuồn vào Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi có đủ lý do để tin rằng quyết định bắn hạ máy bay của chúng tôi bắt nguồn từ ý định đảm bảo an ninh cho tuyến đường vẫn chuyển dầu này đến các cảng, nơi dầu được chuyển vào các thùng chứa” - ông Putin nói.
Phát biểu khi đang tham dự Hội nghị COP 21 ở Paris, Tổng thống Erdogan tuyên bố rằng ông sẽ từ chức nếu có bằng chứng xác thực cáo buộc trên.
“Chúng tôi không đến nỗi phải đi mua dầu từ những kẻ khủng bố. Nếu điều này được chứng thực, tôi sẽ rời văn phòng ngay. Nếu có bằng chứng, hãy công bố nó” - ông Erdogan nói.
Những kẻ khủng bố từ lâu đã lợi dụng chính sách miễn thị thực của Thổ Nhĩ Kỳ để di chuyển một cách tự do, Tổng thống Putin nói, thêm rằng Ankara đã thất bại trong việc giải quyết vấn đề trên dù đã được Nga nhắc nhở nhiều lần. “Từ lâu chúng tôi đã yêu cầu Ankara chú ý đến mối đe dọa bởi những kẻ khủng bố đến từ một số khu vực của Nga, như Bắc Caucasus” - ông Putin nói.
Tổng thống Putin cũng thừa nhận rằng, bản thân ông rất buồn vì mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ đang trở nên lạnh nhạt dần, thêm rằng ông đã nghe tuyên bố từ Ankara nói rằng ông Erdogan không phải người đưa ra quyết định bắn hạ máy bay Nga, tuy nhiên khẳng định rằng ai ra quyết định trên không quan trọng đối với nước Nga.
Một số chuyên gia nhận định, vụ bắn hạ Su-24 Nga là một phần trong nỗ lực bảo vệ phiến quân người Thổ Nhĩ Kỳ - Turkmen - vốn được Ankara hậu thuẫn đang hoạt động tại Syria. Tuy nhiên, đòn đánh này của Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ như đã phản tác dụng và hiện nay Ankara bất lực đứng nhìn phiến quân hứng chịu những cuộc không kích dữ dội của Nga.
Kể từ sau vụ máy bay Nga bị bắn hạ, mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên hết sức lạnh nhạt. Mới đây Nga còn đưa ra một gói trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó hạn chế hoạt động của một số tổ chức của nước này trên lãnh thổ Nga, cấm một số mặt hàng nông sản mà Thổ Nhĩ Kỳ xuất sang Nga, và hủy chế độ miễn thị thực đối công dân Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga, bắt đầu từ năm tới.
Phát biểu bên lề Hội nghị COP 21, ông Erdogan nói rằng Ankara sẽ hành động “kiên nhẫn, tránh theo cảm xúc” trước khi đưa ra các biện pháp đáp trả. Trong khi đó, ngay trước hội nghị, Thủ tướng Ahmet Davutoglu lại thể hiện quan điểm cứng rắn hơn khi tuyên bố rằng Ankara sẽ không xin lỗi “vì đã thực hiện đúng trách nhiệm”.