Dân số Việt Nam ‘già hóa’ nhanh nhất châu Á
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến , Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất ở châu Á, chính thức bước vào thời kỳ “già hóa” từ năm 2011. Còn đại diện Hội người cao tuổi cho biết, 23,5% người cao tuổi ở nước ta hiện nay là người nghèo.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến: “Việt Nam là một trong những quốc gia
có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất ở châu Á”.
Phát biểu tại Lễ phát động Tháng hành động quốc gia về Dân số và hưởng ứng Ngày Dân số Việt Nam năm 2015 (26-12), do Bộ Y tế đã tổ chức hôm nay, 2/12 tại TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhìn nhận: Tuổi thọ cao là thành tựu của y khoa và kết quả của phát triển kinh tế - xã hội về nhiều mặt, không phải là gánh nặng của xã hội hay của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: Việc chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội”.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, dân số thế giới đang già hóa nhanh chóng. Trong thời gian 10 năm tới, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ vượt qua con số 1 tỷ. Già hóa dân số đang tăng nhanh ở các nước đang phát triển, bao gồm cả những quốc gia có mật độ dân số trẻ cao.
Đặc biệt, theo ông Tiến, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất ở châu Á, chính thức bước vào thời kỳ “già hóa” từ năm 2011. Đây kết quả từ sự sụt giảm của tỷ lệ sinh, tỷ lệ chết và tuổi thọ ngày càng tăng lên. Năm 2012, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 10,2% tổng dân số cả nước, đến năm 2014 đã tăng lên 10,5%. Thời kỳ để Việt Nam chuyển giao từ “già hóa dân số” sang “dân số già” ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có cấp độ phát triển cao hơn…
Để giải quyết những thách thức và tận dụng các cơ hội của thời kỳ già hóa dân số, theo ông Tiến, cần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, khuyến khích và tạo điều kiện để người cao tuổi tiếp tục tham gia các hoạt động xây dựng đất nước phù hợp với điều kiện sức khỏe và kinh nghiệm…
Cùng quan điểm, theo Phó Chủ tịch Hội Người Cao tuổi Việt Nam Ngô Trọng Vịnh, cần tạo điều kiện để người cao tuổi phát huy nội lực, chăm sóc sức khỏe, tiếp tục cống hiến cho xã hội. “Chăm sóc người cao tuổi không chỉ là chăm sóc về y tế mà còn chăm sóc về cả vật chất, tinh thần, sao cho mỗi người khi về già đều có một cuộc sống đảm bảo, an toàn”, ông nhìn nhận.
Thông tin tại Lễ phát động, ông Vịnh cho biết 23,5% người cao tuổi ở nước ta hiện nay là người nghèo, gần 100.000 người cao tuổi cô đơn và rất nhiều người cao tuổi khuyết tật.
Từ đó, ông Vịnh cho rằng Việt Nam cần có một chiến lược, một giải pháp kịp thời đồng bộ, có hiệu quả, để giải quyết các vấn đề nảy sinh khi quốc gia bước vào giai đoạn già hóa dân số như hiện nay.
Trước đó, trong khuôn khổ Lễ phát động, Ban tổ chức đã khai mạc Triển lãm ảnh với chủ đề “Kết nối thế hệ”.